Đồng bằng sông Cửu Long tạo đột phá về chỉ số PCI

Điểm số chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trung bình của Đồng bằng sông Cửu Long trong 5 năm trở lại đây (2015-2019) đã có sự cải thiện tốt hơn và liên tục cao hơn mức trung bình cả nước.
Thu hoạch lúa Đông Xuân năm 2019-2020 tại xã Thạnh Lợi, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp). (Ảnh: TTXVN)
Thu hoạch lúa Đông Xuân năm 2019-2020 tại xã Thạnh Lợi, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp). (Ảnh: TTXVN)

Đồng bằng sông Cửu Long luôn được xem là khu vực có sự nỗ lực cải thiện về chất lượng điều hành kinh tế.

Điểm số chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trung bình của Đồng bằng sông Cửu Long trong 5 năm trở lại đây (2015-2019) đã có sự cải thiện tốt hơn và liên tục cao hơn mức trung bình cả nước.

Điều này cho thấy các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang chú trọng đến việc cải thiện chất lượng điều hành kinh tế, hòa cùng với xu hướng chung của các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Nỗ lực cải thiện chất lượng điều hành kinh tế

Trong cải thiện môi trường kinh doanh, Đồng bằng sông Cửu Long đã có nhiều nỗ lực đáng kể qua các năm và có nhiều địa phương nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế dẫn đầu của cả nước.

Đồng bằng sông Cửu Long tuy chỉ chiếm khoảng 18% dân số, 12% diện tích của cả nước nhưng đã đóng góp lớn vào nền kinh tế của Việt Nam, nhất là về lĩnh vực nông nghiệp.

Cụ thể, khu vực này đóng góp hơn 50% sản lượng lương thực cả nước; trong đó, chiếm 90% sản lượng lương thực xuất khẩu; 65% sản lượng thủy sản xuất khẩu...

[Đánh giá môi trường kinh doanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long]

Tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đạt khá cao so với bình quân cả nước, riêng năm 2019 là 8,1% so với cả nước là 7,02%.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong 5 năm qua, điểm số PCI trung bình của Đồng bằng sông Cửu Long liên tục cao hơn mức điểm số PCI trung bình cả nước và đứng đầu rất nhiều chỉ số so với các vùng miền khác.

Xu hướng nhóm xếp hạng điều hành kinh tế PCI của 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long trong 5 năm qua cũng có sự cải thiện, giảm dần số lượng tỉnh ở nhóm điều hành kinh tế trung bình, không còn tỉnh nào ở nhóm xếp hạng tương đối thấp và tăng dần số lượng tỉnh ở nhóm điều hành kinh tế khá, tốt và rất tốt.

Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Võ Tân Thành cho biết, nếu như vào năm 2015, Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có 1 tỉnh đứng ở nhóm điều hành kinh tế rất tốt và 1 tỉnh ở nhóm điều hành kinh tế tương đối thấp, thì đến năm 2019, khu vực này đã có hai tỉnh được xếp vào nhóm điều hành kinh tế rất tốt của cả nước, năm tỉnh ở nhóm điều hành kinh tế khá, ba tỉnh ở nhóm trung bình và không còn tỉnh nào ở nhóm xếp hạng tương đối thấp.

Cụ thể, năm tỉnh của Đồng bằng sông Cửu Long liên tục được ghi nhận trong nhóm điều hành kinh tế rất tốt và tốt của cả nước vào năm 2019 là Đồng Tháp, Long An, Bến Tre, Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ. Trong đó, Đồng Tháp ghi nhận liên tục nằm trong nhóm ba tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước, riêng năm 2019 tiếp tục nắm giữ vững vị trí thứ 2 của bảng xếp hạng PCI cả nước, tăng 1,91 điểm so với năm 2018.

Đồng bằng sông Cửu Long tạo đột phá về chỉ số PCI ảnh 1Ban tổ chức trao xếp hạng PCI 2019 cho các tỉnh trong Top 4. (Ảnh: Quốc Tuấn/TTXVN phát)

Đối với Vĩnh Long, kết quả PCI trong những năm qua, gần nhất là năm 2019, có thể thấy hầu hết các chỉ số thành phần của tỉnh đều có bước nhảy vượt bật về điểm số và thứ hạng.

Lần đầu tiên trong 5 năm qua, Vĩnh Long đạt tổng điểm trên 70 điểm và có 9/10 chỉ số tăng điểm so với năm 2018, trong đó có những chỉ số thành phần rất cao như tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức, chi phí thời gian...

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời cho biết Vĩnh Long xếp ở vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng PCI 2019 là do những bước tiến mạnh mẽ trong việc nâng cao chất lượng cải cách hành chính tại địa phương và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp gia nhập thị trường.

Ngoài ra, Vĩnh Long được các doanh nghiệp đánh giá cao nhất trên cả nước về những thuận lợi trong tiếp cận đất đai và những nỗ lực cắt giảm chi phí không chính thức.

Bên cạnh đó, Bến Tre và Long An là hai tỉnh vẫn duy trì nhóm xếp hạng điều hành kinh tế tốt. Thành phố Cần Thơ từ nhóm xếp hạng điều hành kinh tế khá vào năm 2017 đã vươn lên nhóm xếp hạng điều hành kinh tế tốt vào năm 2018 và tiếp tục được duy trì vào năm 2019.

Riêng các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng và Trà Vinh; mặc dù, có sự cải thiện về điểm số PCI nhưng vẫn duy trì ở nhóm điều hành kinh tế trung bình.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế VCCI, Giám đốc dự án PCI, cho rằng kết quả PCI năm 2019 tiếp tục ghi nhận những lợi thế của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Đó là sự năng động của chính quyền địa phương trong việc tháo gỡ kịp thời những khó khăn đến doanh nghiệp; môi trường kinh doanh bình đẳng, các thành phần kinh tế được đối xử công bằng trong quá trình hoạt động kinh doanh.

Bên cạnh đó, chi phí thời gian khi giải quyết thủ tục hành chính được cải thiện đáng kể; việc tiếp cận thông tin, tài liệu chính sách khá thuận lợi và công bằng; tiếp cận đất đai, mặt bằng kinh doanh ít gặp phải trở ngại.

Ngoài ra, khu vực này đã có sự cải thiện về chi phí không chính thức khi thực hiện các thủ tục hành chính và thiết chế pháp lý được củng cố và an ninh trật tự khá ổn định.

Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Võ Tân Thành khẳng định, Đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá có năng lực điều hành ổn định, bền vững, kết hợp cùng điều kiện tự nhiên thuận lợi, hướng đến mục đích trở thành vùng kinh tế năng động, hiện đại đóng góp lớn vào nền kinh tế của đất nước.

Thúc đẩy những mô hình cải cách

Trong quá trình nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, hầu như địa phương nào cũng rất tích cực và có nhiều sáng kiến, kinh nghiệm hay; trong đó, quan tâm tới chất lượng điều hành, sự thuận lợi của thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tính minh bạch... chính là những yếu tố tác động trực tiếp đến sự phát triển của doanh nghiệp, điều quyết định doanh nghiệp có sẵn sàng bỏ vốn đầu tư và đồng hành với địa phương.

Theo bà Phạm Thị Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp, năm 2019, Đồng Tháp giữ vị trí Á quân về Chỉ số PCI và cũng là năm thứ 12 liên tiếp địa phương nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có chỉ số PCI dẫn đầu của cả nước.

Đạt được kết quả trên là do nhiều năm qua tỉnh luôn kiên định với chủ trương, định hướng là “đồng hành cùng doanh nghiệp,” “lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả công việc của bộ máy công quyền.”

Trong nỗ lực xây dựng chính quyền thân thiện, đồng hành cùng doanh nghiệp, Đồng Tháp luôn quan tâm nội dung sáng kiến, chỉ đạo của cấp tỉnh có chuyển tải đến được các cấp sở, ngành, địa phương hay không.

Đồng bằng sông Cửu Long tạo đột phá về chỉ số PCI ảnh 2Cán bộ giải quyết hồ sơ, thủ tục cho các tổ chức và cá nhân. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Cụ thể, từng cán bộ, công chức, viên chức phải thẩm thấu tinh thần phục vụ của lãnh đạo tỉnh, luôn đặt mình vào vị trí của doanh nghiệp khi thực hiện nhiệm vụ của mình, xem việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng chính là tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế của địa phương.

Xây dựng chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp, phục vụ nhân dân cũng là phương châm hành động nhất quán, xuyên suốt của tỉnh Vĩnh Long. Theo đó, tỉnh chú trọng tăng cường trách nhiệm, tính chủ động của các cơ quan, đơn vị để thay đổi rõ nét hơn nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức; chuyển đổi cách làm từ hành chính sang phục vụ.

Ngoài ra, tỉnh không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng phục vụ trong công tác đăng ký kinh doanh. Đến nay, Vĩnh Long đã rút ngắn thời gian đăng ký thành lập doanh nghiệp chỉ còn 0,76 ngày; thời gian trung bình đăng ký, thông báo thay đổi là 0,32 ngày so với quy định là 3 ngày.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời khẳng định tỉnh xác định con người là một trong những yếu tố quan trọng góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Bên cạnh đó còn là sự minh bạch, rõ ràng trong tiếp cận thông tin, thuế, giải quyết thủ tục hành chính... cho doanh nghiệp, qua đó hạn chế tình trạng gây phiền hà, nhũng nhiễu trong quá trình thực hiện của cán bộ, công chức, viên chức.

Theo ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự cũng là khâu rất quan trọng.

Trong quá trình mời gọi đầu tư, quá trình doanh nghiệp phát triển kinh doanh, sản xuất trên địa bàn, cùng với việc tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp triển khai nhanh dự án thì các các ngành bảo vệ pháp luật cũng quan tâm bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, giải quyết nhanh khi xảy ra tranh chấp.

Nhờ thực hiện tốt vấn đề này mà Bến Tre được doanh nghiệp tin tưởng vào khả năng bảo vệ của pháp luật về quyền tài sản và thực thi hợp đồng thời gian qua.

Chia sẻ về mô hình "Bác sỹ doanh nghiệp" đang được thực hiện ở Bắc Ninh trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Bắc Ninh cho biết qua khảo sát, khi doanh nghiệp gặp phải vướng mắc, sau một vòng luẩn quẩn, cuối cùng doanh nghiệp vẫn phải trở về nơi gây vướng mắc để giải quyết dù đã kiến nghị nhiều nơi.

Mô hình "Bác sỹ doanh nghiệp" ra đời để góp phần giải quyết tình trạng này. Theo đó, mô hình hình thành nên một bộ phận chuẩn đoán khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, hoạt động độc lập và trực thuộc Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh.

Cụ thể, mô hình thành lập một tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh là Tổ trưởng; tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp là lãnh đạo các sở, ngành có liên quan; bộ phận "bác sỹ" được lựa chọn từ những người tốt nhất thuộc Trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh.

Hình thức doanh nghiệp phản ánh khó khăn, vướng mắc có thể là nhắn tin, email và không nhất thiết bằng văn bản. Sau đó bộ phận “bác sỹ” sẽ xuống tận nơi tìm hiểu, tập hợp dữ liệu để giải quyết.

Theo ông Nguyễn Phương Bắc, có những vấn đề doanh nghiệp gặp khó khăn nhưng không cần phải giải quyết hành chính hóa, chỉ cần liên hệ trực tiếp với Giám đốc sở trong tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp là đã giải quyết được vấn đề.

Có thể nói, mô hình này giải quyết được hết các “bệnh nhẹ” như những vướng mắc về tính chất thủ tục, sự thống nhất giữa các ngành chưa cao...

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế VCCI, Giám đốc Dự án PCI - cho rằng khai thác hiệu quả Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh là một trong những cách làm mà nhiều địa phương triển khai để nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đạt kết quả cao thời gian qua.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các địa phương cần quân tâm đến chất lượng cán bộ tại các trung tâm hành chính công.

Chia sẻ kinh nghiệm thực tế qua tìm hiểu mô hình này tại Quảng Ninh, ông Đậu Anh Tuấn cho biết thông thường các sở, ngành cử cán bộ đến làm việc tại Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh có chất lượng không cao. Từ đó, phục vụ người dân, doanh nghiệp chưa thật sự hiệu quả.

Riêng ở Quảng Ninh, thường là cấp Phó trưởng Phòng trở lên mới được điều đến Trung tâm phục vụ hành chính công để phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh cũng có chính sách khi cán bộ được bổ nhiệm lên giữ vị trí cao hơn phải có thời gian phục vụ tại Trung tâm hành chính công, từ đó khuyến khích cán bộ đến Trung tâm công tác.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, từ PCI nhiều mô hình cải cách, bài học thành công được tìm ra và nhân rộng trên toàn quốc. Tiêu biểu như mô hình nâng cao hiểu quả thực thi thông qua sáng kiến đánh giá năng lực cấp sở, ngành, huyện thị (DDCI) đã được nhân rộng tới hơn 50 tỉnh, thành phố; mô hình càphê doanh nhân được nhân rộng ra 40 tỉnh, thành phố.

Ngoài ra, nhiều tỉnh, thành còn ứng dụng công nghệ thông tin để thực thi hiệu quả công việc; xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Những vấn đề cần cải thiện

Phân tích môi trường kinh doanh của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long qua kết quả PCI, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế VCCI, Giám đốc dự án PCI nhận định điểm số PCI trung vị của khu vực vẫn duy trì được xu hướng tăng dần qua các năm.

Cụ thể, giai đoạn 2015-2019, điểm PCI trung vị đã tăng 10%, tương đương với 5,95 điểm, từ 59,04 điểm năm 2015 lên 64,99 điểm ở năm 2019.

Đồng bằng sông Cửu Long tạo đột phá về chỉ số PCI ảnh 3Chế biến cá tra xuất khẩu tại nhà máy ở tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: TTXVN)

Tuy nhiên, trong khi xu hướng hội tụ điểm số PCI giữa các tỉnh, thành của cả nước đang dần thu hẹp lại khoảng cách thì các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long lại có xu hướng hội tụ trong hai năm 2016-2017 và có xu hướng giãn ra khoảng cách trong điều hành kinh tế từ năm 2017-2019.

Khoảng cách chênh lệch điểm số PCI giữa tỉnh đứng đầu và tỉnh đứng cuối bảng xếp hạng của cả nước vào năm 2015 là 19,35 điểm, năm 2016 là 17,01 điểm, đến năm 2019 chênh lệch điểm số giảm chỉ còn 13,45 điểm.

Ngược lại, đối với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long khoảng cách chênh lệch điểm số PCI giữa tỉnh đứng đầu và tỉnh đứng cuối năm 2015 là 11,99 điểm, năm 2016 là 7,71 điểm, đến năm 2019 tăng lên 8,90 điểm.

Một mặt, điều này chỉ ra rằng trong xu hướng chung các tỉnh, thành cả nước nỗ lực cải thiện điểm số PCI, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã có sự bứt phá cải thiện điểm số PCI, nâng cao chất lượng điều hành kinh tế từ trung bình lên khá, tốt và rất tốt. Mặt khác, điều này cũng ghi nhận sự cải thiện về điểm số PCI ở các tỉnh còn lại vẫn còn khá chậm và có dấu hiệu chững lại theo thời gian.

Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ, bên cạnh kết quả đạt được, Đồng bằng sông Cửu Long vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Tăng trưởng kinh tế của khu vực luôn cao hơn bình quân cả nước qua một thập niên nhưng đang có dấu hiệu thiếu bền vững. Thực tế cho thấy tỷ trọng xuất khẩu của khu vực đang có xu hướng giảm dần và giãn cách ngày càng lớn so với cả nước.

Cụ thể, năm 2015 đóng góp kim ngạch xuất khẩu của Đồng bằng sông Cửu Long đối với cả nước chiếm 7,3% thì đến năm 2019 chỉ đạt 7%. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân giai đoạn 2015-2019 của cả nước đạt 15,8% thì Đồng bằng sông Cửu Long chỉ đạt 14%.

Ông Nguyễn Phương Lam băn khoăn, thu hút FDI của Đồng bằng sông Cửu Long cũng khác biệt so với cả nước. Theo thống kê, những quốc gia đứng đầu về đầu tư FDI của cả nước là Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore; tại Đồng bằng sông Cửu Long, Trung Quốc và Thái Lan là 2 quốc gia đầu tư nhiều nhất.

Vốn bình quân dự án vào Đồng bằng sông Cửu Long năm 2019 là 6,85 triệu USD, cả nước là 11,8 triệu USD. Nghịch lý là vùng nông nghiệp nhưng Đồng bằng sông Cửu Long lại không có dự án FDI vào lĩnh vực này.

Ngoài ra, số doanh nghiệp của khu vực cũng ngày càng ít dần so với cả nước. Năm 2015, cả nước có 442,414 doanh nghiệp thì Đồng bằng sông Cửu Long có 32.588 doanh nghiệp; đến năm 2019 cả nước có 758.610 doanh nghiệp thì vùng chỉ có 55.089 doanh nghiệp.

Đồng bằng sông Cửu Long hiện chỉ đạt 3,4 doanh nghiệp/1.000 dân, thấp hơn bình quân chung của cả nước là 7,9 doanh nghiệp/1.000 dân.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, kết quả PCI 2019 cho thấy khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn tồn tại những vấn đề cần cải thiện ở các cấp chính quyền địa phương như tăng cường gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp ở nhiều cấp độ chung của tỉnh, theo lĩnh vực từng sở ngành, theo nhóm doanh nghiệp với những vấn đề chung và cần có sự tham gia của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ, vừa.

Các tỉnh cần xây dựng lộ trình để hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân siêu nhỏ, nhỏ và vừa trên địa bàn, chương trình thúc đẩy hộ kinh doanh lên thành doanh nghiệp.

Mặt khác, các cơ quan chính quyền địa phương cần tăng cường công khai minh bạch thông tin trên website cơ quan chính quyền, đặc biệt là việc đăng tải các thông tin như quy hoạch, kế hoạch phát triển của địa phương, các dự án đầu tư công, đấu thầu, các dự án đối tác công tư.

Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Võ Tân Thành đề nghị, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cần cải thiện về chi phí gia nhập thị trường, đặc biệt là các chi phí sau khi doanh nghiệp thành lập xong. Bên cạnh đó, các tỉnh trong khu vực hạn chế đến mức tối thiểu việc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp.

Dù đã có quy định mỗi năm doanh nghiệp tối đa chỉ tiếp một đoàn kiểm tra, tuy nhiên thực tế doanh nghiệp vẫn phải tiếp rất nhiều đoàn kiểm tra, đây được xem là gánh nặng của các doanh nghiệp hiện nay.

Ngoài ra, khu vực cần quan tâm nhiều hơn dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ; đồng thời, các địa phương cần giải quyết tốt điểm nghẽn về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, kể cả việc đào tạo phổ thông, đại học, dạy nghề và giải quyết việc làm.

Ông Võ Tân Thành cho rằng với tiềm năng, lợi thế sẵn có kết hợp với chính quyền năng động, quyết tâm cao, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới sẽ có nhiều lợi thế để nâng cao chỉ số PCI, từ đó góp phần tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội của địa phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục