Là hội chuyên ngành có 120.000 người hội viên, đông nhất trong các hội chuyên ngành của ngành y tế, trong những năm qua, Hội Điều dưỡng Việt Nam đã khẳng định vai trò, vị trí của mình, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân.
Nhân kỷ niệm 30 năm ngày truyền thống Hội điều dưỡng Việt Nam (26/10/1990-26/10/2020), Hội Điều dưỡng Việt Nam tổ chức hàng loạt các hoạt động nhằm tôn vinh người điều dưỡng Việt Nam như Hội nghị khoa học điều dưỡng toàn quốc lần thứ IX (16/12), Lễ kỷ niệm 30 ngày truyền thống của Hội (17/12)..., phóng viên TTXVN đã trao đổi với Chủ tịch Hội điều dưỡng Việt Nam Phạm Đức Mục về vai trò và nhiệm vụ của người điều dưỡng trong giai đoạn hiện nay.
- Xin ông cho biết vai trò của người điều dưỡng hiện nay trong hệ thống y tế?
Chủ tịch Hội điều dưỡng Việt Nam Phạm Đức Mục: Y học là nghệ thuật chữa bệnh, điều dưỡng là nghệ thuật chăm sóc người ốm. Bác sỹ khám chẩn đoán và chữa bệnh. Điều dưỡng khám, xác định nhu cầu và chăm sóc hỗ trợ người bệnh. Điều đưỡng không phải là nghề trợ giúp bác sỹ mà là nghề trợ giúp người bệnh. Thiên chức nghề điều dưỡng là chăm sóc người bệnh. Công việc của điều dưỡng có phạm vi rộng lớn hơn nhiều so với thực hiện chỉ định bác sỹ.
Bác sỹ và điều dưỡng là hai nghề khác nhau về mục tiêu đào tạo và sử dụng. Tuy cả hai đều cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe trên cùng người bệnh nhưng chức năng khác nhau. Cũng giống như lực lượng quân đội và công an đều chung mục tiêu bảo vệ đất nước nhưng chức năng của mỗi lực lượng khác nhau.
Trong những năm qua, chất lượng chăm sóc người bệnh đã có chuyển biến rõ rệt thông qua việc đổi mới các mô hình phân công chăm sóc, tổ chức chăm sóc người bệnh, chuẩn hóa các kỹ thuật điều dưỡng.
Dịch vụ do người điều dưỡng, hộ sinh cung cấp ngày càng góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân và nâng cao vị thế nghề nghiệp, hình ảnh của người điều dưỡng, hộ sinh.
Tại các bệnh viện, điều dưỡng đang tiến tới chăm sóc người bệnh, để người bệnh được thừa hưởng các dịch vụ tốt nhất do điều dưỡng cung cấp.
- Trong thời gian qua, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Việt Nam ghi nhận gần 40 cán bộ y tế nhiễm COVID-19, trong đó có nhiều điều dưỡng. Ông đánh giá như thế nào về vai trò của người điều dưỡng trong chăm sóc người bệnh COVID-19?
Chủ tịch Hội điều dưỡng Việt Nam Phạm Đức Mục: Trong cuộc chiến với COVID-19 của Việt Nam, hàng ngàn điều dưỡng đã can đảm và chuyên nghiệp đối phó với dịch bệnh nguy hiểm. Đại dịch COVID-19 giúp chúng ta nhìn nhận sâu sắc hơn về sự đóng góp của điều dưỡng, hộ sinh, với vai trò là những chiến sỹ tuyến đầu. Họ đã vượt lên những nguy cơ của dịch bệnh, dấn thân vào nơi nguy hiểm, phối hợp với các thầy thuốc, thực hiện hàng loạt các hoạt động như: sàng lọc người bệnh, tổ chức cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn, theo dõi, chăm sóc và là chỗ dựa về tinh thần cho người bệnh COVID-19.
Nhiều điều dưỡng, hộ sinh đã không có ngày nghỉ, phải xa gia đình, xa con nhỏ, liên tục, miệt mài tham gia vào tuyến đầu phòng chống dịch bệnh. Những người điều dưỡng luôn có mặt ở tất cả mọi mặt trận, mọi tuyến từ tham gia điều tra xác định người nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2 tại cộng đồng đến tiếp nhận, khám sàng lọc, chăm sóc người bệnh tại khu cách ly trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cũng như sàng lọc, quản lý người nghi ngờ nhiễm, người có thể nhiễm trong các địa điểm cách ly tập trung.
[Việt Nam đã tạo diễn đàn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về COVID-19]
Việc họ liên tục ngày đêm ở bên để theo dõi, chăm sóc cho những người bệnh nặng, người bệnh nguy kịch trong các phòng bệnh cách ly đã nói lên sự vất vả, nguy hiểm nhưng cũng đầy trách nhiệm với nghề nghiệp, với người bệnh cùng các thầy thuốc giành giật lại sự sống cho từng người bệnh.
Trong trận đấu với đại dịch COVID-19, người điều dưỡng, hộ sinh đã là những “cầu thủ” tỏa sáng, góp phần cùng toàn đội giành chiến thắng trong 2 hiệp đấu cam go vừa qua.
Sự thành công trong phòng chống COVID-19 tại Việt Nam là thành tựu chung của toàn bộ hệ thống chính trị, của ngành y tế Việt Nam, trong đó không thể không nói tới sự đóng góp to lớn và thầm lặng của điều dưỡng, hộ sinh.
- Các hội viên Hội điều dưỡng đã có sự chuẩn bị như thế nào trong bối cảnh yêu cầu ngày càng cao của ngành y tế hiện nay, thưa ông?
Chủ tịch Hội điều dưỡng Việt Nam Phạm Đức Mục: Từ năm 1990 đến nay, được sự quan tâm của Bộ Y tế, Hệ thống điều dưỡng từ trung ương tới các địa phương đã ra đời và hoạt động hiệu quả. Điều dưỡng, hộ sinh được nâng cấp đào tạo trình độ đại học, thạc sỹ chuyên khoa cấp 1, tiến sỹ điều dưỡng đã mở ra cơ hội cho nghề điều dưỡng phát triển.
Song hiện nay, các chính sách phát triển chuyên ngành điều dưỡng còn thiếu và chưa đồng bộ; chưa kết nối hiệu quả giữa đào tạo và sử dụng. Tỷ lệ điều dưỡng/bác sỹ còn thấp và tỷ lệ điều dưỡng/10 ngàn dân mới đạt > 50% so với Nghị quyết số 20/NQ-TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Trong khi đó, chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025 có 25 điều dưỡng/1 vạn dân và đến 2030 có 33 điều dưỡng/1 vạn dân.
Do đó, vai trò của Hội Điều dưỡng Việt Nam, Tổng hội Y học Việt Nam cần được phát huy trong việc phối hợp xây dựng các chính sách phát triển chuyên ngành điều dưỡng theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới. Một là tăng cường hệ thống đào tạo điều dưỡng theo chuẩn khu vực ASEAN. Hai là phát triển nguồn nhân lực điều dưỡng cả về số lượng và chất lượng. Ba là tăng cường sự tham gia của điều dưỡng-hộ sinh vào quá trình hoạch định và xây dựng chính sách y tế.
- Năm 2020, Tổ chức Y tế Thế giới chọn là năm quốc tế về điều dưỡng đồng thời phát động Chiến dịch Điều dưỡng ngày nay nhằm thu hút sự quan tâm của các nhà lãnh đạo quốc gia và thế giới về thiên chức và vai trò thiết yếu của điều dưỡng, hộ sinh trong việc duy trì một thế giới khỏe mạnh. Vậy theo ông, cần có những chính sách gì để thúc đẩy vai trò và trách nhiệm của người điều dưỡng?
Chủ tịch Hội điều dưỡng Việt Nam Phạm Đức Mục: Như chúng ta đã biết, năm 2020 đã được Hội đồng Y tế Thế giới (WHA) chỉ định là năm của điều dưỡng và nữ hộ sinh.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ước tính để đạt được mục tiêu bảo hiểm y tế toàn cầu vào năm 2030, thế giới sẽ phải cần thêm 9 triệu cán bộ điều dưỡng và nữ hộ sinh. Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới đã nhận định các điều dưỡng và nữ hộ sinh là "xương sống" của mọi hệ thống y tế. Năm 2020, chúng tôi kêu gọi tất cả các nước đầu tư vào lĩnh vực điều dưỡng và nữ hộ sinh như một phần cam kết của họ đối với sức khỏe cho mọi người.
Tại Việt Nam, mạng lưới điều dưỡng và nữ hộ sinh đã được thiết lập rộng khắp từ thành thị đến nông thôn. Mỗi năm có khoảng trên 1,5 triệu trẻ em được sinh ra, dân số khu vực thành thị chiếm khoảng 35%, nông thôn khoảng 65%. Điều đó cho thấy nhu cầu và vai trò rất to lớn của đội ngũ điều dưỡng và nữ hộ sinh trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe ban đầu, chăm sóc cho bà mẹ và trẻ em ngày càng cao.
Điều quan trọng nhất hiện nay là đổi mới nhận thức nghề điều dưỡng làm cơ sở cho việc đổi mới đào tạo, mở rộng phạm vi thực hành và đổi mới chính sách nhằm phát huy tiềm năng to lớn của đội ngũ điều dưỡng và người bệnh được thụ hưởng chăm sóc tốt nhất của điều dưỡng.
Cùng với xu thế phát triển y học, chuyên ngành điều dưỡng ngày nay đã trở thành một ngành học đa khoa có nhiều chuyên khoa. Điều dưỡng không những cần được đào tạo chuyên khoa và mà còn chuyên sâu để phối hợp hiệu quả với công tác điều trị và đáp ứng nhu cầu chăm sóc ngày càng cao của người bệnh.
Hiện phạm vi hoạt động chuyên môn của điều dưỡng chưa phân biệt rõ văn bằng và ngạch, bậc viên chức. Do đó, cần sớm khắc phục tình trạng điều dưỡng trung cấp hành nghề trên năng lực, trong khi cử nhân và thạc sĩ, chuyên khoa cấp 1 điều dưỡng hành nghề dưới năng lực đào tạo.
Bên cạnh đó, cần sớm tổ chức xét thăng hạng viên chức hạng II cho điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên Thông tu liên tịch số 26/2015/TTLT BYT-BNV; tăng cường sự tham gia của điều dưỡng, hộ sinh vào các vị trí quản lý và hoạch định chính sách y tế...
Với những chính sách được thay đổi cơ bản thì đội ngũ điều dưỡng sẽ nâng cao được vai trò và vị thế của mình trong hệ thống y tế./.