Hoạt động bán ra đồng euro đã lan khắp thị trường châu Á trong phiên ngày 15/6 sau khi Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cho biết thể chế này sẽ trì hoãn việc tăng lãi suất ít nhất thêm một năm nữa.
Đồng tiền chung này đã bị tác động mạnh sau thông báo của ECB hôm 14/6, trong đó thể chế này đã hạ triển vọng tăng trưởng của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) do chủ nghĩa bảo hộ ngày một tăng và quan ngại về tình hình thương mại trên toàn cầu.
Căng thẳng thương mại toàn cầu lại nóng lên khi ngày 15/6, Trung Quốc tuyên bố sẽ nhanh chóng đáp trả để bảo vệ nền kinh tế nếu Mỹ gây ảnh hưởng đến lợi ích của nước này trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa quyết định tăng "đáng kể" thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc với giá trị lên tới hơn 50 tỷ USD.
[Trung Quốc tuyên bố sẽ đáp trả Mỹ để bảo vệ lợi ích kinh tế]
Những khoản thuế mới nhất này sẽ được áp dụng bất chấp những chỉ trích ồn ào trong thị trường Mỹ rằng chính sách thương mại của Tổng thống Donald Trump sẽ gây tác động bất lợi tới các ngành công nghiệp Mỹ.
Ngoài ra, việc ECB khẳng định sẽ chấm dứt chương trình mua trái phiếu để kích thích kinh tế dường như cũng không hỗ trợ gì cho đồng euro do điều này nằm trong dự đoán của thị trường.
Thông tin trên được đưa ra một ngày sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết sẽ tăng lãi suất thêm hai lần nữa trong năm nay và bốn lần trong năm 2019, qua đó làm gia tăng mức chênh lệch lãi suất giữa hai ngân hàng trung ương chủ chốt trên thế giới.
Đồng euro đã giảm từ mức đổi được 1,1800 USD/euro xuống còn 1,1580 USD/euro tại châu Á hôm 14/6. Trong phiên ngày 15/6, đồng tiền này tiếp tục giảm sâu hơn, hướng tới mức thấp của một năm. Một euro chỉ còn đổi được 1,1574 USD so với mức 1,1580 USD/euro trong phiên trước đó./.