Trong phiên ngày 24/6, tại châu Á, đồng euro giữ giá so với đồng USD bất chấp số liệu mới cho thấy sự phục hồi của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) còn khá bấp bênh.
Tại Tokyo, đồng tiền chung châu Âu này đổi được 1,3594 USD so với mức 1,3601 USD tại New York chiều qua, nhưng giảm so với đồng yen, từ mức 138,65 yen xuống 138,49 yen. Trong khi đồng USD đổi 101,91 yen so với mức 101,94 yen.
Daisuke Karakama, chuyên gia kinh tế thuộc Mizuho Bank, cho biết đồng euro không giảm giá mà có thể giữ ở mức cao so với đồng USD và đồng yen trong tuần này.
Ông Karakama nói thêm: “Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể sẽ nỗ lực hết sức để ổn định đồng euro ở mức thấp và cân nhắc việc sử dụng những biện pháp nới lỏng bổ sung theo đồn đoán của thị trường.”
ECB đã cắt giảm ba loại lãi suất chủ chốt trong tháng này, khi người đứng đầu ECB, ông Mario Draghi, tiết lộ ngân hàng này cũng để ngỏ khả năng triển khai thêm các chương trình mua tài sản (nới lỏng định lượng), “noi gương” Mỹ và Nhật Bản.
Trong khi đó, Markit Economics cho biết Chỉ số quản lý sức mua (PMI) tại Eurozone trong tháng Sáu đã giảm xuống 52,8 so với mức 53,5 trong tháng Năm, và là mức yếu nhất kể từ tháng 12/2013.
Trong phiên giao dịch cùng ngày, đồng USD giao dịch trái chiều so với các đồng nội tệ khác của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Đồng bạc xanh tăng giá so với đồng đôla Singapore (SGD), đồng rupiah Indonesia và đồng peso Philippines, trong khi xuống giá so với đồng won Hàn Quốc và đồng rupee Ấn Độ, song không đổi so với đồng baht Thái.
Đồng đôla Australia (AUD) giảm 94,24 xu Mỹ, so với 94,39 xu, trong khi đồng NDT giao dịch ở mức 16,33 yen, so với 16,37 yen./.