Đồng bằng sông Cửu Long thuộc Top 5 đồng bằng dễ bị tổn thương nhất thế giới

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với nhiều nguy cơ, rủi ro tiềm ẩn như xâm nhập mặn, hạn hán, lũ lụt và suy giảm bùn cát cũng như xói lở bờ biển đe dọa đến an ninh lương thực, nguồn nước...
Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN)

Đồng bằng sông Cửu Long hiện đang nằm trong top 5 đồng bằng dễ bị tổn thương nhất thế giới khi đối diện với nhiều thách thức như: Biến đổi khí hậu, mất phù sa do các đập thủy điện ở thượng nguồn, khan hiếm nước ngọt, sụt lún đất, xâm nhập mặn, ô nhiễm, sản xuất không bền vững…

Đây là thông tin được bà Lưu Thị Lan, Quản lý dự án Mekong NbS, Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) thông tin tại hội thảo “Phát triển tài nguyên bản địa và kinh tế địa phương qua liên kết vùng trong bối cảnh cạnh tranh mới” nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Mekong Connect 2024 do Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang tổ chức tại Trường Đại học An Giang chiều ngày 17/12.

Hội thảo quy tụ nhiều chuyên gia và nhà lãnh đạo đến từ các tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh nhằm thảo luận sâu về các giải pháp phát triển bền vững thông qua khai thác tài nguyên bản địa và gia tăng giá trị kinh tế vùng.

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long với diện tích trên 40.000km2, dân số trên 20 triệu người, là trung tâm sản xuất lúa gạo, thủy sản, trái cây của cả nước khi đóng góp trên 95% lượng gạo xuất khẩu, 60% sản lượng thủy sản cá xuất khẩu và 70% các loại trái cây.

Tuy nhiên, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với nhiều nguy cơ, rủi ro tiềm ẩn như xâm nhập mặn, hạn hán, lũ lụt và suy giảm bùn cát cũng như xói lở bờ biển đe dọa đến an ninh lương thực, nguồn nước và sinh kế của hàng chục triệu dân.

Dự án Mekong NbS "sinh kế thuận thiên" góp phần giúp vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hiện dự án giúp nhiều tỉnh khôi phục dòng chảy tự nhiên, tích tụ và bồi lắng phù sa ở vùng đệm, thông qua thực hiện hàng loạt hoạt động trong và xung quanh Rừng tràm Trà Sư (An Giang); xây dựng và thực hiện các giải pháp sinh kế dựa vào tự nhiên (canh tác “thuận thiên”) có tiềm năng mở rộng và khả thi cho đầu tư quy mô lớn cho vùng đầu nguồn khu vực Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên.

Hiện dự án đã triển khai thí điểm 7 mô hình sinh kế dựa vào lũ tại nhiều tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long như: trữ cá tự nhiên, nuôi bổ sung cá mùa lũ; nuôi bổ sung cá lóc, trồng sen; nuôi bổ sung cá trê, trồng sen, du lịch sinh thái; trồng lúa ngập sâu mùa lũ; trữ cá tự nhiên, trồng sen và điên điển mùa lũ; lúa ngập sâu và trữ cá tự nhiên.

Các mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội tích cực khi tỷ suất lợi nhuận tăng cao; giảm 20-30% lượng phân bón ở vụ lúa kế tiếp; tạo việc làm cho lao động nông thôn trong mùa lũ; giúp khôi phục các giá trị văn hóa mùa nước nổi truyền thống vùng sông nước.

Đồng thời, các mô hình có tác động tích cực về môi trường như: tăng khả năng bồi lắng phù sa từ 20-30 lần so với canh tác lúa 3 vụ; góp phần vào giảm sụt lún đồng bằng; tăng dinh dưỡng cho đất, cải thiện chất lượng đất; tăng khả năng trữ nước và kết nối với kênh rạch xung quanh; tăng nguồn lợi thủy sản và đa dạng sinh học được cải thiện khi có hơn 35 loài cá bản địa cá di cư có mặt.

Bà Lưu Thị Lan, Quản lý dự án Mekong NbS, Tổ chức WWF Việt Nam hiến kế phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long trước thách thức biến đổi khí hậu. (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN)

Bà Lưu Thị Lan cho biết thời gian qua, WWF Việt Nam triển khai nhiều dự án “thuận thiên” trong vùng và áp dụng chiến lược sinh kế dựa vào lũ như: mô hình lúa nổi kết hợp nuôi cá mùa lũ; chương trình phục hồi nguồn lợi thủy sản, tăng cường bồi lắng phù sa và trữ nước thông qua việc khôi phục các tiến trình lũ tự nhiên; sinh kế dựa vào lũ... mang lại nhiều kết quả tích cực trong việc giúp người dân thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hiện mô hình canh tác lúa mùa nổi kết hợp nuôi cá mùa lũ đã có nhiều tác động tích cực về môi trường, bà Lan chia sẻ.

Ông Trương Linh Ân, Giám đốc Tập đoàn Khải Nam khẳng định mô hình lúa mùa nổi không chỉ tái hiện cảnh quan đặc trưng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong mùa nước lũ mà còn mang lại giá trị kinh tế và sinh thái to lớn. Cụ thể, mô hình giúp tăng khả năng trữ nước ngọt, cải thiện độ phì nhiêu của đất nhờ phù sa tự nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt là các loài thủy sinh.

Thêm vào đó, việc canh tác lúa mùa nổi còn mở rộng cơ hội cho các sản phẩm nông nghiệp sạch và thân thiện với môi trường, đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường trong nước và quốc tế.

Theo ông Ân, để nhân rộng mô hình này các thách thức về chi phí, kỹ thuật và đặc biệt là khả năng tiêu thụ sản phẩm trên thị trường cần được giải quyết. Hiện Tập đoàn Khải Nam đã thu mua lúa mùa nổi cho nông dân và chế biến ra thành nhiều sản phẩm như sữa gạo, mỳ, phở, bánh phồng, cơm ăn liền, bánh dinh dưỡng... xuất khẩu sang nhiều nước châu Âu và được đón nhận tích cực từ các thị trường bởi câu chuyện sản xuất "thuận thiên" của cây lúa mùa nổi.

Bên cạnh mô hình lúa mùa nổi, ông Trần Lam Sơn - Giám đốc Công ty Thiên Minh cho rằng cỏ năng tượng - nguồn tài nguyên phong phú, mọc tự nhiên vùng ven biển các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre ẩn chứa tiềm năng to lớn, mang đến giải pháp cho việc khai thác bền vững, tạo ra giá trị kinh tế mới và góp phần bảo vệ môi trường vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long.

Cỏ năng tượng mọc không cần chăm sóc hay gieo giống, rễ cỏ giúp cải tạo đất, cung cấp ôxy, chống mốc, mối, tăng cường "sức khỏe" cho đất.

Sản phẩm từ cỏ năng tượng tạo ra giá trị kinh tế, bảo vệ môi trường cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long thu hút các đại biểu dự hội thảo. (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN)

Theo ông Sơn, cỏ năng tượng ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long có quy mô khoảng 1,8 triệu ha, năng suất đạt 10 tấn/ha, với giá trị đóng góp cho phát triển kinh tế nông nghiệp lên đến 9 tỷ USD. Đây là nguồn nguyên liệu lớn tạo ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo xuất khẩu và cho sản xuất bột giấy, túi giấy, vật liệu kê lót, thân thiện môi trường. Đồng thời, cỏ năng tượng cũng là nguồn thức ăn bổ dưỡng cho gia súc thúc đẩy phát triển chăn nuôi.

Với tiềm năng to lớn và những ứng dụng đa dạng trong sản xuất và phát triển kinh tế nông nghiệp, cỏ năng tượng hứa hẹn sẽ là nguồn nguyên liệu chiến lược cho ngành nông nghiệp, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống và bảo vệ môi trường vùng Đồng bằng sông Cửu Long./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục