Đồng hành cùng dân tộc là bản sắc của Phật giáo Việt Nam

Bên cạnh việc phát lương thực, thực phẩm hỗ trợ đồng bào có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, Giáo hội còn đóng góp vào mua sắm trang thiết bị y tế cho một số địa phương...
Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hà Nam ủng hộ 500 triệu đồng cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. (Ảnh: Nguyễn Chinh/TTXVN)

Chiều 29/4, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, mùa Phật đản năm nay diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp ở hầu khắp các nước trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Thực hiện các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đại lễ Phật đản phật lịch 2564 - dương lịch 2020 (diễn ra từ ngày 30/4-75/5, tức 8-15/4 âm lịch), Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp, các chùa, cơ sở tự viện không tổ chức lễ đài tập trung đông người, không tổ chức rước xe hoa, các chương trình nghệ thuật chào mừng và tất cả các hình thức tập trung đông người.

Điểm đặc biệt trong sinh hoạt Phật đản năm nay là đúng 6 giờ sáng 30/4, tất cả trụ sở các Ban Trị sự Giáo hội các cấp và các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước đồng loạt cử 3 hồi chuông trống, tụng kinh để kính mừng Phật đản và cầu nguyện nạn dịch COVID-19 sớm được tiêu trừ; đất nước Việt Nam quốc thái dân an, sớm ổn định, phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân.

Giáo hội yêu cầu việc tổ chức Đại lễ Phật đản phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch, không được chủ quan, thực hiện giãn cách, không tập trung đông người.  

Nét văn hóa Phật giáo của thành phố Huế là làm những bông sen lớn nở trên sông Hương, vừa là để kính mừng Phật đản, vừa thu hút khách du lịch, thì năm nay cũng không thực hiện.

Chùa Quán Sứ, Trụ sở của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam chỉ tổ chức Đại lễ Phật đản trong hội trường, thành phần là lãnh đạo Giáo hội, không đông đồng bào Phật tử, Thượng tọa Thích Đức Thiện cho hay.

Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, báo cáo sơ bộ của các tỉnh cho thấy đa số Ban Trị sự Giáo hội các địa phương đã thực hiện đúng Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ và phù hợp với yêu cầu của địa phương, chủ yếu chỉ tổ chức trong chính điện, không làm khán đài.

[Vesak 2019: Minh chứng về đất nước Việt Nam hòa bình, thân thiện]

Tỉnh Điện Biên đã tổ chức Đại lễ sớm hơn để người dân vẫn được tham gia thực hiện các nghi lễ tắm Phật, nhưng đồng thời cũng đảm bảo giãn cách. Giáo hội khuyến khích các tăng, ni tổ chức truyền hình ảnh cử hành Đại lễ Phật đản trực tuyến trên các hệ sinh thái số, mạng xã hội.

“Trong giai đoạn dịch bệnh, việc giảng trực tuyến rất phát triển, những buổi tụng kinh có hàng chục nghìn người online. Giáo hội mong muốn truyền tải ứng dụng để đồng bào Phật tử chào đón mùa Phật đản rất đặc biệt này. Diễn văn của Hòa thượng Chủ tịch cũng căn dặn tăng, ni, Phật tử tập trung vào ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng đạo, thay đổi cách thức hướng dẫn đồng bào Phật tử, điều này thể hiện sự đồng hành của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong bối cảnh mới,” Thượng tọa Thích Đức Thiện nói.

Một trong những hành động thiết thực trong mùa Phật đản năm nay được Giáo hội Phật giáo Việt Nam triển khai, đó là bên cạnh việc phát lương thực, thực phẩm hỗ trợ đồng bào có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, Giáo hội còn đóng góp vào mua sắm trang thiết bị y tế cho một số địa phương, phát khẩu trang miễn phí. Nhiều ATM gạo ở các chùa đã được thiết lập.

Giáo hội cũng phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh chăm lo cho công nhân lao động và đã phát hơn 100 tấn gạo ở các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, khởi đầu cho phong trào này ở nhiều nơi như Cần Thơ, Hà Nam...

Đề cập đến Thông điệp của Đức Pháp chủ trong Đại lễ Phật đản năm nay, Thượng tọa Thích Đức Thiện cho biết, Thông điệp nhấn mạnh nhiều đến vấn đề đồng thuận xã hội. Chiến thắng giặc COVID-19 của chúng ta vừa qua chính là ở sự đoàn kết dân tộc, sự đồng lòng, đồng thuận của người dân.

Khi chủ trương, chỉ thị của Thủ tướng ban hành, các tầng lớp xã hội, các tôn giáo đều có sự đồng thuận. Qua đó cho thấy bản sắc văn hóa, tính ưu việt của xã hội Việt Nam, sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trong chăm lo cho đời sống, sức khỏe của người dân, sự đồng thuận của tăng, ni và đồng bào Phật tử.

“Thông điệp của Đức Pháp chủ nhắc nhở tăng, ni rằng, trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì đồng hành cùng dân tộc là bản sắc của Phật giáo Việt Nam và luôn phải có sự đoàn kết, đó là nhân tố quyết định thành công. Cần có sự đồng thuận thì nước ta mới mạnh, cần có sự đoàn kết thì mới có sự phát triển và đồng hành cùng dân tộc trong mọi hoàn cảnh lịch sử,” Thượng tọa Thích Đức Thiện nói./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục