Động lực thúc đẩy thương mại xuyên Đại Tây Dương

Thoả thuận thương mại xuyên Đại Tây Dương sẽ là cách tốt nhất để thúc đẩy các nền kinh tế đang trì trệ của Mỹ và châu Âu.
Theo Ủy viên Thương mại Liên minh châu Âu (EU) Karel De Gucht, thoả thuận thương mại xuyên Đại Tây Dương sẽ là cách tốt nhất để thúc đẩy các nền kinh tế đang trì trệ của Mỹ và châu Âu.

Ngày 13/2, Mỹ và EU đã thông báo về việc bắt đầu các cuộc đàm phán về việc xây dựng Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương, một thoả thuận sẽ tạo ra khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới.

Mục tiêu đề ra là thực hiện các cuộc đàm phán vào năm 2014, trước khi có ban lãnh đạo mới của EC.

Theo ông De Gucht, "thương mại là một thành phần thiết yếu của sự thịnh vượng, mang lại khách hàng mới cho các nhà xuất khẩu, linh cấu kiện rẻ hơn cho các nhà sản xuất và môi trường cạnh tranh hơn khiến tất cả doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn."

Đối với châu Âu, tác động đối với (việc nâng cao) thu nhập của thoả thuận trên mà châu lục đang nỗ lực đạt được sẽ ở mức 0,5-1% GDP, qua đó mang lại hàng trăm nghìn việc làm."

Tuy vậy, ông cho rằng lộ trinh thực hiện sẽ khó khăn do có nhiều sự khác biệt về các sản phẩm như các mặt hàng biến đổi gen xuất khẩu của Mỹ mà châu Âu từ chối nhập.

Điều thuận lợi là việc dỡ bỏ các loại thuế đối với hàng hóa hiện còn khá thấp (trung bình khoảng 3-5%) giữa hai bên.

Ông De Gucht cho rằng TTIP là "gói kích thích rẻ nhất mà chúng ta có thể hình dung" và cần thiết sau khi các nước thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) chưa thể đạt được một thỏa thuận thương mại toàn cầu mới trong cuộc đàm phán Doha.

Ông cho rằng một thoả thuận đối tác thương mại Mỹ-EU là bài thử nghiệm chính sách đối với các quy định thương mại mới cần thiết về các vấn đề như hàng rào quy định, chính sách cạnh tranh, yêu cầu xuất xứ hóa và nội hóa, nguyên vật liệu thô và năng lượng./.

Anh Quân (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục