Tờ Financial Times nhận định chiến tranh công nghệ cao sẽ là chủ đề được tập trung thảo luận trong chương trình nghị sự tại hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Tuy nhiên, hầu hết các thành viên NATO đều đang nỗ lực đuổi theo để bắt kịp nền công nghệ hiện đại của Trung Quốc.
Khi Nga tăng cường các hành động thù địch trên không gian mạng và Trung Quốc vũ khí hóa bằng trí tuệ nhân tạo, việc cải tổ lực lượng trong lĩnh vực chiến tranh công nghệ cao sẽ chiếm ưu tiên trong danh sách các chủ đề được NATO thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh sắp tới.
Nhưng 30 thành viên của liên minh xuyên Đại Tây Dương này sẽ cần phải đẩy nhanh tốc độ nếu muốn đuổi kịp đối thủ. Hiện NATO đang đề xuất thiết lập một trung tâm chuyển đổi công nghệ mới, phối hợp giữa các quân nhân và ngành công nghiệp để thúc đẩy các công ty khởi nghiệp quốc phòng kỹ thuật số.
Trong một cuộc phỏng vấn với Financial Times hồi tuần trước, bản thân Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã thừa nhận những nỗ lực này là muộn màng: “Trong nhiều thập kỷ, các đồng minh của NATO đã dẫn đầu về công nghệ, nhưng điều đó không còn rõ ràng nữa.”
[Chương trình cải cách là trọng tâm Hội nghị thượng đỉnh NATO]
Ông nói: “Chúng tôi thấy Trung Quốc đặc biệt đầu tư mạnh vào các công nghệ mới, mang tính đột phá như trí tuệ nhân tạo, hệ thống tự động điều khiển, dữ liệu lớn và họ triển khai chúng vào các hệ thống vũ khí tiên tiến mới, máy bay không người lái, tàu ngầm, máy bay.”
Tuy nhiên, Tổng thư ký NATO không phải là người đầu tiên lên tiếng cảnh báo sự thụt lùi về công nghệ của NATO so với các đối thủ. Eric Schmidt, cựu Giám đốc điều hành của Google, hiện là Chủ tịch Tiểu ban An ninh Quốc gia của Mỹ về trí tuệ nhân tạo, đã cảnh báo vào đầu năm nay rằng, Bắc Kinh đang có kế hoạch làm suy yếu các lực lượng quân sự thông thường bằng cách “đi tắt đón đầu” các công nghệ mới.
Báo cáo của Tiểu ban, được công bố hồi tháng 3, làm dấy lên lo ngại rằng Trung Quốc sẽ sử dụng trí tuệ nhân tạo cho “các biện pháp do thám, chế áp điện tử và các cuộc tấn công hỏa lực phối hợp.”
Một phần của vấn đề là các tổ chức quốc phòng phương Tây đã chậm nhận ra tiềm năng đổi mới đối với ngành công nghiệp của chính họ. Trong nhiều thập kỷ, rất nhiều sự phát triển công nghệ đã xảy ra trong lĩnh vực quốc phòng... và sau đó được chia sẻ với lĩnh vực dân sự. Bây giờ, điều này đi theo chiều ngược lại.
Một số nước thành viên NATO đang đi trước các nước khác trong khối về trí tuệ nhân tạo. Mỹ và Pháp đã công bố các chiến lược trí tuệ nhân tạo quân sự, trong khi Anh năm nay tuyên bố thành lập một trung tâm Trí tuệ nhân tạo quốc phòng.
Lần đầu tiên, MI6 - cơ quan tình báo nội địa nổi tiếng của Anh- đang tuyển dụng từ khu vực tư nhân một người đứng đầu “Chi nhánh Q,” phòng thí nghiệm kỹ thuật nổi tiếng trong các bộ phim James Bond-Điệp viên 007.
Theo Giáo sư Fiona Murray, Giám đốc sáng kiến đổi mới của MIT (Mỹ), việc thành lập một Trung tâm NATO mới có thể giúp các công ty công nghệ và lực lượng vũ trang có thể thử nghiệm những ý tưởng mới.
Giáo sư Murray cho rằng, các công ty khởi nghiệp và nhà đầu tư không phải lúc nào cũng có thời gian để giải quyết các thách thức quốc phòng khi các giải pháp “khó kiểm tra, thị trường bị phân tán và quá trình mua sắm diễn ra chậm chạp” và khi phối hợp làm việc cùng nhau sẽ tạo ra một thị trường rộng lớn hơn cho các sản phẩm mới và tăng cường an ninh tập thể. Các quốc gia không thể xử lý vấn đề này một cách riêng lẻ.
Mỹ đã bắt đầu thuyết phục các đồng minh về hàm ý chính sách của việc sử dụng công nghệ mới. “Đối tác Trí tuệ nhân tạo cho Quốc phòng” của Lầu Năm Góc, bao gồm 13 quốc gia (trong đó có các thành viên của NATO là Canada, Đan Mạch, Estonia, Anh, Pháp và Na Uy) đã họp lần đầu tiên vào năm ngoái để thống nhất các tiêu chuẩn quân sự chung về Trí tuệ nhân tạo.
Tiểu ban Quốc phòng An ninh Mỹ về Trí tuệ nhân tạo đã kêu gọi liên minh hợp tác chặt chẽ hơn với Nhóm Five Eyes gồm Mỹ, Anh, Canada, Australia và New Zealand trong việc phát triển các hệ thống trí tuệ nhân tạo.
Ulrike Franke, một chuyên gia về công nghệ quân sự tại Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu, lập luận rằng trung tâm công nghệ của NATO sẽ hiệu quả nhất nếu ưu tiên thiết kế các hệ thống nhằm phục vụ cho các hoạt động quân sự chung.
Bà Franke cho rằng NATO nên xem xét các lĩnh vực như chỉ huy và kiểm soát (C2) có sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo, điều này có thể cung cấp cho các thành viên một bức tranh tổng thể, thống nhất về chiến trường trên nhiều khu vực, sử dụng phân tích dữ liệu thông minh để sàng lọc thông tin.
Trong các lĩnh vực rộng lớn trải dài từ máy bay không người lái đến điện toán lượng tử, đã có những tham vọng nhằm bao quát, đạt được năng lực trong toàn bộ vấn đề này, nhưng NATO sẽ cần phải xác định xem nên tập trung vào lĩnh vực trọng yếu và thiết yếu nào, nếu không sẽ có nguy cơ dàn trải quá mỏng lực lượng./.