Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai cho biết nhằm chủ động phòng, chống, khống chế, dập tắt dịch bệnh từ sớm, từ xa, tỉnh đã triển khai kế hoạch phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản trên địa bàn tỉnh ngay từ đầu năm 2023.
Các địa phương trong tỉnh Đồng Nai đã chủ động xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí để triển khai thực hiện; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện, trang thiết bị cần thiết cho phòng, chống dịch, sẵn sàng ứng phó khi dịch xảy ra.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai được giao chủ trì về tổng hợp, xây dựng dự toán phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, thủy sản trên địa bàn tỉnh; xây dựng nội dung tuyên truyền, tổ chức tập huấn về phòng, chống dịch bệnh; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh.
Dự kiến nguồn kinh phí phòng dịch gần 29,4 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh, huyện. Kinh phí chống dịch được bố trí theo quy định cho từng trường hợp cụ thể.
[Xuất hiện băng giá tại Trạm Tấu, tích cực chống rét cho gia súc]
Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, mục đích của việc phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản từ sớm, từ xa là nhằm chủ động phòng, chống, khống chế, dập tắt dịch bệnh, đặc biệt khi mới phát hiện và còn ở diện hẹp; giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm các loại dịch bệnh mới nhằm đảm bảo sản xuất, bảo vệ sức khỏe người dân và phát triển kinh tế-xã hội. Đồng thời, các địa phương cần khẩn trương tổ chức tiêm phòng vaccine các bệnh bắt buộc cho động vật.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, trong năm 2022, toàn tỉnh phát sinh 13 ổ dịch trên đàn vật nuôi. Nhờ phòng, chống được thực hiện tốt nên quy mô và phạm vi dịch bệnh trên vật nuôi trong tỉnh giảm đáng kể so với năm 2021.
Trong năm 2022, dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 5 xã trên địa bàn của huyện Long Thành; dịch cúm gia cầm A/H5N1 xảy ra tại ba hộ trên địa bàn các huyện Trảng Bom, Cẩm Mỹ, Vĩnh Cửu; dịch viêm da nổi cục trên trâu bò xảy ra tại hai hộ trên địa bàn huyện Định Quán; dịch lở mồm long móng xảy ra tại ba hộ trên địa bàn huyện Nhơn Trạch.
Khi xảy ra dịch bệnh, ngành chăn nuôi của tỉnh Đồng Nai đã hướng dẫn và phối hợp các địa phương tiêm phòng bao vây ổ dịch và tổ chức tiêu hủy gia súc, gia cầm bệnh chết theo quy định; thực hiện lấy mẫu giám sát chủ động để phát hiện, xử lý kịp thời, không để bệnh lây lan diện rộng./.