Đồng Nai đặt mục tiêu 'ở đâu có công nhân, ở đó có tổ chức Đảng'

Với mục tiêu “ở đâu có công nhân, ở đó có tổ chức Đảng," các tổ chức Đảng trong doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã được thành lập và từng bước phát huy vai trò, vị trí của mình.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Phú Cường. (Ảnh: Lê Xuân/TTXVN)

Trước thềm Đại hội XIII của Đảng, ông Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Đồng Nai (đại biểu dự Đại hội) đã trao đổi với phóng viên TTXVN về những kết quả đã được trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là những lĩnh vực đột phá với mục tiêu “ở đâu có công nhân, ở đó có tổ chức Đảng."

- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị để lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Xin ông đánh giá về những kết quả tỉnh Đồng Nai đã đạt được khi thực hiện các nghị quyết, chỉ thị nói trên?

Ông Nguyễn Phú Cường: Đồng Nai là tỉnh thuộc khu vực Đông Nam Bộ, giữ vị trí quan trọng trong vùng phát triển kinh tế trọng điểm phía Nam, có nhiều lợi thế về phát triển kinh tế-xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm duy trì ở mức cao. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp và dịch vụ (chiếm trên 80%).

Tỉnh có diện tích tự nhiên 5.903,94km2, dân số trên 3 triệu người; có 11 đơn vị hành chính cấp huyện (9 huyện, 2 thành phố); 170 đơn vị hành chính cấp xã. Địa bàn tỉnh hiện có 38 khu công nghiệp được Chính phủ phê duyệt, trong đó 32 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động thu hút trên 1.858 dự án. Mỗi năm có trên 3.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.

Đến nay, toàn tỉnh có trên 40.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với 1.212.530 lao động đang làm việc. Trong nửa đầu tháng 1/2021, tỉnh đã thu hút được hơn 226 triệu USD, chủ yếu đến từ các nước Hàn Quốc, Nhật Bản.

Đẩy mạnh công tác xây dựng tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước nói chung và doanh nghiệp tư nhân, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai xác định đây là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và xây dựng, rèn luyện đội ngũ công nhân trong khu vực kinh tế góp phần quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Do đó, tỉnh Đồng Nai đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đồng thời tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục, chú trọng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy đảng và đảng viên.

Tỉnh vận động giới chủ doanh nghiệp ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng tổ chức Đảng và các đoàn thể nhân dân trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; tổ chức các buổi tọa đàm về công tác phát triển đảng viên, xây dựng tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; dựng phim tuyên truyền về thành lập tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bằng tiếng Anh để nâng cao hiệu quả tuyên truyền vận động. Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Nai, Báo Đồng Nai đã tuyên truyền hàng năm trung bình trên 400 bản tin, bài viết, phóng sự và nhiều tin bài khai thác khác tuyên truyền các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, về công tác xây dựng, thành lập tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Tỉnh ủy chỉ đạo Ban Thường vụ các huyện, thành ủy, Đảng ủy khối Doanh nghiệp, Đảng ủy Tổng Công ty Cao su Đồng Nai giao các ban đảng và phân công một đồng chí cấp ủy viên theo dõi, hướng dẫn, giúp đỡ tổ chức đảng trên tất cả các lĩnh vực có liên quan, từ đó giúp tổ chức đảng dần dần thể hiện được vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở, trong sinh hoạt chi bộ từng bước nâng dần tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu của từng đảng viên.

Với những việc làm thiết thực trên, các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên, chủ doanh nghiệp và người lao động trên địa bàn tỉnh đã nhận thức rõ hơn về các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng Đảng trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời nhận rõ vai trò và những tác dụng tích cực đối với sự phát triển của doanh nghiệp khi có tổ chức Đảng, đoàn thể. Tính đến 31/12/2020, Đảng bộ tỉnh Đồng Nai đã thành lập được 170 tổ chức đảng trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với 3.481 đảng viên, đạt 4,1% so với tổng số đảng viên toàn Đảng bộ.

- Với mục tiêu “ở đâu có công nhân, ở đó có tổ chức Đảng," các tổ chức Đảng trong doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được thành lập và từng bước phát huy vai trò, vị trí của mình đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Xin ông nói rõ hơn về mục tiêu này?

Ông Nguyễn Phú Cường: Với mục tiêu “ở đâu có công nhân, ở đó có tổ chức Đảng," các tổ chức Đảng trong doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã được thành lập và từng bước phát huy vai trò, vị trí của mình đối với sự phát triển của doanh nghiệp.

Thực tế cho thấy, doanh nghiệp nào có tổ chức đảng vững mạnh, nơi đó an ninh trật tự luôn được ổn định, sản xuất phát triển, kinh doanh bền vững. Từ đó, các cấp ủy, chính quyền rất quan tâm tới việc tạo nguồn, bồi dưỡng phát triển đảng viên, đoàn viên Công đoàn trong công nhân ở tất cả các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Đảng viên, đoàn viên trong các doanh nghiệp đã phát huy được tính tiên phong, gương mẫu trong lao động, sản xuất, góp phần tích cực vào việc xây dựng và phát triển doanh nghiệp.

Để doanh nghiệp thành công và phát triển bền vững tổ chức đảng trong doanh nghiệp có ảnh hưởng rất tích cực. Tổ chức đảng trong doanh nghiệp cùng với Ban Giám đốc doanh nghiệp động viên, khuyến khích người lao động học tập nâng cao trình độ văn hóa, trình độ tay nghề, xây dựng tác phong công nghiệp, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, đưa doanh nghiệp tiếp tục phát triển mạnh mẽ, bền vững.

Tổ chức đảng kịp thời nắm bắt và chia sẻ những thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam về tình hình kinh tế, xã hội của đất nước cũng như của địa phương, để có thể cùng với doanh nghiệp có những kiến nghị, đề xuất kịp thời với chính quyền địa phương phối hợp, hỗ trợ tháo gỡ, khi doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, mở rộng sản xuất.

- Xin đồng chí đánh giá về vai trò của các chi, đảng bộ trong công tác xây dựng đảng, gắn với nhiệm vụ sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương?

Ông Nguyễn Phú Cường: Năm 2020, trong bối cảnh tình hình đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực lên nền kinh tế thế giới và Việt Nam, đe dọa đến tăng trưởng kinh tế, phát triển doanh nghiệp và thu nhập của người lao động.

Tỉnh Đồng Nai chỉ đạo tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hiệu quả phòng, chống dịch bệnh, đi đôi với tập trung tái hoạt động sản xuất phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, tỉnh có nhiều giải pháp hiệu quả về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

Từ đó, kinh tế-xã hội của tỉnh vẫn duy trì sự phát triển. Đây chính là kết quả của những nỗ lực vượt khó, lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và sự đồng lòng của toàn thể nhân dân cùng cộng đồng doanh nghiệp.

Nhiều tổ chức cơ sở Đảng trong doanh nghiệp đã thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng gắn với nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế của tỉnh. Các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách nhà nước và thu nhập bình quân của người lao động đều tăng.

[Đồng Nai tăng cường sức mạnh đại đoàn kết, thi đua sáng tạo, đổi mới]

Thực tiễn cho thấy, các tổ chức cơ sở Đảng đã và đang từng bước phát huy được vai trò, vị trí và có đóng góp nhất định vào sự phát triển chung của doanh nghiệp. Bên cạnh việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ sản xuất, các tổ chức Đảng trong doanh nghiệp còn chú ý lãnh đạo các tổ chức đoàn thể của đơn vị thực hiện tốt công tác dân vận như: xây dựng cầu dân sinh, nhà tình thương, thắp sáng ngõ hẻm, hỗ trợ vốn cho người nghèo... tạo sự gắn kết giữa doanh nghiệp và địa phương trong việc chung sức xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Các cấp ủy đã tuyên truyền giáo dục cán bộ, công nhân viên, người lao động các thành viên trong bộ máy quản lý của doanh nghiệp chấp hành đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước góp phần bảo đảm điều tiết hài hòa giữa ba lợi ích: nhà nước, doanh nghiệp và người lao động, tạo mối quan hệ giữa cấp ủy đảng với Hội đồng thành viên, tổng giám đốc và các tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp, tạo môi trường làm việc lành mạnh, đoàn kết, nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Các tổ chức cơ sở Đảng tích cực lãnh đạo, chỉ đạo việc ký kết thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động. Do đó, các doanh nghiệp có tổ chức Đảng trên địa bàn đều ổn định việc làm, đảm bảo thu nhập và các chế độ chính sách cho người lao động. 100% các doanh nghiệp có tổ chức Đảng không để xảy ra đình công, lãn công.

- Trong nhiệm kỳ mới 2020-2025, đặc biệt là ngay trong năm 2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai sẽ triển khai những giải pháp gì để tạo “đột phá” trong phát triển đảng và thành lập tổ chức Đảng trong doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài?

Ông Nguyễn Phú Cường: Trong nhiệm kỳ 2020-2025, đặc biệt là ngay trong năm 2021, tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo Ban Chỉ đạo 07 Tỉnh ủy xác định những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, phương hướng trọng tâm để phân công cụ thể đến các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh, Ban Chỉ đạo các huyện, thành phố, Đảng ủy Khối và Ban Cán sự Đảng, Đảng đoàn, các sở, ban ngành liên quan và có lộ trình cụ thể để tập trung thực hiện công tác phát triển đảng và thành lập tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cụ thể:

Tiếp tục triển khai, quán triệt sâu sắc các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư, Bộ Chính trị, Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp ủy, đảng viên, người lao động và chủ doanh nghiệp về tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng và phát triển tổ chức Đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Tập trung đổi mới tuyên truyền nội dung sinh hoạt Đảng trong các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo hướng gọn, chất lượng, đi vào trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với đối tượng công nhân, người lao động trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn, đặc biệt là đến giới chủ doanh nghiệp. Từng bước để chủ doanh nghiệp nhận thức được đầy đủ về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng và phát triển tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhận thức được tổ chức đảng không cản trở, mà trái lại cùng với họ thúc đẩy sản xuất, cùng hướng tới sự phát triển của doanh nghiệp, nâng cao doanh thu, lợi nhuận và đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.

Các doanh nghiệp đã có tổ chức đảng, đoàn thể thường xuyên củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng hoạt động để từng bước làm cho các đảng bộ, chi bộ thực sự là hạt nhân chính trị trong doanh nghiệp. Cấp ủy cấp trên tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra trong việc xây dựng quy chế làm việc của cấp ủy, quy chế phối hợp của cấp ủy với lãnh đạo doanh nghiệp, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của tổ chức đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp. Đổi mới nội dung và nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, chi bộ theo hướng thiết thực, phù hợp với điều kiện đặc thù của doanh nghiệp. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước.

Những doanh nghiệp chưa có tổ chức đảng, đoàn thể cần phải tăng cường khảo sát, thuyết phục, vận động để chủ doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ thành lập tổ chức đảng, đoàn thể, trước hết là những doanh nghiệp có đơn vị tự vệ nhưng chưa có tổ chức đảng; doanh nghiệp có nhiều lao động và sản xuất kinh doanh ổn định. Đồng thời, rà soát và có kế hoạch chuyển sinh hoạt đảng, đoàn thanh niên cho những đoàn viên làm việc ở doanh nghiệp nhưng đang sinh hoạt đảng, đoàn thanh niên ở nơi khác về tổ chức đảng, đoàn thanh niên của doanh nghiệp ngay sau khi thành lập.

Tỉnh ủy tăng cường chỉ đạo theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện các hướng dẫn của Đảng về nội dung và quy trình sinh hoạt chi bộ, việc đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng, đoàn thể trong các loại hình doanh nghiệp; về đánh giá chất lượng đảng viên, đoàn viên, hội viên và tổ chức đảng, đoàn thể cấp cơ sở cuối năm.

Tỉnh ủy tiếp tục chỉ đạo, thực hiện việc kiện toàn mô hình tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp thuộc các huyện, thành ủy, Đảng ủy khối Doanh nghiệp, trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để có mô hình tổ chức hợp lý, hiệu quả, phù hợp với tình hình địa phương.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục