Đồng bào các tôn giáo luôn đồng hành cùng sự phát triển của đất nước

Nhiệm kỳ 2019-2024, cùng với nhân dân cả nước, đồng bào các tôn giáo đã phát huy cao độ tinh thần yêu nước, yêu thương, đùm bọc, sẻ chia, luôn đồng hành cùng dân tộc.

Chủ tịch nước Tô Lâm gặp gỡ nhân dân tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Phủ Chủ tịch. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Chủ tịch nước Tô Lâm gặp gỡ nhân dân tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Phủ Chủ tịch. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Đại đoàn kết dân tộc đã trở thành di sản vô giá, truyền thống quý báu của mỗi người Việt Nam trong hai tiếng đồng bào.

Nhiệm kỳ 2019-2024, cùng với nhân dân cả nước, đồng bào các tôn giáo đã phát huy cao độ tinh thần yêu nước, yêu thương, đùm bọc, sẻ chia, luôn đồng hành cùng dân tộc để vượt qua mọi khó khăn, thách thức; tích cực triển khai các chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tạo nguồn lực nội sinh, động lực đột phá nhằm bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

Góp phần gìn giữ văn hóa truyền thống

Giáo hội Phật giáo Việt Nam là thành viên tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn chú trọng, đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động tín đồ, Phật tử chấp hành đúng chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước bằng những hình thức thiết thực, phong phú.

Nhiều vị chức sắc, tăng, ni trong Giáo hội là đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp và Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, luôn kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và tập hợp, tổng hợp đầy đủ ý kiến, kiến nghị của tín đồ, Phật tử, cử tri và nhân dân để phản ánh, kiến nghị và đề xuất các giải pháp phù hợp, chính đáng với Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Giai đoạn 2019-2024, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã chủ động hưởng ứng các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động như: Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư;” cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh;” hưởng ứng phong trào “ Đền ơn đáp nghĩa,” “Vì người nghèo,” “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”...

ttxvn_ton giao.jpeg
Các tăng ni, phật tử Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện nghi thức tưởng niệm và cầu siêu cho các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Hàng năm, tăng, ni, Phật tử và Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đóng góp hàng nghìn tỷ đồng cho công tác từ thiện xã hội, cứu khổ độ sinh, triển khai ở tất cả các Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo các địa phương trong cả nước.

Công tác cứu trợ nhân đạo đồng bào bị thiên tai, lũ lụt, ủng hộ phong trào xóa đói giảm nghèo, phong trào "Đền ơn đáp nghĩa," từ thiện nhân đạo được thực hiện với nhiều chương trình khác nhau như tri ân các thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng; xây dựng nhà tình thương, nhà tình nghĩa, nhận phụng dưỡng, chăm sóc các Mẹ Việt Nam Anh hùng, chăm lo gia đình chính sách, có công với cách mạng; thành lập các cơ sở, trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, người già cô đơn, người tàn tật.

Các cơ sở Tuệ Tĩnh đường, các trung tâm khám, chữa bệnh Đông y và Tây y của đồng bào Công giáo hoạt động có hiệu quả, đã thực hiện khám, chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho hàng ngàn lượt bệnh nhân.

Đặc biệt, trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, các cấp Giáo hội Phật giáo tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về “Toàn dân đoàn kết, ra sức phòng, chống dịch COVID-19” với nhiều cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả; đóng góp, ủng hộ “Quỹ Vaccine phòng, chống COVID-19,” chương trình “Triệu phần quà đại đoàn kết tiếp sức đồng bào miền Nam vượt qua đại dịch”...

Giáo hội đã có nhiều thông bạch vận động Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố, tăng, ni, phật tử các chùa, cơ sở tự viện tích cực tham gia phòng, chống dịch bằng nhiều hình thức, tiêu biểu như phong trào “Cởi áo cà sa khoác áo blouse trắng tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch.”

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về công tác chăm lo, đoàn kết người Việt Nam ở nước ngoài, thời gian qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã nỗ lực tập hợp, kết nối, kêu gọi tình đoàn kết, tình yêu quê hương đất nước của bà con kiều bào ta ở nước ngoài, của cộng đồng người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài hướng về xây dựng quê hương đất nước.

Với 21 tổ chức Hội Phật tử Việt Nam và các cộng đồng Phật tử liên lạc thường xuyên ở các nước châu Âu, châu Mỹ, châu Á, châu Phi, Australia, hằng năm Giáo hội Phật giáo Việt Nam đều tổ chức các chuyến hoằng pháp phục vụ cộng đồng người Việt Nam trong các dịp lễ Phật đản, lễ Vu lan, Tết cổ truyền dân tộc…, giúp bà con được an tâm và góp phần gìn giữ truyền thống văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết, các phong tục của người Việt Nam, hướng lòng yêu nước về Tổ quốc.

Mang tinh thần yêu thương, phục vụ đến với đồng bào

Là một tổ chức xã hội, thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện phong trào thi đua yêu nước của người Công giáo Việt Nam, 5 năm qua, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam luôn tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào Công giáo thực hiện đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, các chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Đồng bào Công giáo trên toàn quốc luôn nêu cao ý thức, tinh thần cảnh giác trước các âm mưu lợi dụng những vấn đề về dân tộc, tôn giáo nhằm chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

ttxvn_ton giao.jpg
Ông Hoàng Văn Sùng, trưởng điểm nhóm Tin Lành người H'Mông xóm Nà Ca thông báo với giáo dân về hoạt động của mô hình "Điểm nhóm tôn giáo tự quản trong giữ gìn, an ninh trật tự." (Ảnh: Nhật Anh/TTXVN)

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến đánh giá, 5 năm qua, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam đã tích cực vận động đồng bào Công giáo tham gia các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động; tham gia lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo tại địa phương, góp phần vào sự phát triển, ổn định kinh tế, xã hội của đất nước.

Với đường hướng “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào," đồng bào Công giáo đã triển khai các hoạt động từ thiện nhân đạo, y tế, giáo dục, mang tinh thần yêu thương, phục vụ đến với đồng bào, nhất là nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội, từ đó lan tỏa những giá trị đạo đức tốt đẹp của đồng bào Công giáo; góp sức thực hiện đường hướng: Giáo hội gắn bó với dân tộc, tăng cường xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng truyền thống đạo đức và văn hóa của dân tộc.

Bám sát chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiệm kỳ 2019-2024, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam các cấp triển khai tinh thần Hiệp hành - Chia sẻ - Phục vụ trong các lĩnh vực từ thiện nhân đạo, an sinh xã hội, nhất là những thế mạnh như xã hội hóa giáo dục, y tế, như: Thường xuyên tổ chức và tham gia các hoạt động khám, chữa bệnh cho người nghèo, chăm sóc sức khỏe cộng đồng; tổ chức các đợt khám, chữa bệnh lưu động và tại các phòng khám, chữa bệnh từ thiện do các vị linh mục, nữ tu và đồng bào giáo dân thành lập ở nhiều địa phương trên cả nước.

Thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ Thập đỏ ở địa phương, nhiều linh mục đã mời gọi các đoàn y, bác sỹ ở các bệnh viện tuyến Trung ương tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh về khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho các bệnh nhân nghèo tại các giáo xứ, không phân biệt lương, giáo.

Với tinh thần chung tay, góp sức cho sự nghiệp phát triển giáo dục của đất nước, nhiều dòng tu nữ thực sự đã phát huy được thế mạnh của mình trong tham gia xã hội hóa giáo dục.

Nhiều xứ họ đạo, dòng tu tổ chức mở lớp mầm non, nuôi dạy trẻ, dạy nghề. Đặc biệt, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Lâm Đồng, Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, Bà Rịa-Vũng Tàu, Hà Nội... các dòng tu nữ đã tích cực tham gia phát triển giáo dục mầm non, tiêu biểu như tại tỉnh Lâm Đồng hiện có 90 cơ sở giáo dục mầm non tư thục do các hội dòng nữ tu Công giáo thành lập và quản lý với hàng ngàn cháu.

Thời gian tới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng là tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo pháp luật và phù hợp truyền thống văn hóa của dân tộc; đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016; Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 10/01/2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác tôn giáo; tăng cường giám sát, phản biện xã hội trong quá trình xây dựng, thực hiện các chủ trương, chính sách pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; đấu tranh với các hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo xâm hại lợi ích của đất nước, quyền và lợi ích của nhân dân và của các tôn giáo.

Phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của các tôn giáo, Mặt trận và các tổ chức thành viên như Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam... sẽ phát huy vai trò nòng cốt trong tuyên truyền, vận động đồng bào các tôn giáo tích cực đồng hành, đóng góp xây dựng đất nước; bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, để nhân dân là chủ, làm chủ, lấy nhân tố con người là trung tâm, là chủ thể, nguồn lực, mục tiêu, động lực chủ yếu của đại đoàn kết toàn dân tộc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục