Tỉnh Đồng Nai có hơn 1 triệu công nhân lao động; trong đó, khoảng 30% số lao động có nhà ở, còn lại đang phải thuê nhà trọ tại các khu dân sinh với điều kiện sinh hoạt không đảm bảo.
Việc phát triển nhà ở xã hội; trong đó có đối tượng là công nhân, dù đã được tỉnh Đồng Nai quan tâm và triển khai nhiều năm nay, tuy nhiên vì nhiều lý do, đến nay vẫn chưa được tháo gỡ. Bài toán "an cư" cho người lao động vẫn còn loay hoay tìm lời giải.
Nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn
Chị Nguyễn Thị Hải (công nhân một doanh nghiệp chuyên sản xuất giày tại phường Hóa An, thành phố Biên Hòa) rời quê Nghệ An vào Đồng Nai làm công nhân đã gần 23 năm.
Với "thâm niên" 23 năm thuê trọ, hơn lúc nào hết, chị Hải luôn mong mua được căn nhà để "an cư lạc nghiệp", gia đình có được chỗ ở đàng hoàng hơn.
"Rời quê vào đây làm công nhân, ban đầu tiền lương chỉ có mấy trăm ngàn một tháng. Đến nay mức lương của em là hơn 10 triệu đồng. Chồng là lao động tự do nên thu nhập không ổn định. Với mức lương của hai vợ chồng, mỗi tháng lo cho hai con ăn học, nhà trọ và chi phí sinh hoạt hằng ngày, nên số tiền tích góp không được bao nhiêu. Để mua được nhà thì phải có tiền tỷ, với số tiền đó không biết phải làm việc bao nhiêu lâu nữa mới có," chị Hải tâm sự.
Trường hợp chị Hải cũng là tình cảnh chung của hàng trăm ngàn công nhân lao động trên địa bàn Đồng Nai, khi đang phải thuê trọ và chật vật với ước mơ có một chốn "an cư."
Theo báo cáo của Tỉnh ủy Đồng Nai, hiện nay trên địa bàn có 32 khu công nghiệp được thành lập. Các khu công nghiệp đã tạo việc làm cho 618.00 người lao động, trong đó công nhân ngoại tỉnh chiếm khoảng 52% (khoảng hơn 321.000 người).
"Hầu hết công nhân ngoại tỉnh đều có nhu cầu về chỗ ở; số lượng công nhân trong tỉnh, khác huyện làm việc tại các nhà máy, có nhu cầu thuê phòng trọ gần nhà máy chiếm khoảng 30% trên tổng số lao động nội tỉnh (khoảng 89.000 người). Như vậy, tổng số người lao động tại các khu công nghiệp có nhu về chỗ ở hiện nay khoảng 410.000 người. Trong khi, các dự án nhà ở xã hội hiện nay mới đáp ứng được khoảng 26.400 người (6,5% nhu cầu); còn khoảng 384.200 công nhân hiện nay đang thuê trọ có nhu cầu thuê, thuê mua nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng theo hình thức dự án," lãnh đạo Tỉnh ủy Đồng Nai cho biết.
Theo dự báo của tỉnh Đồng Nai, đến năm 2025, trên địa bàn có thêm 3 khu công nghiệp đi vào hoạt động, gồm Khu Công nghiệp Công nghệ cao Long Thành (410ha), Khu Công nghiệp Cẩm Mỹ (300ha), Khu Công nghiệp Phước Bình (190ha), với tổng diện tích 900ha.
Bình quân số lao động tăng thêm khi 3 khu công nghiệp này đi vào hoạt động khoảng 56.700 người, từ đó sẽ nâng số lượng nhu cầu nhà ở cho công nhân tiếp tục tăng mạnh.
Trong khi đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết cả nước hiện có khoảng 7 triệu lao động đang làm việc tại 370 khu công nghiệp, khu chế xuất. Tuy nhiên, nhà ở phục vụ công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất mới chỉ đáp ứng được khoảng hơn 30% nhu cầu. Phần lớn công nhân, lao động nhập cư đang phải thuê nhà trọ dân sinh với điều kiện sinh hoạt không đảm bảo.
Khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, có khoảng 95% số công nhân ngoại tỉnh làm việc tại các khu công nghiệp tập trung trên cả nước phải thuê nhà trọ của tư nhân.
Các phòng trọ do tư nhân xây dựng cho thuê hầu hết chật hẹp, diện tích sử dụng bình quân từ 3-4 m2 /người, không bảo đảm những điều kiện tối thiểu về vệ sinh, điện, nước, môi trường sinh hoạt chật chội, ảnh hưởng đến sức khỏe và năng suất lao động.
Hàng loạt vướng mắc cần được tháo gỡ
Trước nhu cầu cấp bách về nhà ở xã hội, vừa qua Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh Đồng Nai đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU về phát triển nhà ở công nhân, nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn.
"Công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư còn chưa kịp thời; chưa tạo thành các khu ở tập trung, đồng bộ, hiện đại; một số dự án xây dựng nhà ở công nhân, nhà ở xã hội tiến độ thực hiện chậm... là những yếu tố khiến việc phát triển nhà ở công nhân, nhà ở xã hội thời gian qua còn chậm," Tỉnh ủy Đồng Nai nhìn nhận.
Nguyên nhân chậm trễ, theo lý giải của tỉnh Đồng Nai là do quy hoạch xây dựng, quy hoạch quỹ đất dành cho phát triển nhà ở công nhân, nhà ở xã hội tại các huyện có khu công nghiệp chưa thật sự mạnh mẽ, nên hạn chế về quỹ đất sạch để giới thiệu cho các công ty trong khu công nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân thuê.
Điều đó đã làm hạn chế việc kêu gọi đầu tư đối với các công ty kinh doanh bất động sản tham gia xây dựng nhà ở công nhân, nhà ở xã hội. Cùng với đó, các khu công nghiệp được phê duyệt quy hoạch xây dựng trước đây chưa có nội dung quy hoạch khu nhà ở cho công nhân gắn với khu công nghiệp, do vậy quỹ đất gần khu công nghiệp đảm bảo phù hợp quy hoạch địa phương để thực hiện dự án xây dựng nhà ở công nhân là rất khó khăn; một số doanh nghiệp có năng lực tài chính, quan tâm chế độ cho người lao động có nhu cầu xây dựng nhà cho công nhân, nhưng không tìm được vị trí và quỹ đất phù hợp; việc đầu tư dự án xây dựng nhà ở công nhân, nhà ở xã hội khả năng thu hồi vốn chậm, hiệu quả không cao; các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận, vay vốn ưu đãi từ các ngân hàng để thực hiện dự án xây dựng nhà ở công nhân, nhà ở xã hội.
Mặt khác, tỉnh Đồng Nai cho rằng một số cơ chế, chính sách của trung ương về phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân làm việc tại các khu công nghiệp chưa theo kịp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Quyết liệt hơn để người lao động sớm có chốn "an cư"
Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, trong hai năm 2024 và 2025 tỉnh quyết tâm khởi công 12 dự án nhà ở xã hội để hoàn thành mục tiêu Nghị quyết xây dựng 13.139 căn nhà ở xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho các đối tượng là công nhân tại các khu công nghiệp và đối tượng thu nhập thấp.
Theo ông Hồ Văn Hà, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai, năm 2024 trên địa bàn có 2 dự án nhà ở xã hội sẽ hoàn và đưa vào sử dụng với 715 căn; trong đó dự án A6-A7 tại thành phố Biên Hòa của Công ty cổ phần Kinh doanh nhà Đồng Nai có 435 căn; dự án của Công ty cổ phần Đệ Tam tại huyện Nhơn Trạch với 280 căn.
Cũng trong năm 2024, Đồng Nai sẽ khởi công xây dựng 5 dự án đã được duyệt chủ trương đầu tư, với quy mô khoảng 9.000 căn nhà ở xã hội. Những dự án này hiện đã được duyệt chủ trương đầu tư.
Để đảm bảo mục tiêu hoàn thành 13.139 căn nhà ở xã hội trong năm 2024 và 2025, mới đây ông Hồ Văn Hà đã ký công văn báo cáo tiến độ và đề xuất Quyền Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức (Tổ trưởng Tổ công tác nhà ở xã hội tỉnh Đồng Nai) chỉ đạo các đơn vị, địa phương liên quan ký cam kết đẩy nhanh thực hiện các thủ tục đầu tư, đấu thầu, đất đai, xây dựng để khởi công 12 dự án trên trong năm 2024 và 2025 theo kế hoạch.
Làm việc với các đơn vị, địa phương mới đây về tiến độ triển khai các dự án nhà ở công nhân, nhà ở xã hội trên địa bàn, ông Võ Tấn Đức yêu cầu đối với các dự án đã trình hồ sơ chủ trương đầu tư, các sở, ngành phải lập kế hoạch cụ thể để theo dõi, đánh giá mức độ hoàn thành theo tháng, quý, nhằm kịp thời tháo gỡ các vướng mắc để các dự án triển khai đúng tiến độ.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai yêu cầu Sở Xây dựng khi lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, phải bố trí diện tích đất phù hợp trên địa bàn để xây dựng nhà công nhân, thiết chế của công đoàn đảm bảo đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để phục vụ công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp đó.
Bình Dương: Phát triển nhà ở xã hội đối mặt với nhiều thách thức
Với hơn 2 triệu lao động; trong đó, phần lớn là công nhân nên tỉnh Bình Dương đang đối mặt với thách thức lớn trong việc đáp ứng nhu cầu nhà ở cho lực lượng lao động này.
"Nghiên cứu tham khảo các dự án đã thực hiện thành công trên địa bàn tỉnh và tại các tỉnh, thành khác trên cả nước để đề xuất thêm nhiều mô hình đầu tư nhà ở công nhân, nhà ở xã hội," Quyền Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai yêu cầu Sở Xây dựng nghiên cứu, đồng thời rà soát việc bàn giao quỹ đất 20% từ các dự án nhà ở thương mại, xác định rõ nguyên nhân quỹ đất này còn thấp và đề xuất giải pháp.
Theo kế hoạch, ngày 21/5/2024 tới, Dự án nhà ở xã hội tại phường Long Bình Tân, thành phố Biên Hòa sẽ động thổ xây dựng trên diện tích 1,4 ha với quy mô 950 căn hộ.
Đây là dự án nhà ở xã hội tiếp theo của Đồng Nai sau hàng loạt dự án đã được triển khai nhằm cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TU ngày 22/8/2022 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Nai; Nghị quyết 49/NQ-HĐND ngày 10/12/2022 Hội đồng nhân dân tỉnh; Quyết định 1122/QĐ-UBND ngày 18/5/2023 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đặt mục tiêu: Giai đoạn 2021- 2025 xây dựng 10.000 căn nhà ở xã hội; giai đoạn 2026-2030 xây dựng ít nhất 40.000 căn nhà ở xã hội; tổng giai đoạn 2021-2030 Đồng Nai đầu tư xây dựng ít nhất 50.000 căn nhà ở xã hội cho các đối tượng là công nhân khu công nghiệp và các đối tượng thu nhập thấp./.