Đồng Nai: Bệnh nhân trên 65 tuổi chiếm 48,5% ca tử vong do COVID-19

Nguy cơ tử vong do mắc COVID-19 ở Đồng Nai tăng cao rõ rệt theo nhóm tuổi, những bệnh nhân trên 65 tuổi chiếm gần một nửa (48,5%), trên 50 tuổi chiếm 86,82% số ca tử vong trong tuần này.
Công ty Pousung Việt Nam test nhanh COVID-19 cho lao động trong ngày đầu tiên đến công ty. (Ảnh: Công Phong/TTXVN)

Theo thông tin từ Sở Y tế Đồng Nai, tính đến 22 giờ ngày 20/12, toàn tỉnh Đồng Nai có 1.219 ca tử vong do COVID-19, chiếm 0,48%, trong khi đó tỷ lệ tử vong thời điểm tỉnh thực hiện giãn cách xã hội là 0,9%.

Từ ngày tỉnh Đồng Nai ghi nhận ca tử vong đầu tiên do COVID-19 (ngày 9/7) đến ngày 10/10, số ca tử vong là 503 ca.

Từ ngày 11/10 (thời điểm tỉnh nới lỏng giãn cách xã hội và thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ) đến ngày 14/12, số ca tử vong là 561.

Như vậy, trong giai đoạn đầu, số ca tử vong do COVID-19 dao động trung bình khoảng 6 ca/ngày. Đến giai đoạn sau khi tỉnh nới lỏng giãn cách xã hội, số ca tử vong trung bình 8 ca/ngày.

[Đồng Nai: 25 ca mắc COVID-19 tử vong tại nhà đều chưa tiêm vaccine]

Riêng 2 tuần trở lại đây, số ca tử vong tăng cao hơn, trung bình khoảng 10-12 ca/ngày, có những ngày lên đến vài chục ca, thậm chí gần đây nhất là trong ngày 20/12 có 25 ca  tử vong.

Đáng chú ý chỉ tính từ ngày 11/12/2021 đến ngày 18/12/2021, số ca tử vong tăng 20,14% so với tuần trước đó.

Nguy cơ tử vong do mắc COVID-19 ở Đồng Nai tăng cao rõ rệt theo nhóm tuổi, những bệnh nhân trên 65 tuổi chiếm gần một nửa (48,5%), trên 50 tuổi chiếm 86,82% số ca tử vong trong tuần này.

Điều này cho thấy tuy tỉ lệ bao phủ vaccine rộng gần đạt 100% ở tỉnh Đồng Nai thì những người trên 50 tuổi mắc COVID-19 vẫn đối mặt với nguy cơ tử vong cao.

Tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Đồng Nai. (Ảnh: Lê Xuân/TTXVN)

Tuổi trung bình của các bệnh nhân tử vong có xu hướng dần tăng cao. Tỉ lệ tử vong theo giới tính nam/nữ cũng không biến động nhiều qua các giai đoạn, số bệnh nhân nữ giới tử vong cao hơn nam giới từ 1,3 đến 1,5 lần.

Hầu hết ca tử vong đều diễn tiến nặng được chuyển đến đơn vị hồi sức tích cực (chiếm 82,63%). Đồng Nai vẫn còn ghi nhận nhiều ca tử vong chưa được tiêm vaccine, chiếm 40,12% tại các huyện/thành phố trong tỉnh.

Hầu hết các ca bệnh tử vong đều ghi nhận biến chứng suy hô hấp nặng do mắc COVID-19 (95,21%) và mắc các bệnh lý nền (92,22%).

Theo bác sỹ Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, nguyên nhân số ca tử vong chủ yếu xảy ra ở người có nguy cơ cao như lớn tuổi và mắc bệnh nền, trong đó rất nhiều người có 2, 3 hoặc 4 bệnh nền. Bệnh nền cùng với tuổi tác cao làm suy giảm sức đề kháng của cơ thể và dễ tổn thương đa cơ quan khi mắc COVID-19.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai Nguyễn Sơn Hùng, trước tình trạng số ca tử vong do COVID-19 tăng cao mà thuốc kháng virus lại hết, tỉnh đã có văn bản kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế cấp cho tỉnh 1 triệu viên thuốc kháng virus Molnupiravir.

Tuy nhiên, mới đây, tỉnh chỉ được cấp 100 ngàn viên thuốc kháng virus. Số thuốc này sẽ được ưu tiên sử dụng cho những F0 trên 50 tuổi, có bệnh nền, ưu tiên cho người bệnh điều trị tại tầng 1 để hạn chế tối đa tình trạng bệnh chuyển nặng, giảm tỷ lệ tử vong.

Mặc dù tỷ lệ người dân từ 18 tuổi trở lên trong tỉnh được tiêm đủ 2 liều vaccine cơ bản đã đạt 97% nhưng 3% người dân còn lại chưa được tiêm.

Do đó, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị các huyện, thành phố cần tăng cường chỉ đạo rà soát, đi từng ngõ, gõ từng nhà, nắm chắc danh sách những người chưa được tiêm, chưa tiêm đủ 2 liều vaccine đang sinh sống trên địa bàn, đặc biệt là người cao tuổi, người có bệnh nền để tổ chức tiêm vét cho người dân, đảm bảo không bỏ sót người chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine trên địa bàn quản lý.

Bác sỹ Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho biết lãnh đạo Sở theo dõi sát số liệu các trường hợp tử vong hàng ngày trên địa bàn tỉnh, thực hiện phân tích, đánh giá, chỉ đạo giải quyết khắc phục kịp thời những khó khăn, hạn chế trong việc điều trị bệnh nhân COVID-19.

Đồng thời, Sở Y tế chỉ đạo, điều tiết bệnh nhân diễn biến nặng từ các cơ sở thu dung điều trị COVID-19 các huyện, thành phố về các Bệnh viện, Trung tâm Hồi sức tích cực vùng tiếp tục điều trị.

Các huyện, thành phố trong tỉnh khẩn trương kiện toàn và nâng cao năng lực các khu điều trị F0 của huyện, thành phố để thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng và mức độ nhẹ. Giao cán bộ Trung tâm y tế, Bệnh viện đa khoa khu vực làm lãnh đạo Khu điều trị F0, phụ trách chuyên môn. Huấn luyện, đào tạo nhân viên y tế để đánh giá phân loại nguy cơ đúng, phân tầng hợp lý, nhận biết và xử lý sớm các trường hợp có dấu hiệu chuyển nặng.

Các trường hợp có nguy cơ từ 50 tuổi trở lên, có bệnh nền cần được theo dõi, điều trị tại các khu điều trị F0 cấp huyện hoặc bệnh viện dã chiến, cơ sở điều trị COVID-19 thuộc tầng 2. Tầng 1, tầng 2 cần chuyển tuyến kịp thời, an toàn cho người bệnh có dấu hiệu nặng, nguy kịch.

Củng cố các đội điều trị cơ động phản ứng nhanh. Các bệnh viện tuyến trên nếu không thể tiếp nhận thêm bệnh nhân nặng do hết giường điều trị thì cử đội cơ động về hỗ trợ tuyến dưới điều trị tại chỗ.

Sở Y tế Đồng Nai đề xuất Bộ Y tế hỗ trợ thuốc kháng virus để sử dụng sớm cho bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân trên 50 tuổi, có bệnh nền, ưu tiên cho người bệnh điều trị tại tầng 1 để hạn chế tối đa tình trạng chuyển sang nặng, giảm tỉ lệ tử vong. Kiến nghị Bộ Y tế tiếp tục hỗ trợ nhân lực tham gia điều trị, chỉ đạo tuyến tại các cơ sở điều trị COVID-19 nặng của tỉnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục