“Lãnh đạo cơ quan (Thông tấn xã Việt Nam) cần 2 phóng viên nam tới Thổ Nhĩ Kỳ” - một thông tin đặc biệt khi chúng tôi vừa mới tỉnh giấc.
Gọi là đặc biệt bởi đó là sự may mắn đối với chúng tôi khi có cơ duyên được trải nghiệm cái nghề "phóng viên chiến trường," nhưng kèm theo đó là chút lo lắng bởi ai cũng hiểu những gì đang diễn ra tại miền đất đang chứng kiến thảm kịch bi thương chưa từng có trong suốt 100 năm qua.
Và câu trả lời chung đó là “sẵn sàng” để đón nhận những trải nghiệm chắc khó có thể có với cái nghề này, để rồi chúng tôi đã có những kỷ niệm khó phai mờ trong suốt những ngày sau đó, được chứng kiến, được cảm nhận, và được tác nghiệp tại những thành phố, khu vực, nơi được ví như “thành phố ma” - không bóng người, chỉ còn trong đổ nát và để thấu hiểu nỗi sợ hãi của người dân nơi đây đã trải qua, nỗi buồn sâu thẳm của họ khi phải mất đi những người thân yêu nhất.
Trắc trở đầu tiên đến với chúng tôi ngay tại trên đất Italy chứ không phải nơi chúng tôi đang đến, khi mà nhân viên an ninh sân bay đòi hỏi visa vào Thổ Nhĩ Kỳ thật vô lý. Chút lo lắng bởi nếu phải tạm hoãn, không biết kế hoạch được đến để truyền tải những thông tin, hình ảnh sát thực nhất tại nơi xảy ra thảm kịch lịch sử này sẽ như thế nào, hay để thấy được hình ảnh những người lính cứu hộ cứu nạn-những chiến sỹ công an, quân đội nhân dân Việt Nam đã nỗ lực, đã cố gắng, cùng quyết tâm vượt qua những khó khăn, trở ngại để hỗ trợ, tìm kiếm những người dân thiếu may mắn còn vùi lấp trong đống đổ nát.
Tuy nhiên, phải chẳng là sự thấu hiểu, sau một hồi trình bày, lý giải, chúng tôi đã nhận được nụ cười cùng một lời chúc tốt đẹp nhất mà người Italy vẫn dành cho nhau “bocca al lupo” (chúc may mắn) khi biết chúng tôi tới Adana, Thổ Nhĩ Kỳ, để truyền tải những thông điệp nhân văn từ hoạt động hỗ trợ tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn tại những thành phố, khu vực vừa hứng chịu thảm kịch bi thương do thiên nhiên gây ra.
Điểm dừng chân đầu tiên chúng tôi tới là Istanbul và Adana, nơi còn cách xa tâm chấn vài trăm km, cuộc sống diễn ra một cách lặng lẽ, u ám bởi một nỗi buồn không thể nói thành lời. Truyền hình địa phương cập nhật liên tục 24/24h về hoạt động tìm kiếm hy vọng, mỗi một dòng tin, hình ảnh… xác nhận cứu thêm được nạn nhân hay tìm thấy những nạn nhân thiếu may mắn bị vùi lấp trong đống đổ nát là một niềm hạnh phúc không thể diễn tả với mỗi người dân nơi đây.
Trong thời điểm đầy bi thương nhưng ẩn chứa những bất ổn không lường trước, phải những ai được cấp phép mới được tiếp cận những khu vực hứng chịu thảm kịch động đất như tỉnh Hatay, một trong những nơi hứng chịu hậu quả nặng nề nhất, nơi chúng tôi sẽ đến. Chúng tôi phải cần đến sự hỗ trợ không thể thiếu từ Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ, những cán bộ Đại sứ quán không quản ngại trong công tác bảo hộ công dân và đồng hành cùng 2 đoàn Việt Nam, để có thể tìm thấy sự tin tưởng, cũng như đảm bảo an toàn.
Trước khi đến vùng đất tan hoang và đổ nát, chúng tôi có buổi trò chuyện với Đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ, người mà anh em chúng tôi vẫn quen gọi là “Thầy Hải," để nghe kể những câu chuyện đậm tình người, cùng những lời căn dặn trước khi tới những nơi mà còn rất nhiều người dân thiếu may mắn đang nằm dưới đống đổ nát nhưng cũng đầy lo ngại bất ổn.
“Thầy Hải” dặn dò chúng tôi “các em cố gắng đi 10 về 10, không thì 11," bởi những dư chấn vẫn còn đấy và có thể đe dọa đến sự an toàn của đoàn.
Hoạt động tác nghiệp cũng bắt đầu khởi động, những cảm nhận, cảm xúc bắt đầu ùa tới. Chúng tôi đến Antakya, thủ phủ tỉnh Hatay, nơi mà đoàn cứu hộ cứu nạn của Bộ Quốc phòng đang triển khai nhiệm vụ. Đây cũng là một trong những thành phố hứng chịu bi thương nhất và được ví như “thành phố ma." Nơi đây, người dân may mắn đã được sơ tán và tạm thời lưu trú trong các lán trại, hoặc trong các nhà ở do chính quyền địa phương bố trí ở những nơi không bị ảnh hưởng động đất, nhưng không biết khi nào họ mới có thể trở về ngôi nhà của mình. Những người dân thiếu may mắn họ chỉ biết tin vào chính phủ sẽ nhanh chóng tái thiết và chỉ biết ngẩng mặt lên và cầu thánh Allah.
Dọc theo những con đường, những ngõ ngách, toàn thành phố chỉ còn lại đống đổ nát hoang tàn sau trận động đất, nơi đây chỉ còn lại lực lượng cảnh sát, quân đội, lực lượng cứu hộ quốc tế, trong đó có đoàn Việt Nam, đang nỗ lực tìm kiếm người mất tích trong hy vọng mong manh.
Được tận mắt chứng kiến, và qua nhưng lời kể, những câu chuyện đậm nhân văn từ thực tiễn của các thành viên trong đoàn, chúng tôi càng thấu hiểu hơn nỗi mất mát của người dân nơi đây.
[Đại tá Nguyễn Minh Khương: Kinh nghiệm vàng khi cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ]
Thượng tá Nguyễn Duy Minh, phụ trách đối ngoại của đoàn Bộ Quốc phòng, chia sẻ: “Mỗi người dân nơi đây hoàn toàn bất lực, biết người thân còn nằm dưới đống đổ nát, chỉ biết hy vọng. Một người cha mất 2 con và vợ, thấy đoàn cứu hộ Việt Nam ngang qua chợt bừng tỉnh. Nhưng than ôi, sau 4 giờ nỗ lực tìm thấy thi thể người mất tích lại không phải người thân mình, họ tiếp tục gục khóc."
Và rồi chúng tôi cũng chứng kiến cảnh mất mát người thân, một người chị hằng ngày túc trực để chờ có đoàn cứu nạn đi qua, thấy lực lượng tìm kiếm của Quân đội nhân dân Việt Nam đi qua, chỉ biết cầu mong đoàn tìm giúp thi thể người em. Nhưng mọi nỗ lực đều thất bại khi người em vẫn "bặt vô âm tín," chị chỉ biết khóc lặng, tìm lại những vật kỷ niệm của người em và chỉ biết ngẩng mặt lên và cầu Thánh Allah.
Những nỗi buồn của người dân Hatay luôn đồng hành cùng quyết tâm, nỗ lực của đoàn cứu hộ cứu nạn Bộ Quốc phòng bất chấp thời khắc khó khăn, điều kiện vô cùng khắc nghiệt. Đoàn tới Hatay trong muôn vàn khó khăn, đêm đầu tiên là cảnh “màn trời, chiếu đất” trong tiết trời -2 độ C.
Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ-Cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam), Trưởng đoàn chia sẻ: “Đêm đầu tiên tại Hatay nhận được hàng nhưng không nhận được lều trại. Anh em màn trời chiếu bê tông." Tướng Phạm Văn Tỵ vui vẻ nói: “Chưa có bao giờ đẹp như đêm qua. Nhưng tìm được người dân Thổ Nhĩ Kỳ mắc nạn như thấy người thân của mình. Trong điều kiện khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần, chúng ta lại càng phải nỗ lực, khát khao tìm được nạn nhân trong điều kiện khắc nghiệt như này."
Thực sự hành động của Việt Nam không chỉ lay động đến trực tiếp người dân Hatay mà cả chính quyền sở tại và quốc tế. Gặp gỡ và trao đổi với đoàn trong đêm 15/2, Thượng tá Nguyễn Duy Minh, cho biết đại diện phía Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ của Việt Nam, đây là sự động viên rất lớn và nghĩa cử của Việt Nam thể hiện tinh thần đoàn kết cao.
Hành trình thành công của lực lượng cứu hộ, cứu nạn Việt Nam không thể không nhắc đến "những chiến sỹ áo trắng," những người không chỉ ở tuyến sau chăm lo sức khoẻ cho các chiến sỹ đang phải ngày đêm hoạt động trong điều kiện khắc nghiệt, mà họ cũng là một lực lượng không thể thiếu trong công tác hỗ trợ phía bạn hay những đoàn cứu hộ cứu nạn của các nước tới giúp đỡ người dân Thổ Nhĩ Kỳ. Cùng với đó là những anh nuôi, không quản thức đêm dậy sớm lo đảm bảo bữa cơm cho chiến sỹ. Rồi thành công ấy phải nhắc tới những chú chó nghiệp vụ, những người bạn trung thành, cùng những người lính công binh luôn ở tuyến đầu trong tìm kiếm những nạn nhân còn hy vọng sự sống, hay những người không may phải tạm biệt người thân mãi mãi.
Trải qua 10 ngày tại vùng đất này, được cảm nhận những trận động đất có độ lớn lên đến 6,4, nằm trong lán trại dưới tiết trời “âm độ C," chúng tôi mới thấu hiểu được nghị lực, quyết tâm và lòng thương cảm của 2 đoàn cứu hộ cứu nạn của Việt Nam tại vùng đất bi thương này. Cảm kích trước những hành động không quản ngại khó khăn của lực lượng cứu hộ, cứu nạn Việt Nam, người dân địa phương Thổ Nhĩ Kỳ luôn để tay phải lên ngực trái mỗi khi thấy lực lượng cứu hộ cứu nạn Việt Nam để thể hiện sự cảm động và biết ơn hành động cao quý của chúng ta.
Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi lời cảm ơn chân thành đến Việt Nam vì đã sát cánh với Thổ Nhĩ Kỳ trong thời điểm khó khăn, đồng thời đánh giá cao nỗ lực của chúng ta khi đến hiện trường và tiếp cận các vị trí cứu nạn, đưa không ít nạn nhân ra khỏi các đống đổ nát.
Hành động từ trái tim “Cứu người như chính người thân của mình," khẩu lệnh của Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Tổng chỉ huy lực lượng cứu hộ cứu nạn Quân đội nhân dân Việt Nam, như một nguồn động lực khích lệ anh em chiến sỹ không ngại khó khăn, vượt qua trở ngại, quyết tâm hoàn thành trọng trách mà Đảng và Nhà nước giao phó, hỗ trợ người dân nơi đây vượt qua thời khắc khó khăn, sớm trở lại cuộc sống bình thường vốn có. Và đó cũng là “của để dành” trong lúc khó khăn lại vun đắp những tình bạn mới, một hành động góp phần lan tỏa tinh thân Việt Nam.
Sứ mệnh lần này của Việt Nam khẳng định chúng ta có đủ năng lực, không chỉ đóng góp con người trên thực địa mà còn đóng góp vai trò quan trọng trong Liên hợp quốc. Điều này cũng khẳng định Quân đội Nhân dân Việt Nam không chỉ là đội quân chuyên nghiệp, mà còn đi vào lòng dân./.