Apple Watch không chỉ là một sản phẩm công nghệ cao của công ty Apple mà còn là một thiết bị theo dõi sức khỏe rất tốt. Những câu chuyện kể về nhiều lần Apple Watch cảnh báo người dùng rằng họ có nhịp tim bất thường, và qua đó dự báo trước được vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, không phải là chuyện hiếm gặp.
Tuy nhiên vừa qua, Apple Watch lại gây chú ý khi cứu mạng Kimmy Watkins, một cô gái 29 tuổi đến từ Cincinnati, Mỹ, bị mắc chứng nghẽn phổi nguy hiểm.
Giống nhiều đồng hồ thông minh khác, Apple Watch, liên tục đo nhịp tim suốt cả ngày khi người dùng đeo nó lên cánh tay. Điều khác biệt của Apple Watch với các sản phẩm còn lại là nó có thêm khả năng phát hiện nhịp tim cao, hoặc nhịp tim bất thường trong thời gian người đeo đồng hồ đang nghỉ ngơi.
Với trường hợp của Watkins, Apple Watch đã phát hiện nhịp tim của cô tăng vọt lên mức 178 nhịp mỗi phút khi cô đang ngủ. Chiếc đồng hồ đã phát ra những tiếc kêu bíp bíp, khiến cô thức giấc.
Cảm thấy không khỏe, Watkins đã tìm gặp bác sĩ để khám và được chẩn đoán mắc bệnh nghẽn phổi, một tình trạng bệnh rất nguy hiểm, có thể đe dọa mạng sống của cô, với tỷ lệ tử vong của những người mắc bệnh lên tới 50%. Có thể nói rằng chiếc đồng hồ đã cứu mạng cô ấy.
Vậy Apple Watch đo nhịp tim người dùng như thế nào? Cảm biến quang học đo nhịp tim tích hợp trong Apple Watch sử dụng công nghệ được gọi là thể tích đồ (photoplethysmography - PPG). Công nghệ này hoạt động dựa trên một thực tế khá đơn giản: máu người có màu đỏ bởi vì nó phản chiếu ánh sáng đỏ và hấp thụ ánh sáng xanh. Khi sử dụng ánh sáng chiếu lên da và theo dõi lượng ánh sáng được hấp thụ trở lại, cảm biến sẽ phân tích sự thay đổi của lưu lượng máu đi qua. Từ đó, đo lường và phân tích các kết quả đầu ra như nhịp tim, số nhịp tim trong một khoảng thời gian được ghi lại.
Tính năng báo động nếu nhịp tim người dùng bất thường được bật mặc định trên Apple Watch. Nhưng nếu nó lỡ bị tắt đi, người dùng hoàn toàn có thể thiết lập lại thông qua phần cài đặt “Nhịp tim”.
Người dùng cũng có thể bật tính năng cập nhật nhịp tim, để biết nhịp tim của mình đang cao hơn hay thấp hơn mức bình thường, hoặc để phát hiện các dấu hiệu bất thường ở tim trong sinh hoạt hàng ngày.
Đây không phải là lần đầu tiên Apple Watch được ghi công đã cứu mạng người. Hồi năm 2019, bà Marie Bourque, 74 tuổi, sống tại quận Queen, New York, Mỹ, cũng được Apple Watch cứu sống nhờ cảnh báo lúc nửa đêm về nguy cơ bị nhồi máu cơ tim.
Người phụ nữ này thức dậy vào nửa đêm vì nhận cảnh báo nhịp tim không đồng đều do Apple Watch phát ra. Ngay lập tức, bà được gia đình đưa tới bệnh viện trước khi tình trạng suy tim đột ngột xảy ra, như chẩn đoán của bác sĩ.
Năm ngoái, một cô gái trẻ ở Mỹ cũng thoát chết sau khi tính năng gọi điện cứu hộ khẩn cấp trên Apple Watch được kích hoạt trong lúc cô bị mắc kẹt giữa dòng sông lạnh giá. Báo chí Mỹ cho biết cô gái trẻ này, danh tính không được tiết lộ, sống tại thành phố The Dalles (bang Oregon) đã đi bơi một mình trên sông Columbia. Trong khi bơi, cô bị kẹt chân vào đá và không thể thoát ra được, trong khi nhiệt độ nước sông giảm xuống còn 13 độ C.
Sau 30 phút vật lộn nhưng không thể rút chân ra, cô gái sực nhớ đến tính năng gọi điện cứu hộ khẩn cấp được trang bị trên chiếc Apple Watch mà mình đang đeo. Cô đã dùng chiếc Apple Watch gọi điện cho lực lượng cứu hộ khẩn cấp và thông báo về địa điểm bị mắc kẹt để nhờ hỗ trợ.
Khi được giải cứu, cô gái đang trong tình trạng hạ thân nhiệt nghiêm trọng vì ngâm mình lâu dưới nước lạnh và nếu không được cứu kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Được biết ngoài gọi điện thoại hay theo dõi nhịp tim, Apple còn trang bị cho sản phẩm đồng hồ thông minh của mình rất nhiều tính năng theo dõi sức khỏe tuyệt vời khác, có khả năng cứu mạng người dùng trong những tình huống nhất định.
Ví dụ như tính năng phát hiện va chạm trên những chiếc Apple Watch Series 8. Khi người đeo đồng hồ gặp phải tai nạn giao thông, đồng hồ sẽ rung lên và phát thông báo về việc họ đã bị va chạm. Ngoài ra, đồng hồ còn hiển thị thanh trượt trên màn hình, cho phép họ thực hiện “cuộc gọi khẩn cấp”.
Nếu như người dùng không phản hồi trong khoảng 20 giây, đồng hồ sẽ tự động thực hiện cuộc gọi khẩn cấp, hoặc gọi cho bất kỳ ai mà người dùng đã lưu số sẵn trước đó.
Một tính năng nữa là phát hiện té ngã. Tính năng này đã xuất hiện trên dòng Apple Watch từ lâu. Khi phát hiện người dùng té ngã, đồng hồ sẽ tiếp tục theo dõi trong khoảng 1 phút. Nếu không thấy người dùng cử động, đồng hồ sẽ phát cảnh báo. Lúc này, người dùng cần lựa chọn gọi gọi điện thoại khẩn cấp, hoặc tương tác để cho đồng hồ biết họ đang ổn.
Các tính năng hữu ích còn lại gồm đo nồng độ oxy trong máu, đo điện tâm đồ, theo dõi uống thuốc, nhắc rửa tay và theo dõi bước chân. Trong đó, tính năng nhắc uống thuốc rất quan trọng. Nó có thể theo dõi thuốc, hay bất kỳ loại thực phẩm chức năng nào mà người dùng đang sử dụng. Khi tới giờ dùng thuốc, đồng hồ sẽ gõ vào cổ tay và phát thông báo nhắc uống loại thuốc mà người dùng đã ghi chú trước đó./.