Những ngày này, khắp nơi trên cao nguyên M’Nông lộng gió, từ thành thị đến nông thôn, từ trung tâm huyện, thị xã đến các thôn, bon vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới của tỉnh Đắk Nông, cờ Đảng, cờ Tổ quốc tung bay phấp phới.
Cán bộ, đảng viên và đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Nông đang hướng về Đảng với một niềm tin sắt son.
Ngày khai mạc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII là một ngày đặc biệt đối với đảng viên trẻ H’Thương (sinh năm 1987) - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Nâm Nung, huyện Krông Nô, Đắk Nông. Hôm đó, đảng viên trẻ H’Thương đến trụ sở Ủy ban Nhân dân xã sớm hơn thường ngày, tranh thủ giải quyết nhanh một số công việc để kịp theo dõi phiên khai mạc được tường thuật trực tiếp trên truyền hình.
Đảng viên trẻ H’Thương phấn khởi cho biết: "Những năm qua, được sự đầu tư của Nhà nước, đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số ở Đắk Nông đã có nhiều khởi sắc. Tôi mong muốn Đại hội lần này sẽ bầu chọn những đại biểu vừa có tâm, vừa có tầm vào Ban Chấp hành Trung ương. Tôi tin tưởng Ban Chấp hành Trung ương Đảng là một khối thống nhất đại diện cho ý chí và nguyện vọng của toàn dân tộc, đưa ra những quyết sách đúng đắn lãnh đạo đất nước tiếp tục ổn định và có đột phá trong phát triển kinh tế."
Đảng viên trẻ H’Thương cho rằng đối với vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ngoài việc ưu tiên phát triển kinh tế, Đảng cần quan tâm hơn nữa đến công tác giáo dục, đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số; bổ nhiệm cán bộ trẻ, có năng lực vào những vị trí quan trọng, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh-quốc phòng.
Đảng viên 52 tuổi Đảng, già làng Y Thi ở bon Gia Ra, xã Nâm Nung, xúc động chia sẻ trước đây, khi đất nước có ngoại xâm, người dân trong bon được Đảng giác ngộ và theo cách mạng đánh giặc. Lúc đó, đồng bào rất khổ, chỉ ăn lá bép, măng rừng nhưng vẫn cùng bộ đội đánh thắng giặc ở khu Quảng Đức.
Sau ngày đất nước giải phóng, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước nên cuộc sống của đồng bào đã bước sang trang mới, vừa có ăn, có mặc, con cháu được học hành, đau ốm được chữa bệnh... Tuy tuổi đã cao nhưng đều đặn hàng tuần, già vẫn đi đến các hộ trong bon để giải thích, tuyên truyền cho đồng bào xóa bỏ hủ tục lạc hậu, chăm chỉ làm ăn, không nghe theo lời kẻ xấu kích động.
Già làng Y Thi kỳ vọng Đại hội lần này sẽ có những quyết sách để tiếp tục củng cố, giữ gìn khối đại đoàn kết dân tộc, đặc biệt là ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chỉ có đoàn kết thì mới giữ vững được chủ quyền quốc gia và ổn định để phát triển kinh tế.
Sau 30 năm đổi mới, đất nước đã có sự phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, Đảng phải lãnh đạo đất nước đổi mới hơn nữa, phải tiếp thu những cái hay, cái mới của thế giới, áp dụng phù hợp với thực tiễn trong nước để đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.
Còn với đảng viên Điểu Hót - Trưởng bon Điêng Đung, xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị ở cơ sở là niềm vui và trách nhiệm của người đảng viên. Trong những năm qua, đảng viên Điểu Hót đã tuyên truyền để đồng bào hiểu và thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước như Luật Bảo vệ rừng, chương trình xây dựng nông thôn mới, vận động đồng bào không tin, không nghe theo kẻ xấu xúi giục...
Trưởng bon Điêng Đung Điểu Hót phấn khởi cho biết đồng bào trong bon rất vui và tin tưởng vào Đảng. Nhờ có những chính sách của Đảng, Nhà nước mà đồng bào đã được vay vốn xóa đói giảm nghèo, được đầu tư chương trình nước sạch, hỗ trợ cây trồng vật nuôi, từ đó cuộc sống của đồng bào đã khấm khá hơn trước.
Đảng viên Điểu Hót mong muốn Đảng, Nhà nước quan tâm nhiều hơn đối với đồng bào dân tộc, nhất là ở vùng sâu, vùng xa để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Đảng cần có chính sách đặc thù để giải quyết vấn đề di dân ngoài quy hoạch, phá rừng... ở Đắk Nông.
Theo bà Hà Thị Hạnh - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Đắk Nông, trong những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc trong tỉnh, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số không ngừng được cải thiện và nâng cao.
Trong phát triển kinh tế, đồng bào đã có bước thay đổi tư duy, tập quán sản xuất; nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh của đồng bào mang lại hiệu quả kinh tế cao nhờ áp dụng các tiến bộ về khoa học kỹ thuật.
Giai đoạn 2011-2015, tỷ lệ giảm nghèo bình quân hàng năm của tỉnh là 3,1%, trong đó tỷ lệ giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số là 4,6%/năm và đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ là 4,58%/năm.
Bên cạnh đó, chính sách phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số của tỉnh được tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả, quy mô và chất lượng giáo dục-đào tạo được mở rộng và nâng cao.
Hệ thống y tế tỉnh đến cơ sở được các cấp, ngành quan tâm đầu tư phát triển đồng bộ cả về mạng lưới y tế, nguồn nhân lực, cũng như công tác bảo đảm và chăm sóc sức khỏe cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn; quốc phòng an ninh được giữ vững.
Nhân dân các dân tộc trên địa bàn luôn tin tưởng vào đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước./.
Xem thêm Chuyên trang đặc biệt về Đại hội Đảng