Trong hai ngày 20-21/10, Đoàn khảo sát và hội nghị đánh giá điểm đến, phát triển các chương trình du lịch liên kết Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long, đã tham quan, trải nghiệm nhiều điểm đến du lịch trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng.
Tại Hậu Giang, Đoàn khảo sát đã đến thăm trụ sở Ủy ban Liên hợp đình chiến Nam Bộ, Chợ nổi Ngã Bảy, Mô hình Du lịch miệt vườn, Khu Du lịch Mùa Xuân...
Bà Nguyễn Thị Lý, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang, cho biết mặc dù điều kiện cơ sở hạ tầng du lịch chưa phát triển vượt bậc như các tỉnh, thành phố khác, ngành Du lịch Hậu Giang luôn chào đón và kỳ vọng doanh nghiệp lữ hành, công ty du lịch đưa du khách đến với tỉnh, nhất là những đơn vị đến từ Thành phố Hồ Chí Minh.
Thời gian tới, ngành du lịch tỉnh sẽ khai thác hiệu quả hơn thế mạnh ẩm thực và nâng cao chất lượng lĩnh vực này để hoàn thiện chuỗi cung ứng sản phẩm, dịch vụ phục vụ du khách trong và ngoài nước.
Địa phương vừa tổ chức thành công Festival Áo Bà ba lần đầu tiên năm 2023; dự kiến sẽ phát triển thành sự kiện thường niên để kích cầu du lịch.
[Kết nối điểm đến du lịch TP.HCM và Đồng bằng sông Cửu Long]
Theo ông Phạm Văn Đâu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng, chương trình khảo sát và hội nghị là hoạt động nhằm hiện thực hóa Chương trình thỏa thuận về liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023.
Do đó, Sóc Trăng kỳ vọng cộng đồng doanh nghiệp có thể trải nghiệm thực tế các sản phẩm tiềm năng, điểm đến du lịch trên địa bàn. Đây là dịp kết nối cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan quản lý địa phương trong phát triển sản phẩm du lịch đơn tuyến và liên tuyến, đóng góp tích cực vào sự phát triển du lịch của khu vực phía Nam và cả nước.
Ông Phạm Văn Đâu cho biết ngành du lịch tỉnh cam kết tiếp tục tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp tìm hiểu, trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ và mô hình du lịch mới. Do đó, doanh nghiệp lữ hành, công ty du lịch của nhiều tỉnh, thành phố có thể lựa chọn điểm đến phù hợp với khách hàng; đồng thời, tham gia nghiên cứu, xây dựng chuỗi cung ứng ngành Du lịch địa phương trên cơ sở những đặc trưng riêng về con người, văn hóa, ẩm thực Sóc Trăng.
Đoàn có thể khảo sát điểm đến du lịch cũ và mới trên địa bàn tỉnh gồm cồn Phong Nẫm trải nghiệm mô hình du lịch cộng đồng, miệt vườn, sinh thái; thưởng thức chương trình nghệ thuật và giao lưu văn hóa Khmer tại Nhà hàng Gạo Tẻ, chợ Quê và nghe đờn ca tài tử...
Bà Phạm Thị Thúy Diễm, đại diện Ban Tổ chức Chợ Quê, cồn Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng chia sẻ sau lần đầu được tổ chức thành công, hiện nay, Chợ Quê được tổ chức một lần vào thứ Bảy của tuần cuối tháng, với khoảng 30 gian hàng, giới thiệu sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP địa phương.
Qua chuyến khảo sát lần này, Ban Tổ chức Chợ Quê hy vọng doanh nghiệp lữ hành, công ty du lịch quan tâm và đưa điểm đến này vào tour, tuyến, đồng thời hỗ trợ quảng bá đến du khách trong và ngoài nước.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, anh Lê Diệp Thanh Tùng, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn du lịch Sài Gòn Hòn Ngọc cho rằng du lịch Đồng bằng sông Cửu Long cần nâng cấp về cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông đường thủy để mang lại cảm nhận thân thiện, sinh động tại điểm đến.
Các địa phương đẩy mạnh xúc tiến du lịch, nhưng cần chú trọng hơn trong liên kết với doanh nghiệp lữ hành, công ty du lịch đón và đưa đi du khách về địa phương. Các tỉnh, thành phố cần chủ động xây dựng một vài sản phẩm đặc trưng mang đậm bản sắc riêng của địa phương; đồng thời, cần hệ thống cơ sở lưu trú đảm bảo tiêu chuẩn.
Theo anh Nguyễn Anh Khoa, Trưởng Phòng Kinh doanh, Công ty Du lịch Sao Mai Bình Thuận, để không nằm trong tâm thế "chạy đua" cạnh tranh với nhiều địa phương cùng khu vực, mỗi tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long cần đổi mới sản phẩm, dịch vụ du lịch đơn tuyến và tăng cường kết nối du lịch liên tuyến, bên cạnh những điểm đến đã có thương hiệu đã được du khách biết đến.
Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có thiên nhiên ưu đãi về môi trường xanh, nhưng cũng đang bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và vấn đề bảo vệ môi trường. Vì vậy, các tỉnh, thành phố trong vùng muốn đẩy mạnh phát triển du lịch, yếu tố hàng đầu là làm nổi bật được giá trị đặc sắc của quê hương và mỗi người dân là một đại sứ du lịch.
Ngành Du lịch các địa phương thuộc Đồng bằng sông Cửu Long cần xác định chiến lược phát triển du lịch bám sát xu hướng du lịch xanh của cả nước trong quy hoạch, phát triển sản phẩm, dịch vụ và khai thác hiệu quả lợi thế vùng miền.
Liên quan đến du lịch trên địa bàn tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng, ông Phan Đông Nhựt, đại diện Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng Đoàn khảo sát đánh giá, đơn vị làm du lịch địa phương cần tập trung vào những sản phẩm cụ thể mà doanh nghiệp lữ hành, công ty du lịch, hoặc nhà tổ chức tour, tuyến quan tâm.
Du lịch địa phương cần tạo ra những sản phẩm, dịch vụ cho điểm đến của tỉnh, thành phố. Sở luôn đồng hành với địa phương xây dựng chủ đề, định hướng để xây dựng sản phẩm, dịch vụ bám sát nhu cầu thị trường, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp lữ hành, công ty du lịch và xu hướng hiện nay./.