Trong phiên giao dịch ngày 4/8, tại thị trường châu Á, đồng euro phục hồi nhẹ so với cả đồng USD và đồng yen, sau khi sụt giảm trong phiên trước tại thị trường Mỹ do đà lao dốc của chứng khoán Hy Lạp trong phiên giao dịch trở lại đầu tiên sau 5 tuần đóng cửa.
Kết thúc phiên này, tại thị trường Tokyo, đồng tiền chung châu Âu được giao dịch ở mức 1,0966 USD/euro và 135,95 yen/euro, tăng so với các mức 1,0954 USD/euro và 135,82 yen/USD ghi nhận trong phiên giao dịch đêm trước (ngày 3/8) tại thị trường New York.
Trong khi đó, đồng bạc xanh đã để tuột mất đà tăng ở đầu phiên so với đồng nội tệ Nhật Bản và đứng ở mức 123,98 yen/USD, do các số liệu đáng thất vọng mới nhất về hoạt động chế tạo của Mỹ và Trung Quốc - hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Ngoài ra, việc giới đầu tư thận trọng trước báo cáo việc làm tháng Bảy vừa qua của Mỹ, dự kiến sẽ được Bộ Lao động Mỹ công bố vào cuối tuần này, cũng tạo sức ép lên đồng USD.
Trong khi đó, đà tăng của đồng euro trong phiên này cũng khá mong manh, giữa bối cảnh tâm lý lo ngại về những bất ổn kinh tế của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) vẫn chưa lắng dịu.
Hãng xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor’s (S&P) vừa điều chỉnh hạ triển vọng tín nhiệm của Liên minh châu Âu (EU) từ “ổn định” xuống mức “tiêu cực” sau khi EU hậu thuẫn gói cứu trợ tài chính thứ ba trị giá 86 tỷ euro (khoảng 94 tỷ USD) dành cho Hy Lạp.
Bên cạnh đó, việc Vương quốc Anh quyết định tổ chức trưng cầu dân ý về tư cách thành viên của xứ sở sương mù trong EU cũng khiến S&P lưu ý khi đánh giá về tương lai của khối này.
Cũng trong phiên giao dịch chiều ngày 4/8, đồng USD đi lên so với hầu hết các đồng tiền của khu vực châu Á-Thái Bình Dương như đồng rupee của Ấn Độ, đồng SGD của Singapore, đồng won của Hàn Quốc, đồng TWD của Vùng lãnh thổ Đài Loan, đồng baht của Thái Lan và đồng peso của Philippines.
Tuy nhiên, đồng nội tệ Mỹ lại lùi bước trước đồng rupiah của Indonesia./.