Động đất, sóng thần ở Indonesia: Trung Sulawesi bước vào tái thiết

Chính phủ Indonesia quyết định sẽ dừng tìm kiếm các nạn nhân từ ngày 11/10, sau đó, khu vực này sẽ tập trung vào quá trình phục hồi, tái thiết.
Tìm kiếm nạn nhân dưới những đống đổ nát sau trận động đất ở Palu, tỉnh Trung Sulawesi ngày 1/10 vừa qua. (Ảnh: THX/TTXVN)

Chính phủ Indonesia quyết định sẽ dừng tìm kiếm các nạn nhân từ ngày 11/10, sau đó, khu vực này sẽ tập trung vào quá trình phục hồi, tái thiết.

Theo quy định, Cơ quan tìm kiếm cứu nạn quốc gia (Basarnas) chỉ thực hiện chiến dịch tìm kiếm nạn nhân trong 7 ngày, tuy nhiên, do ảnh hưởng nặng nề của các trận động đất, sóng thần vừa qua, chiến dịch này đã kéo dài 14 ngày.

Theo phóng viên TTXVN tại Indonesia, Trưởng bộ phận Dữ liệu, Thông tin và Quan hệ công chúng thuộc Cơ quan quản lý thiên tai quốc gia (BNBP) Sutopo Purwo Nugroho, cho biết tính đến 13 giờ ngày 9/10, số người thiệt mạng trong các trận động đất, sóng thần ở Trung Sulawesi lên tới 2.010, trong khi số người bị thương là 10.679.

Hiện vẫn còn 671 người mất tích trong các đống đổ nát, 67.310 nhà cửa bị hư hại và 82.775 người phải rời bỏ nhà cửa đi sơ tán.

Ông Sutopo nhấn mạnh việc ngừng tìm kiếm nạn nhân không có nghĩa là dừng các hoạt động cứu trợ mà lực lượng chức năng Indonesia xác định chuyển sang tập trung cho giai đoạn tiếp tục sơ tán, ổn định nơi ở, chăm sóc, chữa trị cho những người bị thương, đồng thời phục vụ những người sống sót.

[10.000 nhân viên cứu hộ đẩy nhanh tìm kiếm nạn nhân động đất sóng thần]

Sau những nỗ lực triển khai các hoạt động cứu trợ khẩn cấp, điều kiện xã hội ở Trung Sulawesi đã có sự cải thiện. Hệ thống điện đã khôi phục được 90%, mạng viễn thông hầu như đã phục hồi hoàn toàn.

Tổng cộng 27 trạm xăng đã được vận hành. Các kho dự trữ tại Donggalan và Palu vẫn còn đủ. Nguồn nhiên liệu được cung cấp thông qua Donggala mỗi ngày đã đảm bảo đủ nhu cầu của khu vực Palu.

Tuy nhiên, tình hình nước sạch hiện vẫn còn nhiều hạn chế vì hệ thống nước sạch hầu hết ngầm dưới đất. Hiện nay nước sạch chỉ được cung cấp thông qua xe bồn. Palu đã thiết lập được 30 vòi nước công cộng và trong vài ngày tới sẽ có thêm gần 20 vòi nước được bổ sung.

Về dịch vụ y tế, hiện khu vực này đã có 14 bệnh viện hoạt động. Ngoài ra, còn có 1 bệnh viện nổi và 1 bệnh viện dã chiến cũng được mở ở cảng Pantoloan. Nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế đã cử lực lượng chuyên gia đối phó thảm họa và bác sỹ cùng nhiều hàng hóa viện trợ cho Indonesia.

Trong khi đó, để quản lý và phân phối hiệu quả nguồn viện trợ, một tài khoản đặc biệt đã được mở tại BNPB. Ngoài ra, còn có tài khoản của Hội Chữ thập Đỏ để tiếp nhận những viện trợ từ các tổ chức phi chính phủ và các cá nhân.

Giới chức BNPB khẳng định nguồn viện trợ từ nước ngoài không chỉ dành cho trường hợp khẩn cấp, mà còn phục vụ công tác phục hồi và tái thiết.

Trung Sulawesi sẽ bắt đầu chuyển từ tình trạng ứng phó khẩn cấp để bước vào giai đoạn phục hồi và tái thiết với sự tham gia của nhiều cơ quan, bộ, ngành, trong đó BNPB được giao nhiệm vụ tập hợp tính toán các nhu cầu và lập kế hoạch cho các bước tái thiết. Dự kiến sẽ phải mất 2 năm để thực hiện các kế hoạch này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục