Đồng bằng sông Cửu Long tích cực ứng phó thiên tai, sự cố lớn

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang tích cực triển khai hiệu quả công tác ứng phó thiên tai, sự cố lớn; tăng cường công tác thông tin truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng.
Nhiều nhà dân bị lốc xoáy làm tốc mái, hư hại nghiêm trọng. (Ảnh: TTXVN phát)

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ tháng 7-9/2024, hiện tượng ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina, khiến bão và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang tích cực triển khai hiệu quả công tác ứng phó thiên tai, sự cố lớn; tăng cường công tác thông tin truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng.

Thiệt hại từ dông lốc, thiên tai

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang cho biết cơn mưa lớn kèm theo gió giật mạnh vào đầu tháng 7/2024 vừa qua đã làm sập, tốc mái 79 căn nhà, gãy đổ 23 cây xanh và làm chết 1.600 con gà, gây thiệt hại hơn 810 triệu đồng của người dân tại hai huyện Chợ Gạo và Gò Công Tây.

Ngay sau khi thiên tai xảy ra, lực lượng cứu hộ là công an, quân sự địa phương hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả.

Ðồng thời, địa phương hỗ trợ nhanh các nhu yếu phẩm cần thiết cho các gia đình khó khăn có nhà bị sập và tốc mái sớm ổn định cuộc sống.

Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã xảy ra 10 cơn lốc xoáy quét qua các huyện Cai Lậy, Châu Thành, Chợ Gạo, Gò Công Tây, Tân Phú Ðông, Gò Công Ðông và thị xã Cai Lậy; ước tổng thiệt hại hơn 2,7 tỷ đồng.

Vụ sạt lở làm 10 căn nhà ven sông Bình Thủy bị sạt mất phần nhà phía sau cùng nhiều tài sản. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)

Tại thành phố Cần Thơ, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự-Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết trong nửa đầu năm 2024, trên địa bàn thành phố xảy ra hai loại hình thiên tai là sạt lở bờ sông và mưa kèm theo dông lốc.

Sạt lở bờ sông xảy ra 14 đợt ở các quận, huyện: Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt, Phong Ðiền, Cờ Ðỏ, tổng chiều dài ảnh hưởng là 571m với tổng thiệt hại khoảng 14,1 tỷ đồng.

Mưa kèm dông, lốc xảy ra 4 đợt tại huyện Cờ Ðỏ và Vĩnh Thạnh làm sập 9 căn nhà, tốc mái 67 căn nhà... Ước thiệt hại tài sản khoảng 1,3 tỷ đồng.

Chỉ trong hơn ba ngày từ 14-17/7, mưa lớn kèm dông, lốc làm sập 11 nhà dân và cháy một nhà do mưa lớn, gây chập điện tại tỉnh Kiên Giang.

Mưa dông còn làm tốc mái 23 căn nhà tại các huyện Giang Thành, Kiên Lương, Hòn Đất, Tân Hiệp, Giồng Riềng, An Biên, An Minh, U Minh Thượng; ước tổng thiệt hại là hơn 1,1 tỷ đồng.

Sau khi thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Kiên Giang phối hợp các huyện tổ chức thăm hỏi, huy động lực lượng tại chỗ giúp người dân dọn dẹp, sửa chữa nhà tốc mái, bố trí nơi ở tạm cho các hộ dân có nhà bị đổ sập.

Từ đầu năm 2024 đến nay, nắng nóng, khô hạn kéo dài cũng làm sụt lún, sạt lở các tuyến đường đê bao vùng đệm U Minh Thượng, với 454 điểm, chiều dài 11.374m, 42 căn nhà bị thiệt hại do sụt lún đất, 66 căn nhà có nguy cơ sụt lún.

Tỉnh Kiên Giang đã hỗ trợ 31 nhà dân bị sụt lún khắc phục hậu quả thiệt hại do hạn hán và khắc phục tạm thời lộ giao thông nông thôn bị sạt lở, với tổng kinh phí là 3,4 tỷ đồng.

Đồng thời, tỉnh cấp kinh phí cho các hộ dân khắc phục hậu quả thiệt hại do thiên tai tại các huyện An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Hòn Đất và Châu Thành, với tổng kinh phí hỗ trợ là 705 triệu đồng từ nguồn Quỹ Phòng, chống thiên tai tỉnh.

Nhiều giải pháp ứng phó

Trước dự báo tình hình bão và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông diễn biến phức tạp từ tháng 7-9/2024, thành phố Cần Thơ tăng cường công tác tuyên truyền, chủ động ứng phó với các hiện tượng mưa lớn kèm theo gió mạnh, lốc xoáy, sạt lở bờ sông...

Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự-Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Cần Thơ yêu cầu các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn người dân chằng, chống nhà cửa an toàn để phòng ngừa thiệt hại do mưa kèm theo dông, lốc xoáy trong giai đoạn cao điểm mùa mưa; tổ chức chặt, tỉa cây xanh trên vỉa hè, khu vực gần nhà; tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở phụ huynh không cho trẻ em tắm mưa trong những cơn mưa lớn...

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè đề nghị Ủy ban Nhân dân và Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự-Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các quận, huyện tăng cường hơn nữa công tác phòng tránh; thực hiện rà soát, cập nhật phương án ứng phó với thiên tai.

Đặc biệt, các địa phương cần có phương án sơ tán dân phù hợp ở từng địa phương, nhất là tăng cường giải pháp đảm bảo an toàn tính mạng, hiệu quả sản xuất, phát triển kinh doanh trong những tháng mưa bão sắp tới.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, tỉnh lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, các chương trình, dự án đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở, giao thông, khu đô thị mới, khu dân cư tập trung tránh làm gia tăng rủi ro thiên tai, quy hoạch bố trí, sắp xếp dân cư vùng thiên tai.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các huyện, thành phố kiểm tra, đánh giá hệ thống đê điều, hồ đập, công trình phòng, chống thiên tai; thi công các công trình thủy lợi có yêu cầu cấp bách trên địa bàn trọng điểm; nạo vét kênh mương, duy tu, sửa chữa công trình phục vụ phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, chống ngập úng, đảm bảo vận hành thông suốt, an toàn trước mùa mưa bão.

Cụ thể, các đơn vị, địa phương kiểm tra, rà soát quy trình vận hành đập, hồ chứa nước tại thành phố Phú Quốc và huyện đảo Kiên Hải; khắc phục hạn hán, phòng, chống ngập úng toàn vùng đệm U Minh Thượng; bố trí thời vụ hợp lý, sử dụng vật nuôi, cây trồng thích hợp với điều kiện từng vùng...

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Kiên Giang phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng phương án, lực lượng, phương tiện và thực hiện quy chế phối hợp; phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện kiểm tra an toàn các phương tiện hành nghề trên biển, hướng dẫn neo, đậu tàu thuyền, trú tránh bão, áp thấp nhiệt đới; tiếp nhận, trao trả các công dân nước ngoài bị nạn, được cứu vớt trên vùng biển Kiên Giang theo các quy định hiện hành.

Biên phòng Kiên Giang phối hợp Tỉnh đội, Công an và các địa phương triển khai công tác sơ tán, di dời dân, công tác giúp dân khắc phục hậu quả sau thiên tai.

Các ngành chức năng phối hợp xây dựng kế hoạch đảm bảo thông tin liên lạc khi thiên tai xảy ra; tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai; áp dụng các hình thức thông tin, truyền tin phù hợp với từng đối tượng, điều kiện cụ thể của địa phương, đảm bảo cung cấp nhanh chóng, kịp thời đến người dân khu vực bị ảnh hưởng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục