“Việt Nam đã nhảy vọt từ vị trí 23 (năm 2018) lên vị trí thứ 8 trong bảng xếp hạng - Các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư, theo báo cáo của U.S. News & World Report. Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang biến động khó lường thì đây là con số rất quan trọng.”
Nhận định trên được ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra tại Diễn đàn kinh tế 2020 - “Tích luỹ động năng cho chu kỳ tăng trưởng mới” do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức, ngày 5/12.
Động lực từ thị trường nội địa
Với các chỉ tiêu về lạm phát, thâm hụt ngân sách, quy mô dự trữ ngoại hối được cải thiện trong thời gian qua, ông Lộc cho rằng năng lực chống chịu với những cú sốc khách quan từ bên ngoài của Việt Nam đang được nâng lên.
Ông Lộc còn lạc quan đưa ra các số liệu cập nhật mới nhất do giới học giả trong nước dự báo về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam với mức tăng trưởng GDP có thể đạt 7,02% trong năm nay. Và, con số này cao hơn nhiều so với những đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam của World Bank (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) khoảng từ 6,6% đến 6,8%.
[Quốc hội ban hành Nghị quyết Về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020]
Dưới góc nhìn của nhà đầu tư tài chính, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Nghiên cứu – Phát triển, Giám đốc phân tích và tư vấn đầu tư SSI cũng cho rằng điểm sáng tạo nên động lực tăng trưởng kinh tế trong năm 2020 là sự “lên ngôi” của những mảng kinh doanh khai thác thị trường nội địa với sức mua 100 triệu dân.
Ông Linh cho biết khi tiếp xúc với các nhà đầu tư nước ngoài muốn tìm cơ hội đầu tư thị trường chứng khoán của Việt Nam, họ đặc biệt quan tâm đến các ngành hàng tiêu dùng. Song, ông Linh chỉ ra thêm những lĩnh vực tận dụng được thị trường trong nước giờ đây không chỉ là sản xuất, kinh doanh phục vụ cho tiêu dùng, bán lẻ mà có cả nghệ thuật, giải trí và giáo dục.
“Nhu cầu của thị trường về những ngành này là rất tiềm năng song quy mô dịch vụ và chất lượng của các doanh nghiệp trong nước còn nhỏ,” ông Linh nói.
Với tầm nhìn trung và dài hạn (giai đoạn 2020-2030), ông Vũ Tiến Lộc dự báo về cơ hội đầu tư, bên cạnh những ngành vốn thuộc là lợi thế của Việt Nam (như dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử, nông sản và thủy sản) thì các lĩnh vực phục vụ tiêu dùng (như phân phối bán lẻ, du lịch, giải trí, giáo dục, y tế) và mảng các hỗ trợ mạng sản xuất, gia tăng chuỗi giá trị (như dịch vụ và công nghiệp hỗ trợ, logistics) sẽ là những điểm thu hút dòng chảy tài chính vào khai thác.
Ngoài ra, ông cho hay những lĩnh vực mới nổi (như kinh tế xanh, kinh tế sáng tạo, kinh tế số, phát triển đô thị thông minh) và kết cấu hạ tầng, bất động sản (nhà ở, văn phòng, bất động sản du lịch, khu công nghiệp)... cũng được các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đánh giá cao.
Chính phủ không thể… một mình
Tuy nhiên, để có được một kết quả khả quan cho cả nền kinh tế với sự công bằng cho tất cả các đối tượng đầu tư - kinh doanh, các đại biểu tham dự Diễn đàn có chung quan điểm: “Nâng cao hiệu quả của nền kinh tế thì cải cách thể chế vẫn là điểm mấu chốt mấu chốt.”
Về môi trường kinh doanh, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương khẳng định trong 5 năm trở lại đây, Chính phủ đã rất nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh với 7 Nghị quyết chuyên đề về cải thiện thể chế, nâng cao năng lực cạch tranh.
Ông Hiếu nhấn mạnh Chính phủ đặt ra các mục tiêu rất cụ thể, như hướng tới môi trường kinh doanh bằng mức trung bình ASEAN 4, theo đó sẽ cắt giảm tới 50% số điều kiện kinh doanh đang hiện có.
Song, dưới góc độ doanh nghiệp, ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đánh giá mặc dù Ngân hàng thế giới đã nâng hạng về thể chế của Việt Nam 5 bậc (từ vị trí 94 lên vị trí 89) nhưng nhìn tổng quan vị trí 89/140 như hiện nay, thì Việt Nam vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Hiếu thẳng thắn chỉ ra 5 loại phí đang song song tồn tại khiến doanh nghiệp phải “è cổ mà cõng,” bao gồm chi phí không chính thức, chi phí cơ hội, thủ tục hành chính, chi phí đầu tư và lệ phí.
Trong số đó, chi phí không chính thức tiếp tục là vấn đề nhức nhối khi nó tồn tại như một lẽ “tất nhiên” và kéo dài xuyên suốt thời gian qua. Điều này không chỉ tạo ra những bất lợi, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp mà còn gây ra sự méo mó về thị trường. Theo ông Hiếu, chi phí không chính thức tạo ra môi trường cạnh tranh không bình đẳng và chỉ có những doanh nghiệp “chịu chi,” quan hệ “tốt” mới có thể phát triển và “sống khỏe” trong bối cảnh này.
Điều gì đang xảy ra, khi các đánh giá về cải cách của Chính phủ Việt Nam liên tục được tăng hạng trên bình diện quốc tế, nhưng trong nước giới phân tích vẫn tiếp tục và không ngớt “phàn nàn.”
“Có những cải cách được bộ ngành công nhận nhưng lại chưa được doanh nghiệp công nhận. Vì vậy, theo tôi đánh giá của doanh nghiệp mới là thước đo cuối cùng của cải cách. Hiện, các vấn đề về đất đai, thuế, phí, bảo hiểm xã hội… là những lĩnh vực mà doanh nghiệp gặp phiền hà nhiều nhất,” ông Hiếu nói.
Do đó, ông khẳng định cải cách khó mà thành công được nếu chỉ có xuất phát từ phía Chính phủ và đề xuất cần có một cơ quan độc lập để giám sát việc thực thi của các bộ ngành nhằm nâng cao chất lượng thể chế./.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát biểu: