Chúng tôi đến với đồng bào người Khơ Mú ở bản Pú Tỉu (xã Thanh Xương, huyện Điện Biên) trong những ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014.
Nơi bản làng còn nhiều khó khăn này, nhịp sống đã trở nên gấp gáp, hối hả bởi tiếng cười, tiếng nói của lũ trẻ đang nô đùa, háo hức đón Tết hay hình ảnh những chị em quây quần bên nồi rượu thơm lừng. Người dân nơi đây đang rộn ràng chuẩn bị đón một cái Tết ấm cúng và hạnh phúc.
Từ Ủy ban Nhân dân huyện Điện Biên, theo con đường đất hai bên ngập tràn cây hoa dã quỳ, Pú Tỉu hiện ra với vẻ ngoài khá giống với những bản làng người dân tộc Thái ở Điện Biên.
Những ngôi nhà sàn bằng gỗ, mái đã phủ rêu xanh theo thời gian nằm trải dài theo con đường đất uốn lượn, khúc lên, khúc xuống theo sườn đồi. Pú Tỉu có hai bản là Pú Tỉu 1 và Pú Tỉu 2, được chia tách từ năm 1997.
Đặt chân đến Pú Tỉu, khung cảnh dễ thấy nhất là nhiều nhóm phụ nữ từ 2 đến 3 người ngồi quây quần bên các bếp lửa trước các sân nhà.
Qua trò chuyện, chúng tôi biết được các chị đang nấu rượu để chuẩn bị cho dịp Tết dùng trong gia đình và tiếp khách.
Thứ rượu mà người dân ở Pú Tỉu nấu để dùng trong dịp Tết chủ yếu là rượu sắn, đó là sản phẩm bà con đã làm ra bằng chính sức lao động của mình. Do nơi đây ít ruộng để trồng lúa nước nên người dân chủ yếu làm rẫy trồng sắn, trồng ngô.
Theo như Trưởng bản Pú Tỉu 1 Quàng Văn Hịa, thì cả bản Pú Tỉu 1 chỉ có hơn 3ha trồng lúa nước, chủ yếu là diện tích đất nương, rẫy trồng ngô, sắn và lúa nếp nương.
Bởi vậy, số ít gạo nếp nương thu hoạch được, bà con đều dành để làm xôi cúng các dịp lễ và Tết cổ truyền, chỉ một số ít gia đình là có gạo nếp nấu rượu, còn lại đa số các hộ đều nấu rượu sắn.
Chị Quàng Thị Liên, bản Pú Tỉu 1, vui vẻ cho biết: "Năm nào cũng vậy, cứ ngoài 20 tháng Chạp là gia đình tôi lại nấu rượu dùng cho mấy ngày Tết để tiếp đãi khách và dùng trong gia đình. Tết này, gia đình tôi gói 40 chiếc bánh chưng và cùng với mấy nhà hàng xóm mổ một con lợn to. Món đặc sản thịt sấy gác bếp thì không thể thiếu trong dịp Tết, nhưng phải là thịt trâu thì mới dai và ngon, thường thì ngày 29 hoặc 30 Tết chúng tôi mới sấy thịt."
Cùng với việc chuẩn bị các đồ ăn, thức uống, phụ nữ ở Pú Tỉu đang tất bật, say sưa may gối, may áo mới cho con cái đón Tết. Những chiếc áo, gối, túi khoác ngang vai với các họa tiết mang đậm bản sắc dân tộc được các mẹ, các chị tự khâu, cầu mong mang lại may mắn cho con cái trong năm mới đến.
Chị Lò Thị Vân, bản Pú Tỉu 1 cho biết: "Để may được một chiếc áo dân tộc cho đứa con gái 7 tuổi, tôi phải mất khoảng hơn 20 ngày kỳ công, tỉ mỉ, bởi vậy thường bắt đầu may là từ đầu tháng Chạp. Dịp Tết, con gái thì được may áo mới, con trai được may túi mới, cũng là những chiếc túi khoác ngang vai để các chàng trai sau này mang lễ vật đi hỏi vợ."
Khi chúng tôi chĩa ống kính máy ảnh về phía một cháu bé đang tung tăng nhảy nhót bên người mẹ may áo, cháu bé 6 tuổi e thẹn dùng tay che hai mắt trong khi miệng vẫn cười khúc khích. Cô bé hồn nhiên chia sẻ: "Cháu mong Tết để được mặc áo mới của mẹ may đi khoe với bạn bè. Tết đến cháu được ăn bánh chưng, ăn thịt gà, thịt khô ngon lắm. Cháu mong Tết lắm"!
Dù đời sống của người dân ở Pú Tỉu còn nhiều khó khăn, nhưng quan niệm của bà con vẫn là phải có một cái Tết ấm cúng, no đủ. Có như vậy thì mới cầu mong được một năm mới no ấm và đầy đủ hơn.
Bí thư Chi bộ bản Pú Tỉu 1 Lò Văn Inh cho biết: "Trước đây, người dân ở Pú Tỉu nghèo đói lắm, chỉ phụ thuộc vào cây ngô, cây sắn trên nương, rẫy. Cuộc sống đói khổ khiến chúng tôi sống tự ti, biệt lập với thế giới bên ngoài. Từ những năm 90 của thế kỷ trước, nhờ các chương trình của Đảng và Nhà nước, cuộc sống của người dân chúng tôi cũng đã thay đổi nhiều, bản làng cũng khang trang hơn. Hiện nay, 100% các hộ gia đình trong bản đều được sử dụng điện lưới quốc gia, nhiều hộ đã có tivi, đầu đĩa, cứ tối đến là trẻ con lại xem phim, hát hò vui vẻ cả bản làng. Trong bản có hai bể nước sạch được Nhà nước xây và dẫn nước từ suối về nên nguồn nước cũng dồi dào. Hiện nay, cả bản có 38 hộ, còn 8 hộ nghèo."
Ông Inh cũng phấn khởi cho biết thêm, đầu năm 2014, bản Pú Tỉu đã được đầu tư xây dựng một nhà văn hóa khang trang, bề thế nhờ nguồn vốn từ các chương trình từ thiện.
Trong năm 2014, bản Pú Tỉu đã củng cố lại đội văn nghệ, lưu giữ những tiết mục ca, múa, hát để biểu diễn trong các dịp lễ, Tết nhằm nâng cao đời sống tinh thần, văn hóa, văn nghệ của bà con nhân dân.
Rời bản Pú Tỉu 1, theo con đường đất quanh co, chúng tôi đến bản Pủ Tỉu 2. Vẫn là sự phấn khởi, vui tươi trên nét mặt những em nhỏ hay những người đàn ông đang chẻ củi khô để chuẩn bị cho việc đun, nấu trong những ngày Tết.
Từ phía đồi, 3 chàng thanh niên trên tay cầm những cành đào rừng nhỏ, chỉ dài hơn 1 mét với chi chít nụ và hoa cười nói vui vẻ đi về bản. Tiếng trẻ nhỏ cười đùa vẫn rộn ràng ở điểm trường mầm non Pú Tỉu nằm trên địa phận bản Pú Tỉu 2, trường được xây dựng khá khang trang với 2 phòng học, sân chơi và nhà vệ sinh.
Cô giáo Bùi Diệu Thu, giáo viên điểm Trường mầm non Pú Tỉu cho biết, điểm trường có 16 học sinh từ 3-5 tuổi, là con em của đồng bào dân tộc Khơ Mú đang theo học.
Trước đây học sinh thường hay bỏ học nhưng mấy năm nay, nhà trường thường xuyên đến vận động phụ huynh chăm lo cho các em đến trường, nên hiện nay 100% học sinh ở 2 bản Pú Tỉu 1 và 2 đi học đúng độ tuổi, không có trường hợp tự do bỏ học.
Ông Ngô Minh Cương, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Thanh Xương, huyện Điện Biên cho biết 2 bản Pú Tỉu 1 và 2 có gần 100 hộ với hơn 410 nhân khẩu, 100% là người Khơ Mú.
So với 24 thôn, bản khác của xã Thanh Xương, Pú Tỉu là địa bàn còn rất nhiều khó khăn, riêng Pú Tỉu 1 là bản đặc biệt khó khăn của tỉnh Điện Biên, cuộc sống người dân nơi đây vẫn phụ thuộc vào nương rẫy.
Năm 2013, chính quyền xã Thanh Xương đã triển khai cho bà con ở Pú Tỉu trồng gần 9ha cây cao su, hiện sinh trưởng và phát triển tốt. Hy vọng loại cây mới này sẽ mang lại tiềm năng phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, nguồn thu nhập cho bà con ở Pú Tỉu.
Năm nay, Ủy ban Nhân dân xã Thanh Xương đã xây dựng Quỹ vì người nghèo và nhận được sự đóng góp, giúp đỡ của nhiều nhà hảo tâm và các tổ chức từ thiện.
Dịp Tết này, chính quyền xã sẽ tặng quà động viên các gia đình nghèo ở Pú Tỉu nói riêng và toàn xã Thanh Xương nói chung, giúp bà con phần nào được đón Tết ấm cúng hơn.
Từ chỗ biệt lập với thế giới bên ngoài, ngày nay người Khơ Mú ở Pú Tỉu đã hòa nhập với truyền thống văn hóa của các dân tộc.
Theo lời Bí thư Chi bộ bản Pú Tỉu 1 - Lò Văn Inh thì người Khơ Mú ăn Tết cổ truyền bây giờ cũng không khác gì so với người Kinh.
Vào sáng mồng một Tết, bà con thường đến chúc Tết các cụ cao niên trong bản, sau đó mới đến thăm hỏi, chúc Tết người thân, hàng xóm, bạn bè.
Tết của người Khơ Mú ở Pú Tỉu kéo dài từ chiều 30 tháng Chạp đến hết ngày mồng 4 tháng Giêng.
Ngoài các nghi thức làm lễ, thăm hỏi, chúc Tết, các buổi tối bà con thường quây quần ở nhiều nơi, uống rượu và nhảy múa các điệu múa của dân tộc mình./.