Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi Giáo xứ Hà Nội thuộc Giáo xứ Hà Nội đóng tại thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) hiện nuôi dưỡng 32 trẻ với những mảnh đời, số phận khác nhau.
Các em đều không biết cha, mẹ mình là ai và đang chung sống dưới một mái nhà. Những đứa trẻ kém may mắn này không vì thế mà bị mất đi tuổi thơ nhờ sự chung tay của cộng đồng, lớn lên hàng ngày, được học tập và được đón những lễ Giáng sinh ấm áp, chan hòa tình thân.
Năm 1990, khi Linh mục Trần Xuân Thảo (Giáo xứ Hà Nội) dâng Thánh lễ xong, một em bé sơ sinh bị bỏ rơi ở cuối Nhà thờ Hà Nội. Động lòng thương, linh mục quyết định sử dụng phần đất cá nhân để làm nơi ở cho những trẻ bất hạnh bị bỏ rơi và đặt tên là Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi Giáo xứ Hà Nội.
Hơn 30 năm tồn tại và phát triển, đến nay Trung tâm đã nhận và nuôi dạy 56 trẻ em cơ nhỡ, trong đó có 24 trẻ đã trưởng thành xây dựng cuộc sống mới ngoài cộng đồng, một số đã trở về gia đình.
32 trẻ còn lại hiện có 5 em đang theo học tại các trường đại học; 2 em học trung học phổ thông; 9 học tiểu học, số còn lại học mầm non và đang sinh sống tại Trung tâm.
Các em nhỏ đến với Trung tâm đa phần là những trẻ mồ côi, bị cha mẹ bỏ rơi, mỗi em đều có nỗi bất hạnh riêng, được phát hiện ở bãi rác, ven đường, nhà vệ sinh...
[Nghệ An: Độc đáo cây thông Noel làm từ hơn 1.000 chiếc nón lá]
Bà Vũ Thị Kim Liên, phụ trách Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi Giáo xứ Hà Nội, nhớ lại khoảng đầu tháng 9/2016, lúc hơn 6 giờ sáng, một học sinh lớp 11 nhặt được một em bé sơ sinh đặt bên lề đường, trên người không có quần áo.
Em học sinh lớp 11 này vội lấy chiếc áo đang mang trên người quấn cho em bé và đưa tới Trung tâm giao lại cho các cô, dì chăm sóc. Đến nay, đứa bé đã được hơn 4 tuổi, khỏe mạnh và phát triển bình thường.
Bà Vũ Thị Kim Liên cho biết đó là “cách” mà những đứa trẻ tội nghiệp đến với chúng tôi và sống tại Trung tâm này. Tại đây, dù thiếu thốn tình yêu thương của cha mẹ, nhưng bù lại, các em nhận được tình cảm của cả cộng đồng, được học hành và được đáp ứng đầy đủ những nhu cầu cần thiết cho sự phát triển của trẻ.
Nhờ sự hỗ trợ của các mạnh thường quân và cả cộng đồng, các em khi lớn lên, được đi học tại các trường công lập trên địa bàn. Những em nỗ lực trong học tập đã chạm tới cánh cửa đại học để mở ra một tương lai mới. Còn những em có học lực trung bình cũng được hỗ trợ học nghề để sau này có thể bước ra xã hội tự nuôi sống bản thân.
Theo bà Bùi Thị Hồng Hạnh (người trực tiếp chăm sóc đứa trẻ mồ côi), những đứa trẻ bất hạnh không biết được tình yêu thương của cha mẹ như thế nào. Do đó, những người chăm sóc trẻ ở đây vừa đóng vai trò làm mẹ, vừa làm cha để bù đắp tình cảm cho các em tự tin bước ra ngoài xã hội.
“Đối với những đứa trẻ mồ côi, tình thương là điều quan trọng nhất giúp các con có thể mạnh dạn hòa nhập với cộng đồng, tự tin với cuộc sống, bỏ qua những tự ti, mặc cảm vượt lên hoàn cảnh.”
Em T.M.H (15 tuổi, sống tại Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi Giáo xứ Hà Nội) cho biết, từ bé cho tới khi lớn lên đều được các cô, dì ở Trung tâm chăm sóc. Em không biết cha mẹ mình là ai, nhưng bù lại, em có được tình yêu thương của các cô, dì và các bạn được yêu thương như nhau, không phân biệt đối xử. Nhờ vậy các em có được sự tự tin, mạnh dạn hòa nhập với cộng đồng.
Theo phụ trách Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi Giáo xứ Hà Nội Vũ Thị Kim Liên, để đem lại niềm vui cho các em nhỏ, mỗi năm Trung tâm phối hợp với các mạnh thường quân tổ chức những đêm Giáng sinh thật ấm áp, chan hòa tình thân cho các em.
Năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các hoạt động vui chơi ở đây bị hạn chế, nhưng các em nhỏ vẫn được làm hang đá, trang trí cây thông, được vui đùa và được ông già Noel tặng quà... Nhờ vậy, tuổi thơ của các em dù kém may mắn nhưng vẫn được đủ đầy, tràn ngập tình yêu thương.
Với tâm niệm “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc,” Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi Giáo xứ Hà Nội luôn xác định mục đích chính là phục vụ tình yêu, phục vụ tất cả mọi người, đặc biệt là những mảnh đời cùng khổ, trẻ em cơ nhỡ. Do đó, Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi Giáo xứ Hà Nội tiếp tục mời gọi những hoàn cảnh khó khăn, trẻ em cơ nhỡ trở về đây - Mái nhà tình thương, mái nhà chung cho những người cùng khổ./.