Theo số liệu chính thức công bố ngày 1/9, giá tiêu dùng tại Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã giảm mạnh trong tháng Tám, với lạm phát lần đầu tiên xuống mức âm kể từ tháng 5/2016.
Cơ quan thống kê Eurostat thuộc Liên minh châu Âu (EU) cho biết lạm phát tại Eurozone trong tháng Tám đã rơi xuống mức âm 0,2%, giảm sâu so với mức 0,4% trong tháng Bảy và cách khá xa mục tiêu chính thức đặt ra là gần 2%.
Nguyên nhân là do nhu cầu tiêu dùng giảm sút mạnh do tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
[Niềm tin nhà đầu tư tại Eurozone cải thiện trong tháng 8]
Giới phân tích cho rằng số liệu trên sẽ đặt Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đứng trước nhiều thách thức trong việc cứu trợ nền kinh tế, cũng như gây thêm áp lực đối với các nước trong việc tăng chi tiêu công nhằm khôi phục nhu cầu và hồi phục nền kinh tế.
Trong khi đó, đồng euro đầu phiên giao dịch ngày 1/9 đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 5/2018 so với đồng USD, tiến sát mốc 1 euro đổi được 1,20 USD.
Như vậy, đồng euro đang tiếp tục đà tăng giá trong vài tháng qua, song lại có xu hướng yếu hơn so với một số loại tiền tệ khác, như đồng dollar Australia (AUD), đồng krone của Na Uy hay đồng bảng Anh.
Trên thực tế, điều này cũng nằm trong xu hướng suy yếu của đồng USD.
Chỉ số đồng USD - phản ánh giá trị của đồng tiền Mỹ so với rổ tiền tệ chính - hiện đang giảm nhanh chóng.
Tháng Ba vừa qua, chỉ số này là 102,755, nhưng ở thời điểm hiện tại chỉ còn 91,808. Đây không chỉ là mức thấp nhất trong 2 năm rưỡi qua mà giá trị của đồng USD còn thấp hơn nhiều so với mức trung bình 50 năm qua là 98,7./.