Động đất tại Myanmar: Hai sân bay chuẩn bị nối lại hoạt động

Sân bay quốc tế Mandalay sẽ mở cửa trở lại vào lúc 6 giờ sáng (giờ địa phương) ngày 4/ 4, trong khi Sân bay quốc tế Nay Pyi Taw sẽ nối lại hoạt động cũng vào lúc 6 giờ sáng (giờ địa phương) ngày 5/4.

Hai sân bay quốc tế ở Myanmar chuẩn bị nối lại hoạt động. (Nguồn: Lokmattimes)
Hai sân bay quốc tế ở Myanmar chuẩn bị nối lại hoạt động. (Nguồn: Lokmattimes)

Đài phát thanh và truyền hình Myanmar ngày 3/4 đưa tin, Sân bay quốc tế Nay Pyi Taw và Sân bay quốc tế Mandalay của Myanmar, vốn bị hư hại và phải tạm dừng khai thác chuyến bay do trận động đất lớn hôm 28/3, đang thực hiện các công tác phục hồi để chuẩn bị nối lại các dịch vụ hàng không nội địa.

Theo Cục Hàng không Dân dụng Myanmar, Sân bay quốc tế Mandalay sẽ mở cửa trở lại vào lúc 6 giờ sáng (giờ địa phương) ngày 4/ 4, trong khi Sân bay quốc tế Nay Pyi Taw sẽ nối lại hoạt động cũng vào lúc 6 giờ sáng (giờ địa phương) ngày 5/4.

Gần một tuần đã trôi qua, song những hậu quả của trận động đất kinh hoàng vẫn còn tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của hàng triệu người dân Myanmar.

Số người thiệt mạng đã vượt quá 3.000, trong khi hơn 4.700 người bị thương và 341 người vẫn còn mất tích.

Trận động đất có độ lớn 7,7 đã tàn phá một khu vực rộng lớn, với 28 triệu người sinh sống, làm đổ sập các tòa nhà, phá hủy cơ sở hạ tầng và khiến hàng nghìn người mất nhà cửa, thiếu thốn thức ăn, nước uống và nơi trú ẩn.

Trong bối cảnh đó, các tổ chức cứu trợ toàn cầu đã cảnh báo về nguy cơ bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là bệnh tả và các bệnh truyền nhiễm khác, do điều kiện sống khắc nghiệt của những người sống sót trong các khu nhà tạm. Thời tiết nắng nóng và mưa lớn dự báo sẽ làm tình hình thêm tồi tệ.

Tại các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề như Mandalay, Sagaing và thủ đô Nay Pyi Taw, tình hình vệ sinh kém, thiếu nước sạch và các cơ sở y tế bị hư hại nghiêm trọng khiến việc kiểm soát dịch bệnh trở nên khó khăn hơn.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chuẩn bị 1 triệu USD để hỗ trợ cứu trợ, bao gồm các vật dụng y tế thiết yếu và thuốc men.

Bà Elena Vuolo, Phó Giám đốc WHO tại Myanmar cho biết, cảnh báo về bệnh tả đã được đưa ra, nhất là sau một đợt bùng phát bệnh tả ở Mandalay vào năm ngoái.

Bà cho biết thêm rằng nguy cơ này trở nên tồi tệ hơn do một nửa số các cơ sở chăm sóc sức khỏe ở những khu vực xảy ra động đất đã bị tàn phá.

Bà Vuolo nhấn mạnh các bệnh ngoài da, sốt rét và sốt xuất huyết cũng đang là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe cộng đồng.

Điều kiện sinh sống của những người sống sót rất khó khăn, khi nhiều người vẫn phải cắm trại ngoài trời trong nhiệt độ cao lên tới 38°C do không dám quay về nhà, trong khi các bệnh viện đã phải dựng các cơ sở tạm thời.

Đặc biệt, mưa trái mùa được dự báo từ cuối tuần trước đến ngày 11/4 có thể làm trầm trọng thêm tình hình, khiến Liên hợp quốc lo ngại về sự bùng phát của bệnh lây truyền qua đường nước.

Các tổ chức quốc tế và nhiều quốc gia đang nỗ lực cung cấp viện trợ nhân đạo, trong khi chính phủ Myanmar tiếp tục đối mặt với các áp lực duy trì sự ổn định và phục hồi đất nước sau thảm họa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Bình luận

Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Tin cùng chuyên mục

Các nghệ nhân trình diễn đổ chiếc bánh xèo khổng lồ có 100 con tôm hùm trong khuôn khổ Lễ hội. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)

Bảo tồn và phát huy giá trị bánh dân gian Nam Bộ

Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ 2025 quy tụ nhiều nghệ nhân từ khắp mọi miền đất nước với quy mô hơn 230 gian hàng gồm không gian bánh dân gian, không gian đặc sản vùng miền, không gian ẩm thực.

Một con đường ở thủ đô Tokyo có tới 3 hàng cây anh đào Shomei Yoshino tỏa sáng. (Ảnh: Nguyễn Tuyến/Vietnam+)

Hoa anh đào Shomei Yoshino mãn khai tại Nhật Bản

Bước vào những ngày đầu tháng Tư, trong ánh nắng rực rỡ, nhiều vùng ở Nhật Bản được phủ một sắc trắng hồng nổi bật trên nền trời xanh. Mùa hoa anh đào của Nhật Bản đang bước vào thời kỳ đẹp nhất.