Ngày 10/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp cùng Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị sơ kết Đề án xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN đến năm 2025 (Đề án 161) và công tác tuyên truyền ASEAN khu vực miền Nam.
Đây là dịp để các địa phương, cơ quan chức năng hiểu thêm về hoạt động chung của ASEAN, những nỗ lực của Việt Nam khi tham gia ASEAN, chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện Đề án 161 để kết nối và tận dụng ưu tiên khu vực, đáp ứng ưu tiên trong nước.
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế - Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Cộng đồng ASEAN được thành lập với ba trụ cột là Cộng đồng Chính trị-An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa-Xã hội.
Sự hình thành cộng đồng là một dấu mốc quan trọng, nâng hợp tác ASEAN lên một tầm cao mới và đòi hỏi các quốc gia thành viên phải nỗ lực hơn nữa để xây dựng một cộng đồng, trong đó hơn 630 triệu người trong khu vực Đông Nam Á được sống trong môi trường hòa bình, hữu nghị, các dân tộc đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau và được hỗ trợ phát triển đồng đều.
[Những bước tiến dài của ASEAN và lộ trình cho giai đoạn tiếp theo]
Việt Nam tham gia ASEAN trên tinh thần tích cực, chủ động và có trách nhiệm. Cụ thể, Việt Nam chủ động đề xuất các sáng kiến và ý tưởng mới, có tính khả thi nhằm thúc đẩy hợp tác, tăng cường liên kết nội khối ASEAN; tích cực cùng ASEAN chung tay giải quyết các vấn đề khó khăn, phức tạp trong nội khối, các thách thức khu vực và toàn cầu, đe dọa đến hòa bình, an ninh, ổn định khu vực; có trách nhiệm cùng ASEAN nỗ lực thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả các thỏa thuận và cam kết đã đề ra, với ưu tiên hàng đầu là xây dựng thành công một Cộng đồng ASEAN vững mạnh, thống nhất và gắn kết.
Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN 2025 cấp quốc gia đã mang lại lợi ích cho người dân, gắn chặt với việc nâng cao năng lực thể chế, kiện toàn cơ cấu tổ chức và cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, người dân về ASEAN và các lợi ích mà ASEAN mang lại; hướng tới mục tiêu tăng cường, mở rộng thực hiện chính sách về an sinh xã hội, lao động, việc làm, các chính sách về y tế, giáo dục, trợ giúp đột xuất, hỗ trợ người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo...
Đánh giá về công tác tuyên truyền về ASEAN, ông Phan Thảo Nguyên, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế - Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, Hội nghị là dịp để các đại biểu có cái nhìn tổng thể về toàn bộ kế hoạch tuyên truyền ASEAN ở cấp khu vực, cấp quốc gia và các biện pháp sắp tới, qua đó góp phần nâng cao nhận thức về các lợi ích mà hội nhập ASEAN mang lại, đồng thời hiểu rõ các cơ hội, thách thức đặt ra để cùng chung tay xây dựng một Cộng đồng ASEAN hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm, với một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Cũng tại Hội nghị, đại diện các bộ, ngành Trung ương đã thảo luận về tiến độ thực hiện kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN đến năm 2025 ở cấp khu vực và việc thực hiện Đề án 161 tại Việt Nam; về cơ chế tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện Đề án 161 và công tác tuyên truyền ASEAN; hướng dẫn xây dựng Báo cáo đánh giá sơ kết việc thực hiện Đề án 161; cập nhật các hoạt động truyền thông của ASEAN và kế hoạch truyền thông hướng tới năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam vào năm 2020... Đồng thời rà soát việc thực hiện Đề án, xác định những thành tựu, khó khăn và thách thức trong quá trình thực hiện, làm tiền đề cho đánh giá giữa kỳ việc thực hiện kế hoạch tổng thể của cả cộng đồng ASEAN vào năm 2020 khi Việt Nam là Chủ tịch ASEAN./.