Từ đầu năm đến nay, tại nhiều tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long, tình hình bệnh sốt xuất huyết có chiều hướng tăng cao và diễn biến phức tạp so với cùng kỳ năm 2016. Riêng trong 15 ngày đầu tháng 7/2017, số ca sốt xuất huyết nhập viện điều trị được ghi nhận tại một số tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long tăng 125 % so với cùng thời điểm năm 2016.
Theo thống kê của ngành y tế các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long, sốt xuất huyết có chiều hướng tăng mạnh từ đầu tháng 7.
Tính riêng trong 10 ngày đầu tháng 7/2017, tỉnh An Giang là địa phương có số ca sốt xuất huyết nhập viện điều trị tăng cao nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long với 120 ca; tiếp đến là Sóc Trăng với 110 ca và Đồng Tháp là 100 ca sốt xuất huyết nhập viện điều trị.
Theo thống kê từ đầu năm 2017 đến nay, Khoa Sốt xuất huyết của Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ đã tiếp nhận và điều trị nội trú 1.290 ca sốt xuất huyết, tăng 23,68% so với cùng kỳ năm 2016; trong đó Cần Thơ là 450 ca và số ca còn lại là các bệnh nhân đến từ 12 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long từ Tiền Giang đến Cà Mau.
Riêng trong 15 ngày đầu tháng 7/2017, Khoa Sốt xuất huyết của Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ đã tiếp nhận điều trị nội trú 165 ca sốt xuất huyết cho các bệnh nhân các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, tăng 125% so với cùng kỳ năm 2016.
Tính từ đầu năm đến nay, có 3 địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long đã ghi nhận có bệnh nhân tử vong do sốt xuất huyết là Đồng Tháp, Tiền Giang và Trà Vinh.
Ghi nhận ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là tại Cần Thơ, năm nay, bệnh sốt xuất huyết tăng và bệnh thể nặng cũng tăng. Đặc biệt, thời gian gần đây bệnh sốt xuất huyết ở trẻ nhỏ tuổi từ 10-15 tuổi tăng mạnh và thường bị sốt cao hơn trẻ nhỏ dưới 10 tuổi.
[Dịch bệnh sốt xuất huyết vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại]
Theo thống kê từ Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Cần Thơ, tính đến ngày 20/7, thành phố Cần Thơ ghi nhận hơn 600 ca sốt xuất huyết và số ca sốt xuất huyết chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, có xu hướng tăng nhanh. Hiện thành phố Cần Thơ đang nổ lực đẩy mạnh các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết ở cộng đồng.
Theo Bác sĩ Bùi Hùng Việt, Trưởng khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ, sở dĩ sốt xuất huyết có chiều hướng tăng mạnh từ đầu tháng 7 do thời tiết bắt đầu vào mùa mưa khiến muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tăng nhanh, số ca sốt xuất huyết theo đó cũng tăng nhanh so với các tháng trước.
Bác sĩ Việt cho biết thêm: Trước đây bệnh sốt xuất huyết chỉ xảy ra vào mùa mưa, nhưng hiện tại bệnh sốt xuất huyết xảy ra quanh năm do biến đổi khí hậu và gần đây xảy ra những cơn mưa trái mùa khiến muỗi sinh sản nhanh làm bùng phát bệnh sốt xuất huyết./.
Để phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết, cũng như phát hiện kịp thời, điều trị hiệu quả nhất, cha mẹ cần quan tâm chăm sóc con, gặp con bị sốt cao, có xuất huyết đỏ ngoài da thì nhanh chóng đưa ngay đến bệnh viện để khám và điều trị kịp thời. Hiện biện pháp phòng chống sốt xuất huyết hiệu quả nhất là không để trẻ nhỏ bị muỗi đốt khi ngủ.Bên cạnh đó, người dân cần làm sạch môi trường, tích cực diệt lăng quăng phòng ngừa muỗi vằn sinh sản để phòng ngừa sốt xuất huyết xảy ra và bùng phát thành dịch.