Đồng loạt giảm các lãi suất tiền gửi và cho vay ngắn hạn

Từ 29/10, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND của các tổ chức, cá nhân từ 6% xuống còn 5,5%/năm.
Đồng loạt giảm các lãi suất tiền gửi và cho vay ngắn hạn ảnh 1Trần lãi suất huy động đã được giảm xuống còn 5,5%/năm. (Nguồn: TTXVN).

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, bắt đầu từ ngày 29/10, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND của các tổ chức, cá nhân từ 6% xuống còn 5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng quyết định giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài với một số lĩnh vực, ngành kinh tế từ mức 8% xuống còn 7%/năm. Giảm lãi suất tối đa với gửi tiền bằng USD của cá nhân từ mức 1%/năm xuống còn 0,75%/năm.

Đó là nội dung chính của buổi họp báo thường kỳ do Ngân hàng Nhà nước tổ chức chiều ngày 28/10.

Bà Nguyễn Thu Hà, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết, sau khi điều chỉnh giảm đồng bộ các mức lãi suất của Ngân hàng Nhà nước vào tháng 3/2014, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay bằng VND đến nay đã giảm 1,0-1,5%/năm so với cuối năm 2013, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định thị trường tiền tệ.

Lãi suất của các khoản vay cũ tiếp tục được các tổ chức tín dụng tích cực giảm; đến ngày 9/10, dư nợ cho vay bằng VND có lãi suất trên 15%/năm chiếm 4,12% tổng dư nợ cho vay VND, giảm so với tỷ trọng 6,3% cuối năm 2013; dư nợ có lãi suất trên 13%/năm chiếm 11,7% tổng dư nợ cho vay bằng VND, giảm so với tỷ trọng 19,72% cuối năm 2013.

Cũng theo Phó Thống đốc, những định hướng được Ngân hàng Nhà nước đưa ra trong 10 tháng qua đã gắn với chính sách của nền kinh tế. Trong 2 tháng cuối năm, Ngân hàng Nhà nước không điều chỉnh các lãi suất điều hành khác như lãi suất tái cấp vốn, tái suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng mà chỉ giảm lãi suất trần huy động. Với cách thức điều hành như vậy sẽ theo hướng tiếp tục nâng cao lợi thế của VND.

"Ngân hàng Nhà nước và Thống đốc luôn trăn trở làm sao giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước cũng đã ra hiệu triệu đối với các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, đưa lãi suất cho vay trung và dài hạn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên không quá 10%/năm," bà Hồng chia sẻ.

Ông Nguyễn Danh Lương, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, từ khi chưa có chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, Vietcombank đã xác định là trụ cột cho Ngân hàng Nhà nước phục vụ hỗ trợ cho doanh nghiệp. Đối với tín dụng ngắn hạn, Vietcombank sẽ thực hiện theo đúng định hướng của Ngân hàng Nhà nước, đảm bảo cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên là dưới 8%, cam kết là 7%; với tín dụng chung và dài hạn sẽ cam kết thực hiện dưới 10%. Ngân hàng sẽ cố gắng đảm bảo được các chỉ tiêu đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp một cách tối đa.

Cũng theo ông Lương, tính đến nay, tăng tín dụng của Vietcombank đã đạt gần 10%, với tỷ lệ đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, dự kiến đến hết năm 2014, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng sẽ đạt khoảng 16%.

Còn bà Bùi Như Ý, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng nhấn mạnh: VietinBank hoàn toàn đồng thuận và sẽ triển khai ngay điều chỉnh lãi suất cho vay ngắn hạn 5 lĩnh vực ưu tiên sẽ giảm từ 7,5%-8% xuống còn 7% và lãi suất cho vay trung và dài hạn sẽ giảm từ 10,5% xuống còn 10% để chia sẽ khó khăn cho doanh nghiệp.

"Với mức giảm như vậy, chắc chắn lợi nhuận của các ngân hàng thương mại sẽ giảm nhưng chúng tôi sẵn sàng tiết giảm chi phí thường xuyên để đạt mục tiêu lợi nhuận và chia sẻ khó khăn đối với doanh nghiệp," bà Ý chia sẻ thêm.

Đến thời điểm này, tăng trưởng tín dụng của ViettinBank đã đạt được 6,5%, mục tiêu đến hết năm sẽ tăng 14-15%.

Cũng tại buổi họp báo, lãnh đạo của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng cam kết trên toàn hệ thống sẽ giảm lãi suất ngắn hạn xuống tối đa 7% và trung dài hạn tối đa xuống còn 10%.

Trả lời câu hỏi của báo chí xung quanh vấn đề chênh lệch lãi suất huy động và cho vay vẫn còn cao, đại diện của VietinBank cho biết, hiện chênh lệch giữa đầu vào và đầu ra của ngân hàng chỉ xoay quanh từ 2-2,5%.

Lãnh đạo Ngân hàng này lý giải, với phần huy động tiền gửi, khi huy động được 10 đồng thì không thể sử dụng được hết để cho vay mà phải để dành dự trữ, trích lập rủi ro, chi phí hoạt động…

Giải đáp thắc mắc của phóng viên về việc lãi suất cho vay trung và dài hạn vẫn ở mức từ 10-12% là cao, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, lãi suất cho vay trung dài hạn phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế vĩ mô, không chỉ phụ thuộc trong nước mà còn thị trường thế giới. Việc huy động của các tổ chức tín dụng đã cải thiện nhiều, cân đối vốn tốt hơn. Tuy nhiên trần lãi suất cho vay trung dài hạn phụ thuộc vào các ngân hàng, trước mắt các ngân hàng thương mại lớn sẽ đi đầu ủng hộ và chia sẻ đối với doanh nghiệp.

Bình luận về động thái điều chỉnh giảm lãi suất huy động và cho vay của Ngân hàng Nhà nước, một chuyên gia ngân hàng cho biết đây là bước đi hợp lý của Ngân hàng Nhà nước trong bối cảnh lạm phát tiếp tục giảm tốc mạnh vì CPI tháng 10 chỉ tăng 0,11% so với tháng trước, tăng 2,36% so với tháng 12/2013. Với mức tăng này, lạm phát tính theo năm tiếp tục giảm về còn 3,23% từ mức 3,61% trong tháng 9.

Việc giảm trần lãi suất huy động VND các kỳ hạn dưới 6 tháng, trong khi các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do các tổ chức tín dụng tự thỏa thuận với khách hàng một mặt sẽ giúp cho các tổ chức tín dụng cơ cấu lại nguồn vốn với kỳ hạn dài hơn. Mặt khác tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng hạ thấp hơn nữa mặt bằng lãi suất cho vay để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục