Nhằm chấn chỉnh các cơ sở sử dụng thiết bị X-quang trong y tế trong việc bảo đảm an toàn bức xạ, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ đã quyết định đưa “hạng mục” này vào đợt tổng kiểm tra tới đây (song song với việc kiểm tra một số phương tiện đo nhóm 2).
Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi riêng ông Trần Minh Dũng, Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ về vấn đề này.
Nhiều sai phạm
- Thưa ông, đâu là lý do khiến Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định đưa các phương tiện đo nhóm 2 và cơ sở sử dụng thiết bị X-quang y tế vào “tầm ngắm” trong đợt thanh tra diện rộng năm 2014?
Ông Trần Minh Dũng: Báo cáo của các Sở Khoa học và Công nghệ địa phương cũng như khảo sát thực tiễn cho thấy việc chấp hành các quy định của pháp luật về đo lường của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, sử dụng các loại phương tiện đo nhóm 2 (như cân khối lượng, đồng hồ đo điện năng, đo nước sinh hoạt, thiết bị đo dùng trong y tế…) có nhiều sai phạm.
Lấy ví dụ tại Lâm Đồng, thanh tra 5 cơ sở thì có 4 cơ sở vi phạm sử dụng đồng hồ đo điện năng hết thời hạn kiểm định; tại Nam Định kiểm tra 14 cơ sở kinh doanh nước sạch thì cả 14 cơ sở vi phạm; Bạc Liêu thanh tra 10 cơ sở y tế sử dụng phương tiện đo (huyết áp kế, nhiệt kế, điện tim, điện não) thì có 7 cơ sở vi phạm; tại Cao Bằng kiểm tra 22.391 đồng hồ đo nước thì có tới 15.000 chiếc đã quá thời hạn kiểm định....
Thực tế cho thấy, Luật Đo lường được ban hành vào 2011 và các Nghị định cũng đã được ban hành đầy đủ nhưng những con số “biết nói” ở trên cho thấy Luật chưa thực sự đi vào cuộc sống. Bởi vậy, đợt kiểm tra này cũng sẽ góp phần đưa Luật vào cuộc sống tốt hơn, đặc biệt là mảng đo lường liên quan trực tiếp tới người tiêu dùng trong xã hội, tránh làm ảnh hưởng tới cuộc sống người dân bởi thông thường họ không có điều kiện để kiểm tra.
Ngoài ra, năm 2013 có 36 Sở Khoa học và Công nghệ tiến hành thanh tra với 682 cơ sở tiến hành công việc bức xạ và phát hiện 54 cơ sở sai phạm như Thành phố Hồ Chí Minh có 12/40 cơ sở được thanh tra đã phát hiện vi phạm, Phú Thọ 8/26 cơ sở, Bình Dương 6/25 cơ sở.
Các cơ sở được thanh tra có những hành vi vi phạm tái diễn như chấp hành quy định về khai báo, xin cấp phép tiến hành công việc bức xạ; quy trình hướng dẫn vận hành an toàn thiết bị, nội quy an toàn bức xạ tại nơi đặt thiết bị; việc thực hiện các yêu cầu của cơ quan quản lý về an toàn bức xạ...
Các hành vi vi phạm này của các cơ sở làm ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người bệnh, nhân viên vận hành máy X-quang, dân chúng và xã hội.
- Việc kiểm tra an toàn bức xạ đối với các cơ sở sử dụng thiết bị X-quang y tế sẽ được tiến hành thế nào?
Ông Trần Minh Dũng: Kiểm tra các cơ sở X-quang y tế được tiến hành nhiều mảng. Bởi lẽ, thiết bị này được quản lý rất chặt chẽ từ việc khai báo, cấp phép… cho tới việc các phòng ốc phải đảm bảo tiêu chuẩn; người vận hành, sử dụng thiết bị phải được đào tạo và có chứng chỉ đào tạo, người sử dụng trực tiếp phải có liều kế cá nhân; phải có bức che chắn, các thiết bị như kính chì, áo chì… để đảm bảo an toàn.
Ngoài ra, đoàn thanh tra sẽ kiểm tra quá trình vận hành có đảm bảo an toàn, lọt tia phóng xạ ra ngoài không…?
Sẽ phạt nặng tổ chức, cá nhân vi phạm
- Khi nào Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiến hành đợt thanh tra diện rộng này, thưa ông?
Ông Trần Minh Dũng: Bộ Khoa học và Công nghệ đã có công văn số 1159/BKHCN-TTra gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh/thành phố đề nghị phối hợp. Trong đó, giao Sở Khoa học và Công nghệ địa phương chủ trì, phối hợp với Sở Công thương, Sở Y tế, Sở Công an và các đơn vị liên quan thực hiện đợt thanh tra diện rộng này.
Đầu tháng Sáu vừa qua, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp tổ chức tập huấn thanh tra trong lĩnh vực này cho gần 250 cán bộ thuộc 63 tỉnh thành ở Bình Định. Đáng chú ý, có tỉnh cử cả cán bộ cấp huyện để tập huấn, phối hợp thanh tra.
Đợt thanh tra này sẽ tập trung vào 3 tháng (bắt đầu từ tháng Bảy), tùy tình hình thực tế mà các địa phương sẽ xác định trọng tâm và thời gian triển khai để bảo đảm kết quả tốt nhất.
- Xin ông cho biết những đối tượng nào đoàn thanh tra sẽ hướng tới?
Ông Trần Minh Dũng: Ở mảng đo lường nhóm 2 sẽ tập trung vào sản xuất, nhập khẩu và người sử dụng. Mảng an toàn bức xạ trong X-quang y tế thì đối tượng là các cơ sở sử dụng thiết bị này.
- Hình thức xử phạt cao nhất khi phát hiện ra vi phạm là như thế nào, thưa ông?
Ông Trần Minh Dũng: Theo Nghị định số 80/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường chất lượng, đối tượng vi phạm là cá nhân sẽ bị phạt cao nhất là 150 triệu đồng; tổ chức là 300 triệu đồng.
Trong lĩnh vực X-quang y tế, Nghị định 107/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử quy định mức xử phạt cao nhất lên tới 500 triệu đồng đối với cá nhân, và 1 tỷ đồng đối với tổ chức vi phạm.
Bên cạnh hình thức xử phạt chính nói trên, tùy trường hợp có thể có hình thức phạt bổ sung, khắc phục hậu quả như thu hồi thiết bị sai để hiệu chỉnh và kiểm định lại; thu hồi khoản lợi nhuận do kinh doanh bất hợp pháp…
- Ông có đánh giá gì qua những đợt thanh tra diện rộng hàng năm mà Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ đã triển khai?
Ông Trần Minh Dũng: Từ 1995 trở lại đây, năm nào ngành khoa học và công nghệ cũng tổ chức thanh tra diện rộng, trong đó tập trung nhiều vào mảng tiêu chuẩn, đo lường chất lượng.
Mỗi năm, chúng tôi lấy một đối tượng để kiểm tra như xăng dầu, mũ bảo hiểm, đồ chơi trẻ em, hàng đóng gói sẵn, điện-điện tử…
Thực tế ở các địa phương, thanh tra khoa học công nghệ cũng đã tiến hành kiểm tra nhưng không đồng bộ. Ví dụ như trong cùng một năm, tỉnh A làm về mũ bảo hiểm, nhưng tỉnh B làm về đồ chơi trẻ em, tỉnh C làm về xăng dầu… nên không đưa ra được một bức tranh thống nhất trên toàn quốc.
Tôi cho rằng, việc đồng loạt ra quân cùng một thời điểm sẽ giúp bức tranh về một vấn đề được phản ánh rõ nhất, từ đó giúp cơ quan quản lý có những biện pháp tốt hơn trong việc chấn chỉnh sai phạm của tổ chức, cá nhân.
Ngoài ra, một chiến dịch lớn chắc chắn sẽ tạo ra sự quan tâm và có hiệu ứng lan tỏa, có sức răn đe đối với những tổ chức, cá nhân làm sai trái. Bên cạnh đó, việc cùng nhau “ra quân” sẽ giúp các ngành nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc quản lý, trở thành hoạt động thường xuyên để giúp tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!