Đến hết năm 2030, toàn bộ diện tích 57.984 ha rừng tự nhiên bao gồm các loại rừng nghèo, nghèo kiệt và chưa có trữ lượng trên địa bàn toàn tỉnh được nâng cao chất lượng thông qua việc thực hiện các biện pháp kỹ thuật lâm sinh phù hợp; thực hiện quản lý, bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng, tăng cường tuần tra bảo vệ đáp ứng được yêu cầu về bảo tồn hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học và phòng chống thiên tai.
Đây là nội dung của kế hoạch 213/KH-UBND về thực hiện đề án nâng cao chất lượng rừng nhằm bảo tồn hệ sinh thái rừng và phòng chống thiên tai đến năm 2030 trên địa bàn vừa được Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành.
Theo đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai yêu cầu các chủ rừng, các đơn vị, địa phương nâng cao chất lượng rừng phải phù hợp với điều kiện sinh thái và chức năng của từng loại rừng; tập trung nâng cao chất lượng đối với diện tích rừng tại các vùng bị suy thoái về đa dạng sinh học và có nguy cơ xảy ra thiên tai.
Thực hiện đồng bộ việc quản lý, bảo vệ rừng và thực hiện các biện pháp lâm sinh để nâng cao chất lượng rừng tự nhiên; phát triển bền vững các hệ sinh thái rừng để bảo tồn đa dạng sinh học và tăng khả năng phòng hộ của rừng.
Việc áp dụng các biện pháp nâng cao chất lượng rừng không làm suy giảm đa dạng sinh học, suy giảm chức năng của rừng; tuân thủ các quy định pháp luật về lâm nghiệp, bảo tồn đa dạng sinh học; sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư, hỗ trợ đầu tư, lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình đầu tư công và các chương trình, dự án, đề án khác theo từng giai đoạn.
Đối tượng thực hiện gồm các chủ rừng: Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu Bảo tồn Thiên nhiên-Văn hóa Đồng Nai, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp La Ngà, Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú, Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc, Ban Quản lý rùng phòng hộ Long Thành.
Tổng diện tích rừng tự nhiên là rừng nghèo, rừng nghèo kiệt và rừng chưa có trữ lượng trên địa bàn tỉnh dự kiến thực hiện nâng cao chất lượng là 57.984 ha. Trong đó diện tích rừng đặc dụng 41.267 ha; rừng phòng hộ 10.025 ha; rừng sản xuất là rừng tự nhiên 6.691 ha. Thời gian thực hiện, từ năm 2024 đến hết năm 2030.
Đối với giải pháp thực hiện, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đề nghị các đơn vị, địa phương nghiên cứu, đề xuất bổ sung các cơ chế, chính sách mới, nhằm triển khai, thực hiện nâng cao chất lượng rừng, trong đó cần lồng ghép với các cơ chế, chính sách về phòng, chống thiên tai đối với các khu vực nguy cơ thiên tai xảy ra.
Phát triển các dịch vụ hệ sinh thái của rừng, như dịch vụ hấp thụ, lưu trữ carbon của rừng để phát huy da giá trị của hệ sinh thái rừng, tạo thu nhập cho người làm nghề rừng; lồng ghép, thực hiện kế hoạch này có hiệu quả với các chương trình, đề án, dự án khác và kết hợp với nguồn xã hội hóa đáp ứng thực hiện các nhiệm vụ để nâng cao chất lượng rừng.
Theo quyết định công bố hiện trạng, diện tích rừng tỉnh Đồng Nai năm 2023, tổng diện tích rừng gồm diện tích có rừng và rừng trồng chưa thành rừng trên địa bàn tỉnh là 181.627 ha; trong đó, rừng đặc dụng có diện tích lớn nhất với 99.854 ha, rừng phòng hộ 34.902 ha, rừng sản xuất 46.869 ha.
Với diện tích này, Đồng Nai là địa phương có diện tích và tỷ lệ che phủ rừng lớn nhất vùng Đông Nam Bộ theo số liệu công bố của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn./.