Dòng chảy số: Khát vọng doanh nhân Việt và vai trò "dẫn dắt" của Đảng bộ

Hành trình chuyển đổi số ghi nhận những kết quả ban đầu song những khó khăn, thách thức vẫn còn đó, đòi hỏi sự kiên trì, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò dẫn dắt của các Đảng bộ.

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, đặt ra yêu cầu cấp bách cho doanh nghiệp Việt Nam phải chuyển đổi số để sinh tồn và phát triển. Đây cũng là nội dung quan trọng nêu tại Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới và Nghị quyết số 66/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 41.

Theo đó, vai trò lãnh đạo của Đảng bộ cơ sở trong doanh nghiệp có ý nghĩa quyết định, then chốt để các nghị quyết đi vào thực tiễn sản xuất kinh doanh, tạo bước chuyển mình thực chất cho các doanh nghiệp.

Đảng bộ cơ sở - Hạt nhân dẫn dắt chuyển đổi số

Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu khốc liệt, ứng dụng công nghệ số không còn là lựa chọn mà là con đường tất yếu. Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, ra đời ngày 10/10/2023, chính là lời hiệu triệu, khơi dậy khát vọng đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ dám làm của cộng đồng doanh nghiệp, từ những startup non trẻ đến những tập đoàn hùng mạnh. Nghị quyết thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, tạo bệ phóng cho doanh nghiệp Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên số, vươn lên tầm cao mới trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Một điểm nhấn quan trọng của Nghị quyết 41 và Nghị quyết số 66/NQ-CP (Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 41) là vai trò lãnh đạo của Đảng bộ cơ sở trong doanh nghiệp. Đây là lực lượng then chốt, trực tiếp "thổi hồn" cho Nghị quyết đi vào thực tiễn sản xuất kinh doanh.

Ông Nguyễn Đoàn Thăng, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, chia sẻ về kinh nghiệm 5 năm chuyển đổi số của doanh nghiệp: “Đây là chặng đường dài với nhiều cơ hội đan xen khó khăn, thử thách. Vì vậy, cách làm rất cần thiết là phải mạnh dạn dấn thân, thử nghiệm, bước đi từng bước cụ thể với tầm nhìn chiến lược cùng với kịp thời tổng kết thực tiễn và rút kinh nghiệm.”

Ông Thăng lạc quan cho biết Rạng Đông đặt mục tiêu đến 2030 trở thành doanh nghiệp tỷ USD, dẫn đầu chuỗi cung ứng Smart Home tại Việt Nam và vươn tầm khu vực. (Ảnh: Vietnam+)

Theo đó, ông Nguyễn Đoàn Thăng nhấn mạnh Rạng Đông dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, đã mạnh dạn "bước ra khỏi vòng an toàn," chuyển từ cạnh tranh nhờ quy mô sang cạnh tranh nhờ giá trị đồng thời ứng dụng công nghệ số để tối ưu hóa năng lực sản xuất, nâng cao chất lượng tăng trưởng.

Tinh thần tiên phong của Đảng bộ Rạng Đông được thể hiện rõ nét qua việc ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 52-NQ/TW về tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (27/9/2019), Đảng ủy công ty đã nhanh chóng xây dựng Chiến lược chuyển đổi số (phiên bản đầu tiên) vào ngày 5/10/2019. Ông Thăng khẳng định: "Tại công ty, Đảng ủy vẫn lãnh đạo toàn bộ, lãnh đạo tuyệt đối công tác cán bộ, chiến lược và kế hoạch sản xuất-kinh doanh, phân bổ lợi nhuận, thu nhập cho người lao động và đầu tư. Khi giải quyết các vấn đề, chúng tôi đưa ra Đảng ủy bàn và thảo luận dân chủ, nhưng khi đã chốt được nghị quyết, thì phải làm đúng và thực hiện kiểm điểm theo nghị quyết.”

Trên nền tảng đó, ông Thăng lạc quan cho biết Rạng Đông đặt mục tiêu đến 2030 trở thành doanh nghiệp tỷ USD, dẫn đầu chuỗi cung ứng Smart Home tại Việt Nam và vươn tầm khu vực. Kết quả 5 năm chuyển đổi số cho thấy tăng trưởng của công ty đạt mức 15%-20% (so với 8%-10% trước đó). Cùng với đó, chất lượng tăng trưởng được nâng cao nhờ tập trung vào cơ cấu sản phẩm, công nghệ, tích hợp IoT và AI. Mục tiêu doanh thu năm 2024 là 11 nghìn tỷ đồng, năm 2025 là 13,75 nghìn tỷ đồng và năm 2030 đạt 25 nghìn tỷ đồng.

Giải pháp Smart Farm chiếu sáng nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp chính xác. (Ảnh: Vietnam+)

Hành trình chuyển đổi số không dễ dàng với Rạng Đông khi phải đối mặt với bài toán giữ việc làm và ổn định đời sống cho 2.400 lao động. Giải pháp được đưa ra là "cơ giới hóa-tự động hóa trên nguyên tắc ‘nán đợi’ đội ngũ trưởng thành (từ đào tạo lại) và ‘tiếp máu’ bằng lực lượng trí thức trẻ."

Ông Thăng chia sẻ về những thách thức trong quá trình chuyển đổi số: “Đây là quá trình phá hủy để tái sinh.” Theo ông, đó là chuyển đổi tư duy, phương thức kinh doanh, đối mặt với áp lực cạnh tranh kép để xây dựng mô hình quản trị mới.

Với ông Nguyễn Đoàn Thăng, giữa “dòng chảy” cuồn cuộn của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Nghị quyết 41 đã như một “ngọn hải” đăng soi đường cho các Đảng bộ trong việc dẫn dắt doanh nghiệp vượt qua những thác ghềnh, chinh phục các thị trường mới. Ông nhấn mạnh không chỉ đơn thuần là những chỉ thị, Nghị quyết đã mang “hơi thở” của thời đại, thấu hiểu sâu sắc những trăn trở của doanh nghiệp trong thời kỳ chuyển đổi số đồng thời khẳng định vai trò tiên phong của Đảng trong việc kiến tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển bền vững.

Do đó, ông Nguyễn Đoàn Thăng cho rằng việc triển khai Nghị quyết 41 không chỉ dừng lại ở những khẩu hiệu mà phải đi sâu vào thực tiễn, cụ thể hóa bằng những hành động thiết thực; đặc biệt là việc nhấn mạnh vai trò của Đảng bộ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến, như trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây, Internet vạn vật IoT). Điều đó cho thấy tầm nhìn chiến lược, đón đầu xu hướng của Đảng. Và đây không chỉ là câu chuyện của riêng doanh nghiệp mà là sứ mệnh chung của cả hệ thống chính trị trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Hệ sinh thái số - Sức mạnh cộng hưởng

Ông Phạm Ngọc Sơn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Công nghệ cao và Dịch vụ phần mềm FaceNet, cũng nhấn mạnh vai trò của Đảng bộ trong việc thúc đẩy chuyển đổi số, đặc biệt là tính gương mẫu của đảng viên và lãnh đạo. Bên cạnh đó, ông Sơn chia sẻ FaceNet đang cung cấp giải pháp AI cho các hai ngân hàng, công ty sản xuất trong nước đồng thời xuất khẩu giải pháp công nghệ cho đối tác Đức trong lĩnh vực y tế, qua đây khẳng định tiềm năng của doanh nghiệp công nghệ Việt trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, ông Sơn cũng chỉ ra thực trạng doanh nghiệp công nghệ Việt còn non trẻ, cần đẩy mạnh hợp tác, xây dựng hệ sinh thái cộng sinh.

“Để những giải pháp công nghệ thuần Việt có cơ hội đưa ra thị trường, chúng ta cần tinh thần của doanh nghiệp dân tộc, vì sự phát triển của cộng đồng và người lao động,” ông Phạm Ngọc Sơn nói.

Thực trạng doanh nghiệp công nghệ Việt còn non trẻ, cần đẩy mạnh hợp tác, xây dựng hệ sinh thái cộng sinh. (Ảnh: Vietnam+)

Theo ông Sơn, hành trình chuyển đổi số không phải là con đường “trải đầy hoa hồng.” Những khó khăn, thách thức vẫn còn đó và đòi hỏi sự kiên trì, nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò dẫn dắt của các Đảng bộ tại các tập đoàn, doanh nghiệp lớn và cả các cấp quản lý Nhà nước. Bởi, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng hạ tầng công nghệ vững chắc, hoàn thiện khung pháp lý… cũng đang là những bài toán cần được giải quyết triệt để.

Ông Bùi Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Giải pháp Công nghệ Thông tin và Dịch vụ số, Tập đoàn Viettel, chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động của chi bộ cơ sở, nhấn mạnh tính quyết liệt, thẳng thắn trong thực hiện nghị quyết. Cụ thể, ông Tuấn cho biết chi bộ cơ sở đang công tác duy trì tổ chức họp định kỳ mỗi tháng một lần, chi ủy thì họp thường xuyên hàng tuần, thậm chí khi có những việc đột xuất là chi ủy đưa ra họp và bàn luôn. Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng nhấn mạnh mọi vấn đề có thể bàn luận dân chủ, nhưng khi đã đưa vào nghị quyết là phải hành động đến nơi đến chốn.

Về chuyển đổi số, ông Tuấn cũng đề cao sự hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao, để đảm bảo tính tự chủ, tránh phụ thuộc vào nước ngoài. Theo đó, các doanh nghiệp cần phấn đấu nội địa hóa từ 60%-70 % về phần cứng và 100% về phần mềm (liên quan đến các yếu tố an toàn và bảo mật).

Việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng hạ tầng công nghệ vững chắc, hoàn thiện khung pháp lý… cũng đang là những bài toán cần được giải quyết triệt để. (Ảnh: Vietnam+)

Báo cáo Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 của Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy doanh nghiệp Việt Nam đã nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số; trong đó mức độ sẵn sàng sẵn sàng chuyển đổi số cao nhất được thể hiện việc nghiệp đang tích cực, chủ động tìm hiểu, cập nhật, tiếp cận các xu hướng, giải pháp và sáng kiến công nghệ để ứng dụng vào hoạt động của doanh nghiệp.

Tuy nhiên vẫn còn hạn chế trong việc chuẩn hóa về quy trình, chính sách hoạt động, khả năng thu thập-lưu trữ-phân tích dữ liệu, kết nối hạ tầng, hệ thống công nghệ thông tin và nguồn lực đầu tư. Điều này dẫn tới mức độ sẵn sàng chuyển đổi của các khía cạnh chuỗi cung ứng và hệ thống công nghệ thông tin quản trị dữ liệu hiện ở ngưỡng thấp nhất. Do đó, cần có chính sách hỗ trợ, tư vấn về lộ trình chuyển đổi số, đặc biệt là cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Nghị quyết 41 với trọng tâm là chuyển đổi số, đã vẽ nên bức tranh toàn cảnh về doanh nhân Việt, từ những thành công đến những trăn trở. Đảng bộ cơ sở với vai trò hạt nhân lãnh đạo, sẽ là lực lượng then chốt đưa Nghị quyết vào cuộc sống, dẫn dắt doanh nghiệp Việt Nam vượt qua thách thức, vươn mình trong kỷ nguyên số./.

Mức độ sẵn sàng sẵn sàng chuyển đổi số cao nhất được thể hiện việc nghiệp đang tích cực, chủ động tìm hiểu, cập nhật, tiếp cận các xu hướng, giải pháp và sáng kiến công nghệ để ứng dụng vào hoạt động của doanh nghiệp. (Ảnh: Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục