Đồng euro giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6/2020 so với đồng USD trong ngày 1/3 và đồng ruble của Nga sụt giảm trong phiên giao dịch biến động, giữa bối cảnh căng thẳng Nga-Ukraine ngày càng gia tăng và giá dầu mỏ tăng mạnh.
Chỉ số đồng USD, dùng để đo lường giá trị của đồng USD với một giỏ các đồng tiền mạnh khác, tăng 0,6% giữa bối cảnh giới đầu tư đổ xô vào các tài sản an toàn.
Giới đầu tư chú ý đến những diễn biến mới nhất của cuộc khủng hoảng Ukraine.
Cùng ngày, giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 8/2014 do lo ngại thiếu hụt nguồn cung năng lượng.
Một thỏa thuận toàn cầu về việc giải phóng dự trữ dầu thô vẫn không thể làm giảm lo ngại về gián đoạn nguồn cung do căng thẳng Nga-Ukraine.
[Sau 20 năm "chung sống" nhiều người dân châu Âu vẫn “ghét” đồng euro]
Ông Karl Schamotta, trưởng bộ phận chiến lược thị trường tại Cambridge Global Payments ở Toronto, cho biết: “Khả năng xảy ra cú sốc dầu mỏ toàn cầu kiểu như thập niên 70 đang gia tăng, và giới đầu tư đang chuyển sang các loại tài sản trú ẩn an toàn nhanh nhất có thể. Đồng euro đang ở tuyến đầu, chịu nhiều tác động nhất từ cú sốc năng lượng.” Theo ông, đồng euro giảm khi giá dầu tăng.
Đồng euro giảm 0,8% so với đồng USD trong ngày 1/3, xuống mức 1,1130 USD/euro, sau khi giảm xuống mức thấp nhất kể từ 6/2020 trong cùng ngày. Đồng euro cũng giảm 0,9% so với đồng yen Nhật Bản.
Theo số liệu của Refinitiv, đồng ruble của Nga giảm 1,34% so với đồng USD, xuống mức 110,04 ruble/USD./