Đồng bộ nhiều giải pháp tạo lực đẩy cho lĩnh vực sản xuất công nghiệp

Sản xuất công nghiệp đã có nhiều tín hiệu hồi phục tích cực, trong đó,chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10/2023 ước tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước.
Các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Mặc dù tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, nhu cầu thị trường chưa phục hồi, song với nền tảng vĩ mô ổn định, cùng với các biện pháp đồng bộ nhằm hỗ trợ sản xuất trong nước,  việc mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu được triển khai quyết liệt, mạnh mẽ giúp cho sản xuất công nghiệp tháng 10 tiếp tục có những tín hiệu tích cực.

Theo đại diện Bộ Công Thương, giá trị sản xuất trong 10 tháng đã có sự phục hồi, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước (8 tháng trước đó liên tục đạt mức tăng trưởng âm). Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10/2023 ước tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước.

[Dự báo sản xuất công nghiệp khởi sắc trong những tháng cuối năm]

Mức tăng IIP trong tháng 10 là mức tăng cao nhất trong 7 tháng gần đây (kể từ tháng 4/2023 đến nay), trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước; ngành khai khoáng giảm 5,7%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,6%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,2%.

Tuy nhiên, những khó khăn từ suy giảm kinh tế toàn cầu, đặc biệt là từ những tháng đầu năm đã ảnh hưởng đến kết quả sản xuất công nghiệp trong nước nên tính chung 10 tháng, IIP ước tính tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,9%), là mức lũy kế tháng so với cùng kỳ năm trước đạt mức cao nhất kể từ đầu năm.

Nhiều chính sách hỗ trợ, tạo lực đẩy giúp doanh nghiệp mở rộng sản xuất-kinh doanh và xuất khẩu. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Đáng chú ý, chỉ số sản xuất công nghiệp 10 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 49 địa phương và giảm ở 14 địa phương trên cả nước. Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng so với cùng kỳ năm trước, là: đường kính tăng 35%; phân hỗn hợp NPK tăng 17,5%; ti vi tăng 8,9%; vải dệt từ sợi nhân tạo tăng 8,3%; sơn hóa học tăng 7,7%; sữa tươi tăng 7,4%; thép cán tăng 7,2%; sắt, thép thô tăng 5,8%...

Để thúc đẩy lĩnh vực này, trong thời gian qua, nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất-kinh doanh tiếp tục được triển khai tích cực, đồng bộ, đặc biệt là chính sách tiền tệ, hỗ trợ giảm lãi suất.

Về phía Bộ Công Thương, cơ quan này cũng tập trung nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển sản xuất, kịp thời nắm bắt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong từng lĩnh vực và ngành hàng. Cùng đó, đẩy mạnh việc kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI lớn toàn cầu đang đầu tư tại Việt Nam, cũng như tạo thuận lợi hóa trong các thủ tục hành chính, tiếp cận tín dụng…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục