Đồng Nai: Lấy giá trị làm chiến lược phát triển nông nghiệp

Ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai xác định chuyển dịch theo hướng nâng cao giá trị, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để tăng khả năng cạnh tranh tại thị trường nội địa lẫn quốc tế.
Canh tác rau sạch theo tiêu chuẩn VietGap tại Xuân Lộc. (Ảnh: Thìn Nguyễn/Vietnam+)

Dù chỉ chiếm tỷ trọng 6% đóng góp cho ngân sách của tỉnh, nhưng ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai đã có những chuyển biến, phát triển, giúp nâng cao đời sống của người dân, cũng như góp phần vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Để tiếp tục thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển, nâng cao đời sống của người làm nông nghiệp hơn nữa, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai đã xây dựng nhiều chiến lược để tạo đà đi lên.

Cụ thể, ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai xác định chuyển dịch theo hướng nâng cao giá trị, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để tăng khả năng cạnh tranh tại thị trường nội địa lẫn quốc tế.

Tập trung phát triển sản phẩm chất lượng cao

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, riêng ngành chăn nuôi, từ đầu năm 2020 đến nay, toàn tỉnh có thêm 13 trang trại được công nhận trang trại an toàn dịch bệnh và 172 trang trại VietGAHP (thực hành sản xuất chăn nuôi tốt).

Toàn tỉnh có 629 cơ sở và 5 vùng an toàn dịch bệnh; 277 trang trại, 23 tổ hợp tác đạt chứng nhận VietGAHP.

Tỷ lệ giá trị sản phẩm chăn nuôi sản xuất theo quy trình an toàn đạt 53% trên tổng sản lượng với khoảng 45% tổng đàn heo, 30,5% tổng đàn gà được truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra, trên 62% tổng đàn gia súc, gia cầm được sản xuất theo hình thức hợp tác liên kết.

Song song với thực hiện các chuỗi liên kết sản xuất an toàn, địa phương xác định, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu thế tất yếu. Toàn tỉnh hiện có gần 80% diện tích đất sản xuất nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, khai thác thủy sản.

Theo đó, đã có 18 đơn vị được cấp nhãn hiệu sản phẩm như: xoài, rau, sầu riêng, điều, chuối, tiêu, gạo, na....

Tỉnh cũng xây dựng chỉ dẫn địa lý với bưởi Tân Triều và chôm chôm Long Khánh. Nhằm tăng hiệu quả trong chuyển dịch cơ cấu toàn diện ngành nông nghiệp, Đồng Nai còn phát triển chuỗi liên kết, góp phần thúc đẩy mạnh tính chuyên môn hóa, mở rộng sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm.

Hiện, trên địa bàn toàn tỉnh có 120 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản.

Nói đến ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai hiện đang triển khai ứng dụng công nghệ cao của Israel vào các lĩnh vực sản xuất, phục vụ cho các nhóm hàng.

Đó là, các loại nông sản giống mới giàu tiềm năng về thị trường xuất khẩu, nhóm các nông sản chủ lực và truyền thống có sẵn tại địa phương, nhóm hàng truyền thống phục vụ thị trường nội địa.

Công nghệ Israel được áp dụng trong đề án gồm công nghệ nhà lưới, công nghệ tưới tiết kiệm, công nghệ bón phân tự động, công nghệ điều khiển tự động, áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất, tự động hóa trong bảo quản.

Theo ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, điều quan trọng nhất của những ứng dụng này là có tính khả thi, đưa vào đời sống.

Với những công nghệ được ứng dụng thí điểm, có khả năng nhân rộng sẽ được tỉnh Đồng Nai xem xét mở rộng sản xuất cho người dân.

Để ngành nông nghiệp Đồng Nai đi đúng hướng, các đơn vị tư vấn và hướng dẫn ứng dụng công nghệ Israel phải đồng chịu trách nhiệm với người dân trong quá trình ứng dụng sản xuất.

[Đồng Nai hướng đến phát triển nông thôn mới theo chiều sâu]

Nhằm đưa ngành nông nghiệp của tỉnh Đồng Nai đi lên, các đơn vị liên kết sản xuất, hướng dẫn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp cũng đặt tâm huyết sẽ đạt kết quả cao nhất trong chuỗi liên kết này.

Ông Hà Duy Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Công nghệ giáo dục 3A (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, ứng dụng công nghệ Israel để phát triển nông nghiệp bền vững chỉ chọn lọc những phương pháp có thể áp dụng tốt nhất, phù hợp nhất với Việt Nam.

Canh tác rau sạch theo tiêu chuẩn VietGap nhằm nâng cao sức cạnh tranh. (Ảnh: Thìn Nguyễn/Vietnam+)

Các chuyên gia Israel tham gia đề án sẽ có mặt ở Đồng Nai, tiếp tục nghiên cứu đưa ra các giải pháp và đồng hành với nông dân đến khi ra được sản phẩm.

Hiện, 80% sản phẩm nông nghiệp của Israel xuất khẩu vào thị trường châu Âu và họ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho đến kinh nghiệm về xây dựng chuỗi, cách bán hàng...

Thay đổi tư duy nông nghiệp

Là tỉnh đi đầu trong thực hiện xây dựng nông thôn mới của cả nước, Đồng Nai có những lợi thế nhất định trong việc phát triển nông nghiệp. Đến huyện Xuân Lộc, một trong những huyện thực hiện xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng "Phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững," chúng tôi không khỏi bất ngờ về những vườn cây trái chuyên canh năng suất cao và rất nhiều cách làm nông nghiệp hiện đại của địa phương này.

Ông Nguyễn Văn Linh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Xuân Lộc khẳng định: “Những thay đổi trong cơ chế, chính sách, cách làm nông nghiệp của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận trong nhân dân là chìa khóa thành công, đưa Xuân Lộc trở thành một trong những huyện của Đồng Nai có ngành nông nghiệp phát triển vượt bậc.”

Để minh chứng, ông Linh cho biết, huyện đã có những cách làm cụ thể như việc thực hiện mỗi xã, mỗi vùng xây dựng một thế mạnh sản xuất nông nghiệp riêng.

Cụ thể, xã Xuân Định, xã Bảo Hòa có diện tích đất đỏ bazan dồi dào, phù hợp phát triển cây ăn trái đặc sản như chôm chôm, sầu riêng.

Xã Xuân Thọ, Xuân Bắc, Suối Cao là vùng đất sỏi cơm phù hợp phát triển cây hồ tiêu, cây xoài, cây có múi. Xã Xuân Hưng, Xuân Hòa là vùng đất cát pha sét phù hợp với phát triển xoài, thanh long...

Từ những phát hiện và khai thác đúng chức năng của từng vùng đất, huyện Xuân Lộc đã phát triển một nền nông nghiệp với năng suất bình quân, hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với bình quân chung của ngành nông nghiệp huyện nói riêng, tỉnh Đồng Nai nói chung. Tại đây, nhiều trang trại sản xuất theo tiêu chí hữu cơ đã ra đời.

Đến Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Trang Trại Việt (xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc) chúng tôi được ông Trần Quang Tính, Giám đốc công ty chào đón với nét mặt vui vẻ.

Ông Tính cho biết, ông xuất thân từ kỹ sư cơ khí, nhưng lại lựa chọn sản xuất nông nghiệp sạch để đánh dấu cho bước ngoặt chuyển đổi hiện nay của ông.

Dưa lưới trồng hữu cơ tại Trang trại Việt. (Ảnh: Thìn Nguyễn/Vietnam+)

Ông chọn cách riêng khi không ứng dụng toàn bộ những công nghệ từ nước ngoài vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ mà có nhiều cải tiến, thậm chí tự chế tạo những thiết bị, máy móc trong nhà màng; tự thiết kế robot được lập trình tự động trong việc tưới nước cho cây; ứng dụng năng lượng Mặt Trời để vận hành hệ thống làm mát trong nhà màng giảm thiểu chi phí sản xuất.

Vào thăm trang trại hữu cơ của Trang Trại Việt, ấn tượng nhất chính là hình ảnh đàn ong chăm chỉ hút mật trong nhà màng và cũng chính là những “công nhân” thụ phấn hoa cho dưa lưới – một minh chứng cụ thể của mô hình organic.

Với đặc tính cực kì nhạy cảm với môi trường và các hóa chất, đàn ong sống tốt trong nhà màng là biểu hiện sinh động của môi trường hữu cơ an toàn.

Đàn ong trong vườn dưa lưới không chỉ là đối tượng thiên địch của nhiều loài sâu bệnh mà còn là đội ngũ giám sát về tính an toàn tuyệt đối của môi trường cũng như những sản phẩm nông nghiệp được trồng ở đây…

Hệ thống trang trại hiện có rộng 13ha, bao gồm những nhà màng trồng rau, quả sạch, các sản phẩm nông nghiệp được tinh chế khác như nước dưa lưới lên men, khổ qua rừng sấy khô...

Các sản phẩm đầu ra hiện chỉ mới đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu về sản phẩm nông nghiệp sạch, chủ yếu là phân phối cho thị trường thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố lân cận.

Ông Tính cho biết: “Trang trại Việt sẵn sàng chuyển giao những công nghệ hiện có và sẵn sàng bao tiêu sản phẩm cho nông dân áp dụng mô hình này để cho ra những sản phẩm nông nghiệp đủ tiêu chuẩn. Với mong muốn làm thay đổi nhận thức về nông nghiệp sạch cũng như thói quen sử dụng sản phẩm nông nghiệp của cộng đồng, những mô hình sản xuất của Trang trại Việt vừa là thực tế sinh động và cũng là cơ hội tốt để nông dân chuyển đổi sang hướng sản xuất an toàn, có giá trị kinh tế cao, tăng năng suất, tăng tính hiệu quả”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục