Đồng bằng sông Cửu Long mùa nước nổi: Mở đồng đón phù sa

Ở ĐBSCL, nước lũ kéo về bất thường, có màu đỏ bạc, mang theo lượng lớn phù sa màu mỡ bồi tụ cho ruộng đồng, đây cũng là mùa đất ruộng được nghỉ ngơi, có thời gian ngâm nước lâu góp phần rửa chất phèn.
Đồng bằng sông Cửu Long mùa nước nổi: Mở đồng đón phù sa ảnh 1(Ảnh minh họa: Công Mạo/TTXVN)

Ở Đồng bằng sông Cửu Long, nước lũ kéo về bất thường, có màu đỏ bạc, mang theo lượng lớn phù sa màu mỡ bồi tụ cho ruộng đồng.

Đây cũng là mùa đất ruộng được nghỉ ngơi, có thời gian ngâm nước lâu góp phần tẩy rửa chất phèn, độc tố thuốc trừ sâu, tiêu diệt các loại ký sinh gây bệnh… để cho những mùa vụ tiếp theo càng bội thu.

Nhiều địa phương trong vùng đã khuyến cáo nông dân hạn chế gieo sạ vụ Thu Đông, xả lũ đón phù sa.

Giảm diện tích sản xuất vụ Thu Đông

Vụ Thu Đông thường diễn ra cùng thời gian với mùa lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long. Do đó, tiềm ẩn nhiều rủi ro lớn cho người nông dân nếu nước lũ dâng quá cao hoặc xảy ra các sự cố vỡ đê.

Thực tế từ đầu mùa lũ đến nay, đã xảy ra nhiều sự cố vỡ đê ở các địa phương như vỡ đê ở xã Thạnh Lợi, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) và ở xã Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn (An Giang) nhấn chìm hơn gần 300ha lúa vụ Thu Đông đang gần đến kỳ thu hoạch.

Anh Phạm Hồng Linh, xã Thạnh Lợi, huyện Tháp Mười cho biết, trước khi xảy ra vỡ đê thì người dân ở đây đã gia cố đê bao ruộng lúa, nhưng càng ngày mực nước càng dâng cao gia.

Đến ngày 12/9, đê vỡ, nước tràn vào nhấn chìm cả cánh đồng gần 150 ha, nông dân coi như trắng tay. Một số người xót của, dầm mình trong lũ để thu hoạch vớt vát.

Anh Linh lắc đầu nghẹn ngào nói, "có người thu hoạch khoảng 2 đến 3 giạ lúa. Song, lúa này cũng chỉ đem về cho gà ăn chứ chưa làm gì được vì chưa chắc gạo."

Phần lớn các diện tích lúa Thu Đông hiện nay được nông dân gieo sạ trong khu vực có đê bao khép kín. Tuy nhiên, rủi ro do nước lũ luôn đe dọa các diện tích này.

Mặt khác, nếu sản xuất liên tục, đất không có thời gian nghỉ ngơi, tẩy rửa chất động nên năng suất không cao, dịch bệnh dễ bùng phát, người dân khó thu lợi nhuận.

Do đó, nhiều địa phương trong khu vực đã khuyến cáo nông dân không nên sản xuất vụ Thu Đông để đất ruộng có thời gian nghỉ ngơi, tẩy rửa chất độc, bồi tụ thêm phù sa.

Theo ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, quan điểm của tỉnh là khuyến cáo người dân không sản xuất vụ Thu Đông để hạn chế tối đa thiệt hại xảy ra.

Đồng thời, xả đê cho nước lũ tràn vào để ruộng được ngâm nước, bồi tụ thêm phù sa. Trường hợp nếu sản xuất thì phải thực hiện trong những vùng đã có đê bao khép kín để hạn chế thiệt hại đáng tiếc xảy ra.

Ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Đồng Tháp cho biết, tổng diện tích xuống giống vụ Thu Đông của Đồng Tháp là hơn 110.000 ha; trong đó, 7 huyện phía Nam đã hoàn thành xuống giống, 5 huyện phía Bắc gồm Hồng Ngự, Tân Hồng, Tam Nông, Thanh Bình và thị xã Hồng Ngự còn đang xuống giống.

Trước tình hình lũ hiện nay, sở khuyến cáo không nên xuống giống, nếu địa phương nào để cho người dân xuống giống và bị thiệt hại thì lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm.

Thay vì xuống giống không đảm bảo an toàn, người dân nên tiến hành xả lũ để lấy phù sa, vệ sinh đồng ruộng, cắt đứt mầm bệnh và sẵn sàng chuẩn bị vụ lúa Đông Xuân khi nước rút.

[Ứng phó với lũ sớm khi đồng bằng sông Cửu Long vào mùa nước nổi]

Mở đồng đón phù sa

Do được khuyến cáo trước về tình hình nước lũ năm nay sẽ về sớm và lớn hơn mọi năm, nhiều người dân ở các vùng lũ đã chủ động ngưng sản xuất vụ Thu Đông nhằm tránh nguy cơ bị thiệt hại và cho ruộng có thời gian nghỉ ngơi, bồi tụ phù sa.

Ông Trương Văn Nghĩa, Xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp cho biết, người dân làm ruộng ở đây đa phần có khuynh hướng thích xả lũ, lấy phù sa cho đất, có như thế vụ sau trồng lúa mới năng suất. Thay vì trồng liên vụ, gối vụ, năng suất giảm, trong khi sâu bọ, mầm bệnh rất nhiều, không thể cắt đứt.

Ông Nguyễn Vĩnh (huyện Tân Hưng, Long An) cho biết, gia đình có gần 5ha ruộng, trước đây cũng làm 3 vụ nhưng năng suất không cao, có năm nước lũ lớn thì vụ Thu Đông thiệt hại rất nặng.

Những năm sau này được sự khuyến cáo của chính quyền, nên gia đình ông không tiếp tục làm lúa vụ 3 nữa mà mở đồng cho nước tràn vào cho ruộng nghỉ ngơi, vụ đông xuân sau đó thường rất trúng.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Long An Lê Văn Hoàng, nhiều người dân tranh thủ vùng không ngập lụt để sản xuất lúa vụ Thu Đông, nhưng trên thực tế thì vụ này năng suất không cao, người dân không thu được lợi nhuận. Mặt khác còn kéo giảm năng suất của vụ Đông Xuân tới.

Trường hợp nếu người dân không sản xuất mà mở đồng cho nước lũ tràn vào thì đất ruộng có thời gian nghỉ ngơi, được bồi tụ thêm phù sa, tẩy rửa chất độc…

Thực tế cho thấy tại những nơi chỉ sản xuất lúa hai vụ, năng suất vụ Đông Xuân thường rất cao, dao động từ 6,5-7 tấn/ ha, người dân thu lợi nhuận cao hơn nhiều.

Nhận được sự khuyến cáo của chính quyền địa phương, thấy được cái lợi của việc xả lũ vào ruộng, nhiều nông dân ở Long An đã chủ động ngưng sản xuất, thực hiện xả lũ.

Nhờ đó, diện tích sản xuất lúa vụ Đông Xuân năm 2018 của tỉnh Long An được kéo giảm rất nhiều, toàn tỉnh có hơn 234.000ha sản xuất lúa thì chỉ gieo sạ hơn 22.000ha lúa vụ Đông Xuân.

Còn tại Đồng Tháp, theo kế hoạch phát triển kinh tế nông nghiệp, ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2018, tỉnh Đồng Tháp chủ trương thực hiện xả lũ vào đồng ruộng với diện tích hơn 81.000ha lấy phù sa, thời gian thực hiện từ tháng 8/2018 đến tháng 10/2018.

Để thực hiện chủ trương xả lũ năm 2018, ngành nông nghiệp đã quy hoạch rất rõ vùng nào làm ô bao chống lũ, quản lý lũ triệt để, vùng nào chống lũ có kiểm soát và những vùng có xả lũ khi làm lúa 2 vụ.

Ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân nên xả lũ lấy phù sa đối với những diện tích chưa xuống giống lúa vụ 3, những khu sản xuất chưa có đê bao kiên cố./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục