Thôn Làng Bến, xã Cai Kinh, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn có 38 hộ dân tộc Nùng, người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề nông và chăn nuôi.
Do đặc điểm địa lý, người dân muốn đi lại, trao đổi hàng hóa… đều phải vượt qua dòng sông Thương hung dữ bằng bè, mảng rồi sử dụng dây chão kéo qua sông mà không có bất cứ một phương tiện bảo hộ nào.
Theo người dân trong thôn, từ đời ông cha họ mỗi khi có việc đều phải vượt sông bằng cách ôm ống tre làm phao bơi. Cho đến những năm gần đây, nhiều chiếc cầu tre tạm bợ do người dân quyên góp đã được dựng lên những chỉ qua một mùa mưa bão là bị cuốn trôi hết. Kinh tế người dân còn khó khăn, không thể huy động đủ để xây một chiếc cầu chắc chắn qua sông, người dân nơi đây đành bằng lòng với một chiếc bè sắt và hệ thống dây chão căng qua hai bờ sông để kéo bè.
Chị Hoàng Thị Huy, Trưởng thôn Làng Bến cho biết, trước đây người dân chỉ biết bảo nhau đóng góp tre nứa làm thành một cây cầu tre, nhưng mỗi lần nước lên thường bị trôi cầu tre đi. Đến năm 2005 người dân bảo nhau góp tiền làm bè bằng tre nứa rồi làm dây ròng rọc kéo qua sông cho bà con đi lại, nhưng rồi lũ cúng cuốn trôi mất.
Năm ngoái, thôn vận động các hộ trong thôn được 24 triệu đồng mua một chiếc bè sắt đã cũ để mọi người đi lại vững vàng và lũ cũng khó cuốn đi hơn. Thôn cũng không đủ kinh phí để thuê riêng một người trông coi và phụ trách kéo bè, vì vậy ai có công việc qua sông đều phải tự kéo. Ngoài việc cứ 2 tháng một lần người dân đóng góp tiền mua dây chão mới phục vụ cho việc kéo bè, không có phương tiện gì khác để đảm bảo an toàn cho người qua sông.
Mỗi ngày, chiếc bè sắt phục vụ cho hàng chục lượt người dân trong thôn đi lại, mua bán và các em học sinh đến trường. Không có phương tiện bảo hộ, không có người trông coi, từ người già đến các em nhỏ đều tự mình đứng trên bè rồi kéo qua sông. Khi gặp lúc đông người đi thì còn đỡ, nhiều em học sinh tiểu học đã ngã xuống sông trong những lúc kéo bè như vậy.
Trên chiếc bè có 4 em học sinh từ mẫu giáo đến lớp 4, em Trần Kim Thoa lớn nhất, là học sinh lớp 4 trường Tiểu học Cai Kinh cho biết: Mỗi ngày em phải vượt sông 4 lần để đi học sáng và chiều, nếu gặp các cô các bác đi chợ thì được đi nhờ, còn không thì phải tự mình kéo. Bọn em thường đợi nhau để đi cùng cho đỡ sợ, em và em trai em học lớp 2 thì kéo bè, hai em còn lại một đứa lớp 2, một đứa mẫu giáo thì trông nhau khỏi ngã xuống nước. Nhưng cũng có lúc tuột tay, tháng trước em và em trai trong lúc kéo bè đuối sức đã rơi xuống sông nhưng may là gần bờ nên không sao.
Bên cạnh sự nguy hiểm khi kéo bè sang sông, hai bên bờ dốc đứng trải dài cũng khiến nhiều người già, phụ nữ trong thôn không ít lần ngã xuống nước khi qua lại khúc sông này. Chị Hoàng Thị Nga cho biết: Chuyện xe máy, xe đạp rơi xuống sông bị nước cuốn đi mất, năm nào cũng có vài lần. Mới cách đây một tháng tôi đi mua phân bón về cũng bị tuột tay rơi xe đạp xuống sông, nhờ người ra mò tìm cũng không được.
Theo chị Huy - Trưởng thôn, tai nạn đã xảy ra nhiều và đã có trường hợp chết người. Gần đây nhất vào năm 2011 đã có ba em học sinh chết đuối trên đoạn sông này. Đồng thời, việc qua sông khó khăn kéo theo nhiều hệ lụy cho người dân nơi đây. Nông sản, thịt lợn, gà vịt... của người dân trong thôn muốn bán cho thương lái giá cao hơn vì tính cả chi phí vận chuyển. Học sinh trong thôn mỗi năm phải nghỉ học 4 đến 5 đợt mỗi đợt từ 2 đến 10 ngày vì mưa lũ, do đó sức học cũng kém hơn so với chúng bạn.
Trong đợt ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 vừa qua, nước sông Thương lên cao tới 5 mét, chị Huy đã phải túc trực ở bến sông cả đêm để canh không cho lũ cuốn trôi mất bè. Toàn bộ người dân trong thôn bị cô lập không thể đi lại và phải nhờ người thân, người quen ở bờ bên kia mua nhu yếu phẩm rồi buộc dây kéo qua sông.
Ông Hoàng Văn Lực, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Cai Kinh, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn cho biết, người dân thôn Làng Bến mong mỏi có được một chiếc cầu qua sông để đảm bảo an toàn, nhất là vào mùa mưa lũ. Xã đã nhiều lần đề đạt lên cấp trên nhưng chưa có kinh phí. Để giúp người dân an toàn hơn, xã chỉ có thể trích kinh phí từ Ban phòng chống lụt bão của huyện trang bị 7 chiếc phao tròn và 6 bộ áo phao cho chiếc bè.
Tuy nhiên qua nhiều năm cũng hỏng và thất lạc một phần. Cũng không thể cấm bà còn đi lại, vì vậy xã chỉ có cách tăng cường tuyên truyền cảnh giác cho người dân qua sông, cấm triệt để việc qua sông những ngày có mưa lũ.../.