Từ ngày 9-12/11, nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Chile Gabriel Boric Font, Chủ tịch nước Lương Cường sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Chile.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Chủ tịch nước Việt Nam đến Chile trong vòng 15 năm qua, diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước đang phát triển tích cực.
Chuyến thăm góp phần thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Chile tiếp tục đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả.
Hơn 5 thập kỷ mối quan hệ phát triển vững chắc và ngày càng sâu rộng
Việt Nam và Chile cách nhau nửa bán cầu, thế nhưng, khoảng cách địa lý xa xôi ấy không làm cản trở sự phát triển mối quan hệ giữa hai nước.
Trong thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam đang diễn ra ác liệt, tháng 5/1969, Chủ tịch Thượng viện Chile (sau này là Tổng thống Chile) Salvador Allende đã tới thăm Việt Nam và hội kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc gặp lịch sử đó đã đặt nền tảng cho mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước.
Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 25/3/1971 và Chile trở thành quốc gia Nam Mỹ đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Sự kiện này đã mở ra một trang mới trong lịch sử quan hệ của Nhà nước Việt Nam với Chile, đưa quan hệ hai nước ngày càng phát triển tốt đẹp và từng bước nâng lên tầm cao mới.
Trải qua năm tháng, dù khoảng cách địa lý xa xôi nhưng quan hệ ngoại giao Việt Nam-Chile vẫn ngày càng phát triển tốt đẹp. Hai nước đã trao đổi nhiều chuyến thăm các cấp, thiết lập.
Quan hệ Đối tác toàn diện vào tháng 5/2007 nhân chuyến thăm Chile của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh.
Quan hệ chính trị-ngoại giao giữa Việt Nam và Chile ngày càng gắn bó và tin cậy, thể hiện qua các chuyến thăm và tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.
Các chuyến thăm, trao đổi đoàn các cấp nổi bật có thể kể đến như các chuyến thăm Chile của: Thủ tướng Phan Văn Khải (tháng 10/2002); Chủ tịch nước Trần Đức Lương (tháng 11/2004); Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (tháng 5/2007); Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (tháng 9/2009); Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (tháng 7/2014); Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc (tháng 10/2022); Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội thăm và làm việc tại Chile (tháng 9/2023)...
Về phía Chile có các chuyến thăm Việt Nam của: Tổng thống Ricardo Lagos (tháng 10/2003); Tổng thống Michelle Bachelet (tháng 11/2006; tháng 11/2017); Tổng thống Sebastian Pinera Echenique (tháng 3/2012); Chủ tịch Thượng viện Guido Girardin Lavin (tháng 3/2012); cựu Tổng thống Eduardo Frei Ruiz-Tagle (tháng 7/2016); Bộ trưởng Ngoại giao Chile Roberto Ampuero Espinoza tham dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN 2018) tổ chức tại Hà Nội (tháng 9/2018); cựu Tổng thống Michelle Bachelet (tháng 3/2023); Bộ trưởng Ngoại giao Chile Aberto Van Klaveren thăm Việt Nam (tháng 8/2024).
Chile hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latin (sau Mexico, Brazil và Argentina) và Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Chile tại ASEAN.
Ngoài ra, Lãnh đạo cấp cao hai nước cũng thường xuyên gặp gỡ song phương bên lề các hội nghị quốc tế, đặc biệt tại Liên hợp quốc và Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương... Qua các cuộc tiếp xúc, lãnh đạo cấp cao hai nước đều thể hiện sự coi trọng và mong muốn phát triển quan hệ nhiều mặt lẫn nhau.
Mới đây, trong buổi tiếp Bộ trưởng Ngoại giao nước Cộng hòa Chile Alberto Van Klaveren thăm chính thức Việt Nam từ ngày 25-27/8/2024, Bộ trưởng Ngoại giao (nay là Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao) Bùi Thanh Sơn đã khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống với Chile, quốc gia đầu tiên tại Nam Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam; bày tỏ Việt Nam mong muốn làm sâu sắc quan hệ với Chile trên các lĩnh vực, đồng thời ủng hộ các bước đi của Chile tăng cường quan hệ với ASEAN và khu vực Đông Á-Thái Bình Dương.
Về phần mình, Bộ trưởng Ngoại giao Chile Alberto Van Klaveren khẳng định Chính phủ Chile qua các thời kỳ luôn coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ với Việt Nam trong tổng thể chính sách đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt khi hai nước đang kỷ niệm 10 năm thực thi Hiệp định thương mại tự do song phương (2014-2024) và mới đây cùng là thành viên của Hiệp định CPTPP.
Hai bên đã trao đổi và thống nhất một số biện pháp nhằm tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới, bao gồm việc phối hợp thu xếp và chuẩn bị cho các chuyến thăm cấp cao, phát huy hiệu quả các cơ chế Tham khảo chính trị và Hội đồng Thương mại Tự do Việt Nam-Chile, phối hợp tháo gỡ các vướng mắc trong quan hệ song phương và tạo điều kiện tiếp cận thị trường cho các sản phẩm của cả hai bên.
Hai bên cũng nhất trí thúc đẩy và đàm phán một số thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, hải quan, nông nghiệp, quốc phòng, an ninh và thực thi pháp luật. Hai Bộ trưởng nhất trí duy trì phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương, đặc biệt là tại Liên hợp quốc.
Hiện hai bên duy trì thường xuyên và hiệu quả các cơ chế hợp tác Tham khảo chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao (phiên thứ VII họp tại Hà Nội tháng 10/2022); và Hội đồng Thương mại Tự do Việt Nam-Chile (phiên thứ V họp tại Hà Nội tháng 6/2024).
Trên các diễn đàn đa phương, hai bên duy trì phối hợp và hợp tác tốt tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương, trong đó có Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và Diễn đàn Đông Á-Mỹ Latinh (FEALAC)...
Chile tham gia ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tháng 3/2018 và đã hoàn tất quá trình phê chuẩn ngày 21/2/2023.
Hợp tác kinh tế-thương mại phát triển mạnh mẽ
Quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước, cùng sức hấp dẫn của mỗi thị trường vừa là động lực, vừa là sức hút để Việt Nam và Chile xích lại gần nhau hơn, mở rộng và phát triển hơn nữa quan hệ đối tác toàn diện, nhất là trong lĩnh vực kinh tế và thương mại.
Chile hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latin (sau Mexico, Brazil và Argentina) và Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Chile tại ASEAN.
Kim ngạch thương mại song phương đạt 1,5 tỷ USD năm 2023; 9 tháng năm 2024 đạt 1,29 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023.
Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Chile chủ yếu là hàng tiêu dùng như: điện thoại các loại và linh kiện; hàng dệt may, giày dép các loại, clanke và ximăng, gạo; túi xách, ví, vali, mũ, ô dù; sản phẩm nội thất...và nhập khẩu từ Chile chủ yếu là các nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu như đồng, gỗ thông, bột giấy, bột cá làm thức ăn gia súc, rượu vang...
Việt Nam và Chile đã ký nhiều văn kiện hợp tác như: Hiệp định hợp tác về kinh tế-thương mại (1993); Khuyến khích và bảo hộ đầu tư (1999); Hợp tác về khoa học-công nghệ (2007); Miễn thị thực đối với hộ chiếu ngoại giao, công vụ (2003) và phổ thông (2016)… trong đó nổi bật là Thỏa thuận miễn thị thực du lịch ký năm 2017, tạo điều kiện cho công dân Chile và Việt Nam dễ dàng đi du lịch và khám phá hai đất nước; Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) Việt Nam-Chile đã được ký kết tháng 11/2011, bên lề Hội nghị cấp cao APEC tại Hawaii (Mỹ), có hiệu lực từ ngày 1/1/2014.
Chile là nước Mỹ Latinh đầu tiên ký Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam. Việc FTA Việt Nam-Chile có hiệu lực đã giúp quan hệ thương mại song phương tăng trưởng thường niên và hiện nay đang ở mức rất tốt bất chấp những trở ngại do đại dịch COVID-19 gây ra.
Bên cạnh lĩnh vực hợp tác đầu tư thương mại, đối ngoại nhân dân cũng là một điểm sáng trong quan hệ ngoại giao Việt Nam-Chile.
Những năm qua, Hội Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Chile (Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam) đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm thắt chặt hơn nữa quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước.
Các loại hình hoạt động của Hội trên nhiều lĩnh vực không chỉ là tuyên truyền có tính bề nổi như lễ tân, khánh tiết mà còn gắn với việc thúc đẩy quan hệ kinh tế-thương mại, văn hóa-nghệ thuật, giáo dục-đào tạo, du lịch... giao lưu, quảng bá hình ảnh của Việt Nam và Chile.
Trên cơ sở nền tảng mối quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam-Chile liên tục được củng cố và phát triển trên nhiều lĩnh vực thời gian qua, chuyến thăm chính thức Chile của Chủ tịch nước Lương Cường (từ ngày 9-12/11/2024) là một dấu mốc quan trọng tạo động lực mới thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ giữa hai nước.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Chủ tịch nước Việt Nam đến Chile trong vòng 15 năm qua, nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và nâng tầm đối ngoại đa phương theo tinh thần Đại hội Đảng lần thứ XIII; góp phần thúc đẩy hòa bình, hợp tác, liên kết kinh tế và kết nối khu vực; thể hiện chủ trương nhất quán của Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn củng cố, thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Chile tiếp tục đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả./.