Đánh giá vai trò của dự án cấp điện từ hệ thống điện quốc gia cho huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) bằng cáp ngầm, Bí thư huyện ủy Lý Sơn, ông Nguyễn Thanh khẳng định đây không chỉ là động lực quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế của huyện đảo mà còn giúp Lý Sơn có thêm cơ hội phát huy tiềm năng du lịch, thực hiện thắng lợi Chiến lược Biển Việt Nam và thực hiện thành công mục tiêu của Chính phủ về Quy hoạch phát triển kinh tế đảo Việt Nam
Mong muốn đó không chỉ đối với người đứng đầu huyện đảo mà còn là niềm mong mỏi của người dân huyện đảo.
Suốt từ hôm 15/9 (thời điểm người dân Lý Sơn bắt đầu được sử dụng điện lưới quốc gia từ dự án 24/24 giờ) đến nay, từ người bán hàng tạp hóa, anh xe ôm đến hộ dân trồng hành, ai ai cũng trong niềm vui bất tận. Nhiều hộ dân đã rục rịch mua sắm thêm các trang thiết bị điện dùng trong sinh hoạt gia đình như điều hòa, tủ lạnh, máy giặt.
Tại Trung tâm điện máy Việt Cường, chi nhánh Lý Sơn mặc dù đến ngày 25/9 mới khai trương, nhưng trước đó ba ngày đã nhộn nhịp người đến tham quan.
Đại diện Trung tâm cho biết, đã có hơn chục nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ đặt mua hơn trăm chiếc điều hòa tại đây. Riêng chiều ngày 23/9, đã có 7 chiếc tủ lạnh có chủ và con số này sẽ còn tăng lên trong những ngày tới vì nhu cầu sử dụng là có thực (trước đây chưa có điện lưới 24/24 giờ thì ít ai dám dùng vì nguồn điện không ổn định).
Không những thế, người dân nơi đây còn nhiều dự định phát triển kinh doanh trong thời gian tới. Và gia đình anh Nguyễn Văn Thành, kinh doanh nhà nghỉ Thành Lợi ở thôn Tây, xã An Vĩnh cũng không nằm ngoài con số này.
Anh Thành là thế hệ thứ 5 trong gia đình sinh ra và lớn lên trên đảo Lý Sơn. Đón trước thông tin ngành điện sẽ đưa điện lưới quốc gia ra đảo bằng cáp ngầm, anh đã xây nhà nghỉ ba tầng gồm 7 phòng và đưa vào hoạt động từ tháng Ba năm nay.
Anh cho biết mới lắp thêm ba điều hòa hiệu LG công suất 9.000BTU cho ba phòng, nên giá phòng đã được cộng thêm 100.000đ/phòng so với trước là 300.000đ/phòng.
Anh Thành cũng đang dự định lắp thêm điều hòa các phòng còn lại, sắm thêm tivi, bình nóng lạnh cho các phòng nghỉ và đầu tư một nhà hàng nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch vào thời gian tới.
“Nếu trước thời điểm 15/9, ngoài mỗi ngày chỉ được sử dụng 6 tiếng dùng điện của Nhà nước từ nguồn điện tại chỗ, bình quân gia đình tôi phải bỏ ra 120.000đ/ngày mua dầu chạy máy phát điện, tổng chi phí khoảng 4 triệu đồng/tháng. Hiện nay, tôi giảm được mỗi tháng 3,6 triệu đồng tiền mua dầu. Chỉ phải trả cho Điện lực Lý Sơn tiền điện hàng tháng bình quân khoảng 400.000 đồng (2.300đ/kWh). Nếu sử dụng thêm điều hòa chắc chi phí tiền điện sẽ tăng lên nhưng cũng không thể nào bằng như trước đây,” anh Thành cho biết.
Vào thời điểm trước 1/6/2014, khi các huyện đảo chưa được hưởng giá điện như giá đất liền thì mỗi tháng gia đình anh Thành phải chi khoảng 2,7 triệu đồng mua điện với giá kinh doanh theo biểu giá do Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi quy định (11.500đ/kWh)
“Chúng tôi phải cảm ơn Đảng, Chính phủ và các ban ngành đã cho chúng tôi thỏa cơn "khát" điện,” anh Thành phấn khởi.
Giám đốc Điện lực Lý Sơn, người đã 12 năm gắn bó với đảo, ông Lê Thanh Tùng, chia sẻ, trước khi có điện lưới quốc gia, mặc dù được tỉnh và ngành điện quan tâm đầu tư nguồn điện bằng 8 tổ máy phát điện tại chỗ nhưng cũng chỉ cung cấp 6 giờ/ngày (từ 17-23 giờ), chủ yếu phục vụ ánh sáng sinh hoạt, còn điện phục vụ các nhu cầu phát triển sản xuất, du lịch, an ninh quốc phòng trên đảo rất hạn chế.
Với nguồn điện như vậy, rất khó để Lý Sơn phát huy tối đa tiềm năng sẵn có và cũng rất khó để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế biển đảo.
Huyện đảo Lý Sơn cách đất liền 15 hải lý, nằm trên một trong những tuyến đường biển lớn nhất vươn ra Biển Đông từ cảng Dung Quất của khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung, có tiềm năng rất lớn về đánh bắt, dịch vụ hải sản, du lịch và trồng trọt với hơn 2,2 vạn dân đang sinh sống.
Dự án cấp điện cho Lý Sơn từ hệ thống điện quốc gia bằng cáp ngầm xuyên biển 22kV được Chính phủ đánh giá là dự án đảm bảo nguồn điện ổn định lâu dài và khả thi nhất.
Ông Nguyễn Thành, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC), đơn vị chủ đầu tư dự án cho hay, dự án có tổng mức đầu tư 678,7 tỷ đồng, bao gồm xây dựng gần 8.800 mét đường dây 22kV trên không thuộc địa phận huyện Bình Sơn, hơn 26.200 mét cáp ngầm 22kV xuyên biển.
Quy mô bổ sung trên đảo 7,4km đường dây 22kV; 8,5km đường dây hạ thế và 15 trạm biến áp (TBA) phụ tải, nâng tổng số trạm trên đảo hiện có là 23 trạm, đã hoàn thành nghiệm thu từ tháng 6/2014, trước khi đóng điện.
Theo ông Nguyễn Thành, khó khăn lớn nhất của dự án vẫn là quá trình rải cáp do chỗ sâu nhất của biển Lý Sơn là 93m, trong khi Cô Tô và Phú Quốc sâu nhất là 50m. Trong khi đó, thời tiết miền Trung không cho phép kéo dài thời gian thi công do phải tránh bão và mùa gió chướng.
Dân Lý Sơn có truyền thống lặn biển tốt cũng được thuê để lặn biển và giám sát khi rải cáp dưới lòng biển. Do vậy, sau hơn 300 giờ nhà thầu và tư vấn giám sát làm việc liên tục, kể cả ngày lễ, đến ngày 8/9 cáp đã kéo vào bờ, đủ điều kiện đóng điện kỹ thuật nào ngày 15/9 và khánh thành dự án vào ngày 28/9 tới.
“Với tổng công suất đặt là 8.850KVA, sẽ đủ cho phụ tải của đảo Lý Sơn sử dụng trong 5 năm tới, bởi hiện còn 9 TBA chưa mang tải do người dân chưa sử dụng,” ông Nguyễn Thành khẳng định.
Toàn bộ hệ thống lưới điện phân phối trên đảo đã được quản lý trên bản đồ số và được đầu tư lắp đặt toàn bộ côngtơ điện tử thông minh với công nghệ đọc chỉ số từ xa (RF-Spider).
Công nghệ này cung cấp cho khách hàng sử dụng điện một công cụ khách quan trong việc tự giám sát, tra cứu sản lượng điện sử dụng của chính mình qua Internet qua trang web lyson.cpc.vn.
Giám đốc Điện lực Lý Sơn cho biết, đầu năm 2014, ngay khi EVNCPC chuẩn bị dự án cáp ngầm đưa điện ra đảo Lý Sơn, Điện lực đã tập trung nhân lực sửa chữa lưới điện trong huyện, thay thế các thiết bị hư hỏng, xung yếu trên đường dây để đảm bảo vận hành đảm bảo kỹ thuật an toàn. Bởi thực tế kể từ khi dự án đóng điện đến nay, nhu cầu sử dụng điện ở Lý Sơn tăng so với phát 6 giờ/ngày là 2,5 lần. Tuy nhiên, sản lượng điện bình quân hiện nay mới ở mức khoảng 20.000kWh/ngày, công suất cấp điện chỉ từ 1,4-1,5MW so với công suất cáp ngầm là 20MW.
Nhớ lại thời gian trước, Bí thư huyện ủy Lý Sơn Nguyễn Thanh chia sẻ: “Lâu nay huyện đảo chỉ dùng nguồn điện với thời gian hạn chế trong 6 tiếng nên sinh hoạt của người dân khó khăn và huyện khó có điều kiện phát triển kinh tế. Nay, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, dự án cáp ngầm được triển khai nhanh chóng và hoàn thành có ý nghĩa trọng đại, đáp ứng được niềm mong ước lâu đời của nhân dân huyện đảo.”
Người đứng đầu cấp ủy Đảng huyện đảo Lý Sơn khẳng định, có điện 24/24 giờ và nguồn điện ổn định, huyện sẽ tập trung phát triển kinh tế-xã hội theo định hướng: phát triển kinh tế biển và chế biến, tập trung vào hậu cần nghề cá; phát triển du lịch.
Đời sống nhân dân thời gian tới đã có hướng phát triển nhờ bắt đầu mua sắm các trang thiết bị điện tăng lên hàng ngày.
“Hiện cơ sở hạ tầng du lịch ở đây hầu như chưa có. Thời gian qua cũng có nhiều nhà đầu tư đến với huyện đảo nhưng do chưa có nguồn điện ổn định nên họ còn e ngại. Vì vậy, thời gian tới để Lý Sơn là điểm đến của khách du lịch trong nước, huyện sẽ tập trung thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng như nhà nghỉ, khách sạn. Các cơ sở khách sạn, nhà hàng của các doanh nghiệp tư nhân được khuyến khích phát triển bằng hình thức du lịch tại gia. Với 5 di tích được công nhận cấp quốc gia là chùa Hang, Âm Linh tự, đình làng An Hải, đình làng An Vĩnh, Lễ khao lề Thế lính Hoàng Sa và 6 di tích lịch sử được công nhận cấp tỉnh, Lý Sơn còn phát triển cả du lịch tâm linh,” ông Thanh bày tỏ.
Trong sáu tháng đầu năm nay đã có khoảng 13.000 khách du lịch đến huyện đảo, trong khi cả năm 2013 là khoảng 18.000 khách.
Ông Nguyễn Thanh cũng cho biết Trung ương đã cho huyện xây dựng bến neo đậu tàu thuyền tại xã An Hải và cụm tiểu thủ công nghiệp để phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá như nguyên liệu, đá lạnh, thu mua chế biến hải sản.
Trong phát triển kinh tế-xã hội, vấn đề môi trường còn được huyện xác định đây là nội dung quan trọng nên tăng cường tuyên truyền nhận thức cho người dân giữ gìn môi trường biển, tự phân loại rác thải; đồng thời, xây dựng nhà máy xử lý rác thải; xây các nhà vệ sinh công cộng ở các điểm du lịch.
Chín tháng qua, tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế của huyện đạt khoảng 582 tỷ đồng, tăng 18,26% so với cùng kỳ năm trước và đạt 76,87% kế hoạch năm. Hiện cơ cấu kinh tế của huyện gồm: 40% là thủy sản, 30% là nông nghiệp (trồng hành, tỏi), 20% là dịch vụ, còn lại là công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Thu nhập bình quân đạt 15 triệu đồng/người/năm.
Một ngày không xa, khoảng 700 hộ dân còn lại trên huyện đảo Lý Sơn sẽ được sử dụng điện lưới quốc gia và tiêu chí đến năm 2020, toàn bộ 100% dân cư sống trên các huyện đảo, xã đảo được sử dụng điện theo Nghị quyết của Chính phủ cũng sẽ trở thành hiện thực.
Riêng với Lý Sơn vẫn được xác định xây dựng thành những pháo đài tiền tiêu để bảo vệ các vùng biển, đảo, đồng thời kết hợp phát triển kinh tế; trong đó dự án cấp điện là lĩnh vực quan trọng hàng đầu để phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh trên đảo./.