Thông tin từ Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ (Đồng Nai) cho biết đến ngày 26/9, tình trạng sức khỏe của bà Đỗ Thị Hương (78 tuổi, trú tại phường Thống Nhất, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai) bị viêm hoại tử túi mật do sỏi đã qua cơn nguy kịch.
Bệnh nhân tỉnh táo, ăn uống tốt, không còn sốc, không đau bụng và đã được xuất viện.
Trước đó, ngày 16/9, bà Đỗ Thị Hương nhập viện trong tình trạng lơ mơ, choáng nhiễm trùng, sốc, huyết áp thấp, đau bụng phải...
Khi tiến hành kiểm tra, cùng với kết quả siêu âm, các bác sỹ phát hiện bệnh nhân có sỏi trong túi mật, có dịch mật rỉ ra trong ổ bụng và được chỉ định phẫu thuật nội soi cắt túi mật.
Tuy nhiên, bà Hương đã lớn tuổi lại có nhiều bệnh đi kèm như suy thận, viêm phổi, cao huyết áp... và tình trạng nhiễm trùng nặng nên các bác sỹ phải tiến hành hồi sức tích cực trước mổ.
Sau khi hồi sức, các bác sỹ Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ đã tiến hành cắt toàn bộ túi mật, lấy ra gần 20 viên sỏi mật và rửa sạch ổ bụng cho bệnh nhân.
Trực tiếp tiến hành ca phẫu thuật, bác sỹ Đặng Đức Hoàng, Trưởng khoa Ngoại tổng quát-Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ cho biết túi mật của bệnh nhân có nhiều sỏi, để lâu đã dẫn đến tình trạng hoại tử khiến dịch mật rỉ ra ổ bụng, thấm dịch mật vào phúc mạc; vi khuẩn từ đó vào máu gây nhiễm trùng máu nên bệnh nhân bị choáng nhiễm trùng.
[Bệnh nhi 9 tuổi bị sỏi thận cỡ lớn trong cơ thể suốt nhiều ngày]
Bác sỹ Đặng Đức Hoàng cho biết thêm nhiều trường hợp bệnh nhân có sỏi túi mật nếu viên sỏi nhỏ có nguy cơ rơi xuống đường mật gây tắc ống dẫn mật. Trường hợp này nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong do choáng nhiễm trùng.
Các bác sỹ Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ khuyến cáo sỏi mật thường thấy ở những đối tượng béo phì, có nhiều giun trong cơ thể. Do đó, để hạn chế tình trạng sỏi mật người dân nên tẩy giun thường xuyên, hạn chế chất béo, đặc biệt là mỡ lợn, thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện bệnh và có hướng điều trị kịp thời./.