Đóng góp quan trọng của lực lượng Tham mưu Công an Nhân dân

Trong tình hình mới, lực lượng Tham mưu Công an Nhân dân đã phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác.
Đóng góp quan trọng của lực lượng Tham mưu Công an Nhân dân ảnh 1Bộ trưởng Tô Lâm cùng các đại biểu tham dự buổi gặp mặt kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống lực lượng Tham mưu Công an Nhân dân (18/4/1946-18/4/2021). (Nguồn: Bộ Công an)

Trong mỗi chiến công, thành tích của lực lượng Công an Nhân dân đều có phần đóng góp quan trọng của lực lượng Tham mưu Công an Nhân dân.

Trong tình hình mới, lực lượng Tham mưu Công an Nhân dân đã phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác.

Sau khi lực lượng Công an Nhân dân Việt Nam được thành lập vào ngày 19/8/1945, đến ngày 18/4/1946 Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đã ban hành Nghị định số 121 quy định về tổ chức bộ máy Việt Nam Công an vụ, trong đó tổ chức văn phòng với chức năng, nhiệm vụ công tác tham mưu từ Bộ đến Công an các đơn vị, địa phương chính thức được thành lập. Từ đó, ngày 18/4 hàng năm trở thành Ngày truyền thống của lực lượng Tham mưu Công an Nhân dân.

76 năm xây dựng và phát triển, lực lượng Tham mưu Công an Nhân dân đã nắm bắt, phân tích, đánh giá, dự báo sát, đúng tình hình, chủ động đề xuất với Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và xây dựng lực lượng Công an Nhân dân.

Trong bối cảnh mới, đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu có ý thức học tập, tích lũy kinh nghiệm, nâng cao kiến thức về mọi mặt, có năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức, sáng tạo trong công tác chuyên môn.

[Đại tướng Tô Lâm: Lực lượng Tham mưu Công an phát huy truyền thống]

Việc đầu tư, trang bị phương tiện, ứng dụng thành tựu khoa học-công nghệ vào công tác tham mưu được tăng cường. Đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19, nhiều ứng dụng, sáng kiến khoa học đã phát huy nhiều hiệu quả.

Khi Công an tỉnh Tây Ninh bắt đầu thực hiện hệ thống “hội nghị trực tuyến” đến Công an các huyện, thị xã, thành phố, một số vấn đề phức tạp đã phát sinh liên quan đến kinh phí, việc chuyển giao công nghệ, bảo mật hệ thống...

Trước những vấn đề trên, Phòng Tham mưu Công an tỉnh đã tìm hiểu, nghiên cứu và mạnh dạn đề xuất và được Ban Giám đốc Công an tỉnh đồng ý giao cho đơn vị tự xây dựng, viết phần mềm và triển khai hệ thống.

Qua một tháng nỗ lực không ngừng, chương trình đã được đưa vào vận hành sử dụng.

Sau các lần thử nghiệm, kết quả cho thấy so với các phần mềm hiện có trên thị trường, phần mềm do cán bộ, chiến sỹ Phòng Tham mưu thiết kế có chức năng tương đương và an tâm hơn về tính bảo mật, thuận tiện cho việc bảo trì, nâng cấp, đặc biệt là tiết kiệm kinh phí lên đến hàng tỷ đồng.

Từ hệ thống này đã giúp Công an tỉnh Tây Ninh làm việc trực tuyến với lãnh đạo Công an các đơn vị, huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị nghiệp vụ khác nằm ngoài trụ sở Công an tỉnh, nhất là giữa Bộ Công an, Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh.

Nhờ có hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến mà hàng ngày, Ban Giám đốc nắm diễn biến, kết quả công tác phòng, chống dịch COVID-19, công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Ban Giám đốc chỉ đạo các đơn vị triển khai công tác đảm bảo an ninh trật tự một cách đầy đủ, chính xác và nhanh chóng.

Phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, Phòng Tham mưu Công an tỉnh Tây Ninh đã tham mưu, đề xuất Ban Giám đốc nhiều sáng kiến khoa học giúp tiết kiệm chi phí cho Công an tỉnh Tây Ninh hàng tỷ đồng.

Đóng góp quan trọng của lực lượng Tham mưu Công an Nhân dân ảnh 2Quang cảnh một điểm cầu của Công an tỉnh Tây Ninh trong buổi làm việc trực tuyến. (Nguồn: Báo Tây Ninh)

Điển hình, vào đầu năm 2021, Phòng Tham mưu Công an tỉnh đưa ứng dụng khoa học kỹ thuật trong công tác lãnh đạo chỉ đạo nhiệm vụ đảm bảm an ninh trật tự, xây dựng lực lượng Công an góp phần nâng cao công tác cải cách hành chính trong nội bộ Công an tỉnh, triệt để tận dụng cơ sở hạ tầng, nhân lực sẵn có của Công an tỉnh về khoa học, công nghệ.

Thượng tá Nguyễn Hai Mừng, Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Tây Ninh, cho biết Phòng Tham mưu còn cải tiến phương pháp làm việc, tham mưu Ban Giám đốc Công an tỉnh đổi mới việc theo dõi, đánh giá tình hình, chỉ đạo công tác đảm bảo an ninh trật tự, xây dựng lực lượng của Công an tỉnh và từng đơn vị, địa phương theo chỉ tiêu cụ thể.

Số liệu tình hình, kết quả công tác được cập nhật, báo cáo, thông báo theo từng tháng giúp Ban Giám đốc nhìn nhận được tổng quan và chi tiết. Trên cơ sở đó, chỉ đạo kịp thời những lĩnh vực, đơn vị thực hiện chưa đạt yêu cầu, kế hoạch đề ra.

Không chỉ nhiều tập thể có sáng kiến, ứng dụng công nghệ thông tin, lực lượng Tham mưu Công an Nhân dân còn có nhiều cá nhân tiêu biểu, là tấm gương sáng về ý chí, nghị lực, khát vọng làm chủ công nghệ thông tin để đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Đam mê, nhiệt huyết trong công việc, Thiếu tá Hoàng Văn Tú, Phó Đội trưởng đội Công nghệ thông tin, phòng Tham mưu, Công an tỉnh Hưng Yên đã có nhiều sáng kiến, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ trong công tác, chiến đấu.

Sau khi tốt nghiệp khoa Tin học, Học viện An ninh nhân dân, năm 2009 Hoàng Văn Tú được phân công công tác tại phòng Tham mưu Công an tỉnh Hưng Yên.

Hơn 10 năm công tác tại đơn vị, với lòng yêu nghề, say mê học hỏi và sáng tạo, Hoàng Anh Tú cùng đồng đội nghiên cứu, xây dựng thành công 6 phần mềm có tính ứng dụng cao, phục vụ đắc lực cho công tác, chiến đấu và xây dựng lực lượng.

Điển hình như năm 2018, Hoàng Anh Tú đã đề xuất lãnh đạo đơn vị tham mưu Giám đốc Công an tỉnh xây dựng hai phần mềm “Chuyển nhận văn bản và lưu trữ điện tử,” “Gửi nhận văn bản nội bộ Công an tỉnh.”

Sau khi được triển khai, hai phần mềm này đã thay thế toàn bộ hệ thống sổ sách theo dõi ký nhận trước đây, chuyển sang quản lý điện tử các văn bản gửi đi, gửi đến, phục vụ lưu trữ, tra cứu theo dõi văn bản thuận lợi, nhanh chóng, đạt hiệu quả cao; đồng thời với chức năng gửi văn bản điện tử trên mạng nội bộ giúp việc gửi văn bản nhanh chóng và thuận tiện, khắc phục nhưng khó khăn về mặt địa lý.

Đến nay, hai phần mềm đã được Công an các đơn vị, địa phương triển khai sử dụng rộng rãi, đạt hiệu quả cao, được lãnh đạo Công an tỉnh ghi nhận.

Bên cạnh đó, với cương vị Phó đội trưởng, Hoàng Anh Tú cùng với tập thể lãnh đạo đội thường xuyên hướng dẫn, chỉ đạo các thành viên trong đội thực hiện tốt công tác, đảm bảo hệ thống đường truyền dẫn, mạng nội bộ, mạng Internet và các thiết bị công nghệ của trụ sở Công an tỉnh và Công an các đơn vị, địa phương luôn được hoạt động xuyên suốt, có hiệu quả.

Trong bối cảnh trong nước và tình hình thế giới diễn biến nhanh chóng, phức tạp, việc đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học kỹ thuật giúp cán bộ, chiến sỹ lực lượng tham mưu Công an Nhân dân nghiên cứu, dự báo tình hình, có khả năng tham mưu giải quyết những vấn đề cơ bản, chiến lược về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và xây dựng lực lượng Công an Nhân dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục