Đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu, tạo nền tảng phát triển văn hóa và du lịch

Việc triển khai công tác chuyển đổi số tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đạt được các kết quả tích cực, tuy nhiên, kết quả đạt được chưa đồng đều, so với các mục tiêu và yêu cầu đề ra.
Ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia trình bày tại hội thảo. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Dữ liệu ngành Văn hóa-Du lịch chưa đầy đủ, đồng bộ đang gây trở ngại cho việc xây dựng chiến lược phát triển bền vững.

Đó là nhận định của ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam trong Hội thảo "Định hướng phát triển cơ sở dữ liệu ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Gia đình" do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 1/10.

Chia sẻ trong hội thảo, ông Phúc cho biết dữ liệu thống kê du lịch chưa đủ và chưa có một nền tảng đáp ứng đầy đủ nhu cầu để phục vụ thu thập, phát triển và công bố dữ liệu thống kê chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, thông tin, dữ liệu thu thập còn hạn chế về tính đầy đủ, chính xác, nhanh chóng, thường xuyên.

Đối với các cơ sở dữ liệu khác hiện đang có hạn chế là số liệu được thu thập và nhập từ nhiều nguồn khác nhau, hoặc do chính các cơ sở kinh doanh tham gia trực tiếp nhập dữ liệu, do đó còn thiếu sự thống nhất, chuẩn hóa về thông tin, dữ liệu không được cập nhật thường xuyên.

"Để phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu ngành du lịch đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, tối ưu nhất là có hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung do Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam quản lý, vận hành để các sở quản lý du lịch địa phương và doanh nghiệp du lịch cùng tham gia vào hệ thống," ông Nguyễn Lê Phúc chia sẻ.

Ở góc độ quản lý nhà nước, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương khẳng định dữ liệu đã và đang trở thành một trong những nguồn lực quý giá nhất, không chỉ là nền tảng mà còn định hình sự phát triển của các ngành kinh tế số.

"Việc kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan Nhà nước, nhất là dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, các hệ thống thông tin có quy mô, phạm vi từ Trung ương đến địa phương sẽ giúp tối đa hóa giá trị dữ liệu; nâng cao chất lượng dịch vụ công cung cấp cho người dân và doanh nghiệp, theo hướng lấy người dùng làm trung tâm," Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nói.

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Thời gian qua, việc triển khai công tác chuyển đổi số tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đạt được các kết quả tích cực, tuy nhiên, nhìn tổng thể và so sánh với các mục tiêu, yêu cầu đề ra, kết quả đạt được chưa đồng đều. Các cơ sở dữ liệu còn thiếu đồng bộ và chưa được khai thác một cách tối ưu. Vấn đề bảo mật thông tin và quyền riêng tư cũng đang đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi phải có cách tiếp cận toàn diện, khoa học và thận trọng.

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương khẳng định chuyển đổi số là xu thế tất yếu và đòi hỏi khách quan của sự phát triển trong thời đại ngày nay, mở ra cơ hội cho các quốc gia bứt phá vươn lên.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng đã có bài viết: "Chuyển đổi số - động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới." Mới đây, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động chuyển đổi số hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trực tuyến và dựa trên dữ liệu giai đoạn 2024-2025, định hướng đến năm 2030.

"Chính nhờ sự chỉ đạo quyết liệt và xuyên suốt này giúp Việt Nam tăng 15 bậc về xếp hạng Chính phủ điện tử, đứng thứ 71/193 quốc gia, theo Báo cáo Khảo sát Chính phủ điện tử 2024 vừa phát hành vào trung tuần tháng 9 năm 2024 của Liên hợp quốc," Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho hay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục