Nêu cao truyền thống “Sống Phúc âm trong lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào,” đồng bào Công giáo Việt Nam đã có những đóng góp tích cực về sức người, sức của cho các công việc chung của đất nước cả trong kháng chiến lẫn trong hòa bình xây dựng và phát triển đất nước.
Hòa quyện đạo với đời
Thực hiện đường hướng “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào” và “Người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt,” người Công giáo đã và đang tham gia ngày càng sâu rộng vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là công tác an sinh xã hội. Điều này thể hiện đồng bào Công giáo luôn đồng hành cùng sự phát triển của dân tộc.
Ngay từ thời kỳ phong kiến đã xuất hiện những nhân vật Công giáo có tư tưởng yêu nước, tiêu biểu là nhà cải cách Nguyễn Trường Tộ đã dâng lên triều đình nhà Nguyễn 58 bản điều trần mong muốn góp phần làm cho đất nước giàu mạnh, đủ sức đánh thực dân Pháp.
Hay nhiều giám mục, linh mục, giáo dân đã ra gánh vác những trọng trách của chính quyền nhân dân buổi đầu trứng nước: Giáo sư-bác sỹ Nguyễn Tấn Gi Trọng (Ủy viên chính thức Ban Thường vụ Quốc hội); cụ Ngô Tử Hạ, người đóng vai trò Chủ tịch Quốc hội đầu tiên (tháng 2-3/1946).
Đặc biệt là linh mục Phero Phạm Bá Trực, người đỗ 3 bằng tiến sỹ ở Roma, là đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên, tham gia cách mạng ngay từ ngày đầu khi dân tộc bước vào cuộc kháng chiến 9 năm. Cụ được Chủ tịch Hồ Chí Minh xem là người bạn.
Cụ đảm nhiệm chức vụ Phó trưởng ban Thường trực Quốc hội. Linh mục Phạm Bá Trực qua đời tại huyện Đại Từ (Thái Nguyên) ngày 5/10/1954. Trong lời điếu văn, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết về linh mục như sau: “Trong mọi công việc, Cụ đã kết hợp đạo đức bác ái theo lời Chúa dạy với tinh thần nồng nàn yêu nước của người đại biểu chân chính của nhân dân Việt Nam.”
Qua hai cuộc kháng chiến, Nhà nước đã ghi nhận công lao to lớn của đồng bào Công giáo đóng góp vào sự nghiệp chung của dân tộc, như thành tích của đồng bào Công giáo tỉnh Nam Ðịnh, với nhiều tấm gương anh hùng liệt sỹ và 23 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Giáo dân xứ Vinh Phú, xã Nghĩa Lợi, huyện Nghĩa Hưng, Nam Ðịnh được Nhà nước tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân; tỉnh Bến Tre có 21 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và 258 liệt sỹ là người Công giáo. Họ đạo Bona huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng có 43 liệt sỹ là người Công giáo...
Ðất nước độc lập thống nhất, giang sơn thu về một mối, là điều kiện thuận lợi để đồng bào Công giáo Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống sống "Tốt đời đẹp đạo," đoàn kết và đồng hành cùng dân tộc, toàn dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Đồng bào Công giáo Việt Nam ngày càng tích cực hưởng ứng và tham gia thực hiện phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Đảng, Nhà nước, Mặt trận, các tổ chức đoàn thể xã hội và Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam phát động, nhất là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời, đẹp đạo” do Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam phát động đạt nhiều kết quả tiêu biểu trên các lĩnh vực.”
Phong trào đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế của đồng bào Công giáo ngày càng phát triển cả bề rộng và chiều sâu. Qua đó, xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, xuất sắc trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế, giúp nhau giảm nghèo, đẩy mạnh các hoạt động từ thiện, nhân đạo. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào không ngừng được cải thiện, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trận tự an toàn xã hội.
Bộ mặt các giáo xứ, họ đạo ngày càng khang trang, sạch đẹp. Trong phong trào đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, đồng bào Công giáo đã có nhiều việc làm thiết thực như hiến đất, tự nguyện bàn giao mặt bằng làm đường giao thông nông thôn; ủng hộ kinh phí xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới, xây dựng các công trình phúc lợi; lắp đèn thắp sáng đường làng, ngõ hẻm… với số tiền nhiều tỷ đồng. Qua đó góp phần làm cho diện mạo nông thôn, đô thị, xứ đạo ngày càng khang trang, sạch đẹp.
Với tinh thần chung tay, góp sức cho sự nghiệp phát triển giáo dục của đất nước, trong số 12 cơ sở dạy nghề (Trường cao đẳng nghề, trường Trung cấp nghề tư thục, Trung tâm Dạy nghề tư thục tôn giáo) thuộc các tôn giáo hiện nay, giới Công giáo có 11 cơ sở dạy nghề, chủ yếu thuộc dòng Don Bosco, Dòng Lasan và Tòa Giám mục Xuân Lộc đang hoạt động hiệu quả.
Các hoạt động từ thiện, đền ơn đáp nghĩa, được lan tỏa rộng rãi trong giáo dân khắp các giáo xứ, họ đạo cả nước; các hoạt động sức phong phú và đa dạng như tặng "Sổ tiết kiệm tình nghĩa" cho các gia đình liệt sỹ, thương binh, nhận chăm sóc nuôi dưỡng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các mẹ liệt sỹ; thăm hỏi, động viên các đối tượng chính sách; ủng hộ xây dựng Quỹ vì người nghèo, Quỹ bảo trợ trẻ em, Quỹ biển đảo quê hương, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt… do Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam các cấp phát động.
Tổng số kinh phí tham gia ủng hộ các quỹ của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh, thành phố 5 năm (2017-2022): Quỹ “Vì biển đảo Việt Nam,” “Vì người nghèo,” “Đền ơn đáp nghĩa,” “Xây nhà đại đoàn kết”… là hơn 2.000 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực tham gia xây dựng chính quyền, đồng bào Công giáo cả nước đã tích cực hưởng ứng và tham gia cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Ban Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam và Ban Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố đã tham gia các hội nghị hiệp thương để lựa chọn và giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp.
Đồng bào Công giáo luôn tích cực tham gia phong trào “Quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc,” coi việc phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội là nhiệm vụ quan trọng để bảo đảm cuộc sống bình yên. Nhiều khu dân cư Công giáo luôn bảo đảm an toàn về trật tự công cộng, phòng chống nạn xã hội… đồng bào Công giáo trên toàn quốc luôn nêu cao ý thức, tinh thần cảnh giác trước các âm mưu lợi dụng những vấn đề về dân tộc, tôn giáo nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Luôn tạo điều kiện, ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp tích cực của đồng bào Công giáo
Trong xu thế phát triển đi lên của dân tộc và đường hướng gắn bó, đồng hành cùng dân tộc của Giáo hội Công giáo Việt Nam, Ðảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp tích cực của đồng bào Công giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đồng thời luôn quan tâm chăm lo mọi mặt đời sống của đồng bào các tôn giáo, trong đó có đồng bào Công giáo; thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa IX Về công tác tôn giáo khẳng định: "Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Ðồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật."
Cùng với quá trình đổi mới toàn diện đất nước, sự ra đời của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo (năm 2004) và sau đó là Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (có hiệu lực từ ngày 1/1/2018) đã đáp ứng được những nguyện vọng chính đáng của các tôn giáo; tạo được sự vui mừng, phấn khởi trong đồng bào tín đồ, chức sắc, nhà tu hành Công giáo.
Đồng bào ngày càng yên tâm, tin tưởng và hăng hái thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các phong trào thi đua yêu nước của Mặt trận Tổ quốc, góp phần vào công cuộc đổi mới, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Gần đây nhất, Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/11/2023, Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, khi đưa ra các nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đã nêu rõ: vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ sống "tốt đời, đẹp đạo," đồng hành cùng dân tộc, tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và chính quyền các cấp phát động. Bảo đảm để các tổ chức tôn giáo hoạt động bình đẳng theo quy định của pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận.
Số lượng chức sắc, nhà tu hành và tín đồ đạo Công giáo trong những năm qua có sự gia tăng đáng kể; cơ sở thờ tự của đạo Công giáo được sửa sang, xây dựng mới ngày càng nhiều, trong đó có nhiều cơ sở thờ tự được xây dựng khang trang, to lớn với kinh phí hàng chục tỷ đồng và có giá trị nghệ thuật, văn hóa cao; hầu hết các cơ sở đào tạo của Công giáo đã được mở rộng, nâng cấp và giảng dạy, đào tạo, bồi dưỡng hàng nghìn tu sỹ; các sinh hoạt tôn giáo lớn như đại hội, hội nghị và các ngày lễ trọng của Công giáo luôn được các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc quan tâm giúp đỡ; nhiều ấn phẩm kinh sách của đạo Công giáo được xuất bản và phát hành trong toàn quốc phục vụ nhu cầu nghiên cứu, tu hành của đồng bào giáo dân...
Sống "Tốt đời đẹp đạo," "Ðồng hành cùng dân tộc" là truyền thống, là mục tiêu chung của các tôn giáo ở Việt Nam, trong đó có Công giáo và đây cũng là cơ sở hòa nhập, củng cố và tăng cường đoàn kết đồng bào Công giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Ðúng như Thư chung năm 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam đã khẳng định: "Chúng ta tự hào là công dân của nước Việt Nam anh hùng độc lập thống nhất; và trong đà phát triển chung của cả nước, chúng ta được tình đồng bào thông cảm và giúp đỡ trong khối đại đoàn kết dân tộc, nên chúng ta hãy hân hoan chu toàn sứ mạng vinh quang của mình"./.
Đồng bào Công giáo ở Cư Kuin đồng lòng xây dựng quê hương giàu đẹp
Giáo xứ Vinh Hòa, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, Đắk Lắk, là một điểm sáng về phát triển kinh tế-xã hội và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời, đẹp đạo.”