Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống COVID-19 trên địa bàn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai yêu cầu, người dân không ra đường trong khoảng thời gian từ 18 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau, thời gian thực hiện từ 18 giờ, ngày 28/7 đến hết ngày 1/8.
Tỉnh yêu cầu các cá nhân, hộ gia đình kinh doanh tạm dừng các dịch vụ cung cấp đồ ăn, thức uống chế biến sẵn, kể cả mua hàng mang về, thời gian thực hiện từ 0 giờ ngày 29/7.
Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo Ủy ban Nhân dân cấp xã rà soát, thông báo và công khai cụ thể các địa điểm kinh doanh, buôn bán mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân; khẩn trương tổ chức thực hiện phát phiếu mua hàng thiết yếu cho người dân tại địa phương. Trong đó, phân chia tần suất theo phương án hộ gia đình, mỗi hộ được phát phiếu mua hàng 2 ngày/tuần.
Đối với người kinh doanh, buôn bán hàng thiết yếu tại các địa điểm được Ủy ban Nhân dân cấp xã cho phép thì được đi lại để bổ sung nguồn hàng thiết yếu phục vụ người dân, nhưng phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong thời hạn 3 ngày.
Các cơ quan chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, đặc biệt trong các khu cách ly y tế và xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm về quy định phòng, chống dịch COVID-19, nhất là trong khoảng thời gian khuyến cáo trên.
Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố huy động tối đa lực lượng, thiết lập các chốt kiểm soát người, phương tiện đi lại giữa các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh để thực hiện nghiêm quy định “xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh” theo Chỉ thị 16.
Thông tin từ Sở Y tế Đồng Nai, tính đến ngày 27/7, toàn tỉnh ghi nhận 346 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc trong đợt dịch thứ tư là 3.237; trong đó thành phố Biên Hòa nhiều nhất với 1.735 ca; huyện Nhơn Trạch 390, huyện Vĩnh Cửu 381, huyện Thống Nhất 186 ca. Số ca tử vong tính đến ngày 27/7 là 10 ca.
Theo nhận định định của ngành Y tế, phần lớn ca dương mới ghi nhận tại các ổ dịch cũ, các khu vực đã phong tỏa và đã truy vết cho thấy mức độ lây nhiễm tại các ổ dịch này đã khá sâu cần phải thực hiện lấy mẫu xét nghiệm diện rộng và nhiều lần để làm sạch nguồn lây.
Đồng Nai ghi nhận nhiều ca mới tại các doanh nghiệp ở thành phố Biên Hòa và huyện Nhơn Trạch, mặc dù các doanh nghiệp đã thực hiện xét nghiệm sàng lọc và "3 tại chỗ" nhưng việc xét nghiệm bằng test nhanh, xét nghiệm tỷ lệ ngẫu nhiên nguy cơ bỏ sót ca dương tính.
Vì vậy cần tăng tốc độ xét nghiệm tầm soát diện rộng và sử dụng bằng xét nghiệm PCR. Vấn đề đặt ra ở Đồng Nai là khó khăn về nhân lực lấy mẫu xét nghiệm và năng lực hệ thống xét nghiệm PCR chưa đáp ứng được. Một số doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ" nhưng nơi ở công nhân đông, không bảo đảm giãn cách...
[Ninh Thuận phát huy hiệu quả bước đầu, nỗ lực đẩy lùi dịch COVID-19]
Các khu nhà trọ chật chội, dù đã phát hiện ổ dịch và xét nghiệm tầm soát nhưng không giãn cách người ở trọ được nên vẫn tiếp tục lây nhiễm nhiều ca.
Ngành Y tế Đồng Nai đề xuất trong những ngày tới vẫn tập trung nhân lực lấy mẫu xét nghiệm diện rộng tại các ổ dịch lớn đã phong tỏa để sớm cắt đứt sự lây nhiễm.
Tỉnh cần có giải pháp giãn cách mật độ người trong các khu nhà trọ, nhất là các khu nhà trọ đã phát hiện ổ dịch, xem xét hỗ trợ đưa công nhân ở một số tỉnh lân cận về quê.
Các doanh nghiệp tiếp tục sản xuất phải bảo đảm nơi ở cho công nhân đáp ứng yêu cầu 5K và phân luồng. Tỉnh cần xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên hàng tuần bằng cả test nhanh và PCR, đặc biệt, tích cực bằng nhiều giải pháp nâng được năng lực hệ thống xét nghiệm PCR.
Bình Dương xuất hiện các ca lây nhiễm trong doanh nghiệp không rõ nguồn gốc
Ngày 28/7, thông tin từ Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho hay, công tác thực hiện "3 tại chỗ" trong doanh nghiệp có ca F0 gặp nhiều khó khăn.
Tại các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội gỗ Bình Dương có 57 doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ" nhưng hiện nay việc duy trì hoạt động cũng gặp rất nhiều khó khăn do xuất hiện các ca lây nhiễm trong doanh nghiệp không rõ nguồn gốc.
Liên đoàn Lao động tỉnh kiến nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương cần tiếp tục tăng cường lực lượng phản ứng nhanh tham gia công tác phòng, chống dịch, thực hiện đồng bộ phương châm "4 tại chỗ," nhất là nhân lực tại chỗ nhằm kịp thời phối hợp xử lý, phân luồng thần tốc F0, F1 tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp có đông công nhân lao động, nhanh chóng chuyển các trường hợp nghi nhiễm đến khu vực cách ly tạm thời đã được bố trí tại doanh nghiệp hoặc chuyển đến các khu cách ly theo chỉ định của ngành y tế; đồng thời thực hiện nhanh việc sàng lọc, test COVID-19 đối với F1 có tiếp xúc gần với bệnh nhân, qua đó, sớm ổn định tình hình, duy trì hoạt động sản xuất của doanh nghiệp được tiếp diễn.
Hiện nay, có gần 4.000 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương đăng ký thực hiện phương án "3 tại chỗ," "1 cung đường, 2 địa điểm" để vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa đảm bảo "mục tiêu kép."
Tính trong đợt dịch lần thứ tư này, Bình Dương ghi nhận 8.909 ca mắc COVID-19, trong đó có 828 ca được chữa khỏi và 38 ca tử vong./.