Đồng bào Khâu Vai đã biết viết tên, không còn cảnh ''điểm chỉ''

Ở điểm trường Khâu Vai, nằm sâu trong rừng núi, cách đường cái hơn chục km tại xã Bộc Bố, cứ mỗi buổi chiều muộn, trong các lớp học xóa mù chữ được ghép bằng gỗ tạm lại văng vẳng tiếng đánh vần ê a.
Lớp học xóa mù chữ cho người dân tộc thiểu số. (Ảnh: Vũ Hoàng Giang/TTXVN)

Pác Nặm là huyện vùng cao xa nhất của tỉnh Bắc Kạn và cũng là nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số như Sán Chỉ, Mông, Tày, Nùng, Dao...

Do cách xa về địa lý, cuộc sống của người dân nơi đây khó khăn và còn nhiều hạn chế trong nhận thức nên tỷ lệ người dân mù chữ và tái mù cao. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Pác Nặm đã tổ chức hàng chục lớp xóa mù chữ dành cho người dân tộc thiểu số tại hai xã là Bộc Bố và Cao.

Ở điểm trường Khâu Vai, nằm sâu trong rừng núi, cách đường cái hơn chục km tại xã Bộc Bố, cứ mỗi buổi chiều muộn, trong các lớp học xóa mù chữ được ghép bằng gỗ tạm lại văng vẳng tiếng đánh vần ê a. Lớp học có hơn hai chục học viên, phần lớn đều là người dân tộc Mông, tuy cuộc sống của các học viên nơi đây luôn tất bật với công việc đồng áng nhưng họ vẫn dành thời gian đến lớp với ước mơ biết đọc, biết viết để cuộc sống đỡ vất vả hơn.

[Cô giáo của những học sinh đặc biệt: Những nỗ lực phi thường]

Cô Dương Thị Nội, giáo viên lớp xóa mù chữ tại điểm trường Khâu Vai, chia sẻ các học viên tại đây khi chưa biết chữ, cuộc sống của họ rất khó khăn, khi đi chợ không biết tính toán, các loại văn bản như hộ khẩu, giấy tờ thì chỉ điểm chỉ.

Theo cô Nội, những ngày đầu mới mở, lớp học xóa mù chữ này không có nhiều học viên vì nhiều người còn e ngại không dám đến lớp. Sau những giờ đứng lớp, cô Nội phải đi từng nhà học viên để vận động đi học nhưng do địa hình, nhiều người nhà cách trường cả chục cây số nên việc vận động học viên rất vất vả. Có khi thấy giáo viên đến vận động, học viên còn chạy đi trốn hoặc gặp sự phản đối mạnh mẽ từ phía gia đình, không cho tới lớp. Cô Nội phải mất nhiều ngày đi giải thích, vận động, các học viên mới tự nguyện đến lớp như bây giờ.

Tại một điểm trường ở thôn Nà Lẩy, xã Bộc Bố, đúng 20 giờ, lớp học đã đông đủ, trong lớp đa phần là đồng bào dân tộc Sán Chỉ. Những học viên với độ tuổi từ 15-40, bàn tay chai sạn, lâu nay chỉ quen với cầm cày, cầm cuốc giờ đang tập trung học bài. Ai cũng say sưa đánh vần, phát âm từng chữ cái, những tiếng đánh vần vẫn còn ngọng nghịu nhưng ai nấy đều phấn khởi.

Đã đứng lớp nhiều năm nhưng hàng tối cô Nguyễn Thị Quyên, giáo viên lớp xóa mù chữ tại điểm trường thôn Nà Lẩy vẫn phải làm công việc quen thuộc là đi vận động học viên đến lớp. Cô Quyên cho hay do đang là thời điểm vào vụ thu hoạch lúa, đường đi học lại xa, nếu không đến từng nhà vận động chắc chắn các học viên sẽ nghỉ học nhiều.

Trên vùng cao, việc dạy chữ cho đồng bào còn gặp nhiều khó khăn vì hầu hết những học viên đi học đều là lao động chính trong gia đình và họ tiếp thu kiến thức rất chậm, dễ sinh chán nản, bỏ học. Vận động các học viên ra lớp đã khó, duy trì sĩ số lớp học lại càng khó hơn. Theo đó, ngoài việc dạy học chữ, hàng ngày các cô giáo còn kết hợp việc thăm hỏi, động viên học viên hoặc tìm hiểu, giới thiệu kiến thức về trồng trọt chăn nuôi trong những cuốn sách được bày tại thư viện xã để học viên thấy được tầm quan trọng của việc biết đọc, biết viết, từ đó đến lớp đều đặn.

Đến nay, đã có hàng trăm học sinh tại huyện Pác Nặm tốt nghiệp lớp xóa mù chữ biết đọc, biết viết thành thạo chữ quốc ngữ. Việc dạy học cho người dân tộc thiểu số biết chữ giúp đồng bào có thể tự đọc sách, ứng dụng khoa học vào trồng trọt, chăn nuôi. Kết quả này mang dấu ấn rất lớn của các thầy cô, những người luôn nhiệt huyết và thầm lặng gieo chữ nơi rẻo cao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục