Đồng Nai: Đẩy mạnh vệ sinh, phòng bệnh sốt xuất huyết

Theo Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai, dù mùa mưa đã gần kết thúc nhưng dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra rất phức tạp.
Bác sỹ thăm khám cho bệnh nhân bị sốt xuất huyết. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)

Theo Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai, dù mùa mưa đã gần kết thúc nhưng dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra rất phức tạp.

Trước kia bệnh sốt xuất huyết thường có đỉnh dịch vào cao điểm mùa mưa, khoảng từ tháng 8 đến hết tháng 11. Tuy nhiên những năm gần đây ở Đồng Nai bệnh sốt xuất huyết diễn ra hầu như quanh năm. Tất cả các tháng trong năm đều có những ca sốt nặng.

Do đó, dù không phải là đỉnh điểm của mùa dịch bệnh nhưng người dân không nên lơ là công tác vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường phòng bệnh.

[Giải mã gen người Việt: Giúp đưa ra cảnh báo, điều trị bệnh sớm]

Tính từ đầu năm 2018 đến ngày 6/12, toàn tỉnh Đồng Nai ghi nhận hơn 5.000 ca mắc sốt xuất huyết, nhiều ca bệnh nặng, diễn tiến nhanh. Trong đó có 2 trường hợp tử vong đều ngụ tại thành phố Biên Hòa. Đây cũng là địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất của Đồng Nai.

Vừa qua, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai tiếp nhận điều trị cho bệnh nhi T.V.T. (10 tuổi, nặng 50 kg, ngụ xã Phú Cường, huyện Định Quán) trong tình trạng trạng sốt cao liên tục trước đó 4 ngày, mạch, huyết áp không đo được và đã bắt đầu rơi vào trạng thái hôn mê. 

Bệnh nhi bị sốc sốt xuất huyết trên nền thừa cân, béo phì và mắc phải tuýp virus có độc lực cao nên bệnh diễn tiến nhanh, tổn thương gan, thận rất nặng. 

Kết quả xét nghiệm men gan của bệnh nhi tăng cao trên 8.000 đơn vị trong khi người bình thường chỉ khoảng 40 đơn vị. Bệnh nhi đã được cầm máu nhưng do sốc sốt xuất huyết nặng nên vẫn trong tình trạng tổn thương đa cơ quan nên phải chạy lọc máu liên tục.

Bác sỹ Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai cho biết, từ đầu tháng 11/2018 đến nay, mỗi ngày Khoa Hồi sức tích cực chống độc tiếp nhận khoảng 5-7 ca, trong đó có 10 ca sốt xuất huyết nặng phải điều trị tích cực, thở máy và lọc máu.

Các chuyên gia khuyến cáo, người dân, đặc biệt là những gia đình có con nhỏ nếu thấy trẻ sốt cao 2 - 3 ngày không giảm hoặc bớt sốt nhưng không chơi đùa phải đưa đi khám bệnh, xét nghiệm máu ngay để kịp thời phát hiện và điều trị.

Nhân viên y tế dự phòng phun thuốc diệt muỗi phòng bệnh sốt xuất huyết. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Sốt xuất huyết Dengue là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây nên bệnh lây theo đường máu. Trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes aegypti.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, phụ huynh cần có các biện pháp bảo vệ như cho trẻ mặc quần áo dài tay, ngủ màn cả buổi tối lẫn ngày. Không nên để trẻ nơi thiếu ánh sáng, ẩm thấp để tránh muỗi đốt, thoa thuốc chống muỗi lên những vùng da lộ ra ngoài để bảo vệ trẻ mọi lúc, cả ngày lẫn đêm.

Trong công tác vệ sinh môi trường sống xung quanh, người dân cần đậy kín các lu, hủ, bể chứa nước, không tạo điều kiện cho muỗi phát triển; dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, sạch thoáng, không treo quần áo làm chỗ cho muối trú đậu, đổ dầu hôi hoặc pha nhiều muối vào chén nước chống kiến chân tủ thức ăn để triệt nơi sinh sản của muỗi.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục