Tháng 6/2023, cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu dài hơn 53km đi qua tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu, chia làm 3 dự án thành phần, đã đồng loạt khởi công.
Song đến nay, việc bàn giao mặt bằng phục vụ dự án đoạn qua địa bàn Đồng Nai vẫn chưa thực hiện được, nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Ông Nguyễn Hồng Quế, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư tỉnh Đồng Nai (Ban Quản lý dự án bồi thường) cho biết cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu đoạn qua Đồng Nai dài hơn 34km, được chia làm hai dự án thành phần (thành phần 1 và 2) do Ban Quản lý dự án bồi thường thực hiện giải phóng mặt bằng, tái định cư.
Tại hai dự án thành phần cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, tỉnh Đồng Nai phải thu hồi gần 290ha đất, đến nay mới chỉ bàn giao được hơn 5ha cho chủ đầu tư. Diện tích đất này dù đã bàn giao nhưng chưa đền bù cho người sử dụng.
[Đồng Nai: 12 dự án trọng điểm không bảo đảm tiến độ vì vướng mặt bằng]
Công tác giải phóng mặt bằng cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu ở Đồng Nai đang chậm, không đạt mục tiêu ban đầu. Các đơn vị liên quan mới hoàn thành thông báo thu hồi đất, họp dân; đang kiểm kê đất. Vướng mắc lớn nhất trong giải phóng mặt bằng tại dự án là chưa có giá đất cụ thể để bồi thường.
Một số diện tích đất của tổ chức dù đã kiểm kê xong nhưng chưa thể áp giá và lên phương án bồi thường, hỗ trợ. Đối với đất của các gia đình, trường hợp kiểm kê xong, có phương án bồi thường, hỗ trợ, nhưng vẫn khó thu hồi đất vì các khu tái định cư phục vụ cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu chưa được xây dựng.
Ông Nguyễn Hồng Quế khẳng định trong tháng 8/2023, nếu tỉnh Đồng Nai phê duyệt giá đất cụ thể để bồi thường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, đến tháng 9 tới, Ban Quản lý dự án bồi thường mới bắt đầu đền bù, hỗ trợ đất của tổ chức, đất nông nghiệp và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.
Phần đất có nhà (gia đình đang sử dụng), dù bồi thường, hỗ trợ xong vẫn chưa thể thu hồi do người dân chưa được bố trí tái định cư.
Để xây dựng cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, tỉnh Đồng Nai phải thu hồi đất của gần 4.000 hộ tại 11 xã, phường, trong đó có khoảng 1.500 hộ cần bố trí tái định cư. Với dự án này, tỉnh dự kiến xây dựng 4 khu tái định cư.
Tuy nhiên, hiện 3 khu tái định cư đang vướng mắc về nguồn gốc đất đai, trong ngắn hạn chưa thể xây dựng.
Đầu năm 2023, tỉnh khởi công Khu tái định cư Long Đức (huyện Long Thành) với diện tích 30ha. Đến nay, Khu tái định cư Long Đức vẫn “bất động” vì chưa giải phóng được mặt bằng. Vấn đề tái định cư cho người dân vùng dự án vì thế vẫn ách tắc.
Để đẩy nhanh quá trình giải phóng mặt bằng cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, Ban Quản lý dự án bồi thường mong muốn tỉnh Đồng Nai sớm phê duyệt giá đất cụ thể để bồi thường. Đồng thời, tỉnh tăng cường khoảng 40 người (theo dạng biệt phái) để hỗ trợ Ban Quản lý dự án bồi thường làm công tác kiểm kê tài sản, xác minh nguồn gốc đất, tài sản của các hộ vùng dự án; hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ, sớm xây dựng khu tái định cư.
Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, tỉnh đã giao các đơn vị liên quan xem xét, sớm tham mưu tỉnh ban hành giá đất để bồi thường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu; tăng cường nhân lực hỗ trợ Ban Quản lý dự án bồi thường đẩy nhanh quá trình kiểm kê.
Hiện tại, Khu tái định cư Lộc An-Bình Sơn (diện tích hơn 280ha) phục vụ sân bay Long Thành còn nhiều lô đất chưa sử dụng.
Để đảm bảo chỗ ở, nhanh chóng bàn giao mặt bằng cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, vừa qua, Đồng Nai đã có văn bản báo cáo Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương về việc bố trí tái định cư cho người dân nhường đất phục vụ cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu vào Khu tái định cư Lộc An-Bình Sơn. Đến nay, cơ quan Trung ương chưa có ý kiến rõ ràng.
Dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/giờ. Theo kế hoạch, năm 2025, dự án cơ bản hoàn thành, năm 2026 đưa vào khai thác đồng bộ. Để hoàn thành mục tiêu này, ngành chức năng tỉnh Đồng Nai cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa, sớm bàn giao mặt bằng phục vụ dự án./.