Thực hiện chủ trương mở cửa hoàn toàn du lịch trong điều kiện bình thường mới cũng như kích cầu du lịch, Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long cần tiếp tục phát huy vai trò, vị thế để trở thành một điểm đến có sức hút lớn đối với du khách.
Liên kết để khai thác sự nổi trội trong sản phẩm
Trong Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long và phát động "Mở cửa lại du lịch trong điều kiện bình thường mới" diễn ra tại Bạc Liêu mới đây, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt đánh giá hoạt động liên kết không chỉ đem lại sự đa dạng hóa mà còn hướng tới khai thác sự nổi trội về sản phẩm du lịch giữa các địa phương.
Ví dụ Cần Thơ có du lịch sông nước, khai thác chợ nổi. An Giang phát triển lợi thế về du lịch tâm linh. Kiên Giang phát huy sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển đảo. Cà Mau đẩy mạnh du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với rừng. Bạc Liêu khai thác sản phẩm du lịch điện gió hay du lịch đặc sản nông nghiệp… để giữ chân du khách.
Liên kết phát triển du lịch góp phần thúc đẩy đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Một số tuyến đường cao tốc đã được gấp rút triển khai góp phần rút ngắn thời gian di chuyển giữa các địa phương, nâng cao tính hấp dẫn của sản phẩm du lịch như tuyến Trung Lương-Mỹ Thuận…
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy vai trò hạt nhân liên kết, hợp tác giữa các địa phương, nhất là trong triển khai hoạt động xúc tiến, quảng bá điểm đến, sản phẩm du lịch; khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp du lịch, cơ sở lưu trú tham gia các sự kiện, hội chợ, triển lãm, chương trình trong và ngoài nước.
[Du lịch phía Tây Đồng bằng sông Cửu Long: Phục hồi và bứt phá]
Đồng thời, Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Du lịch, triển khai các nội dung phát triển du lịch, quảng bá, xúc tiến du lịch trong bối cảnh mới, truyền tải thông điệp "Live fully in Vietnam-Sống trọn vẹn tại Việt Nam’’ với thị trường quốc tế và "Du lịch an toàn-Trải nghiệm trọn vẹn" với thị trường nội địa.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều khẳng định vùng Đồng bằng sông Cửu Long; trong đó có Bạc Liêu - với vị trí địa lý chiến lược quan trọng, có nhiều điều kiện thuận lợi để thu hút du khách trong và ngoài nước. Địa bàn này còn nhiều dư địa để liên kết với Thành phố Hồ Chí Minh, tạo ra không gian du lịch đặc sắc, đáp ứng được nhiều phân khúc thị trường, thúc đẩy sự lan tỏa kinh tế du lịch liên vùng nếu có các cơ chế, chính sách phù hợp, sự đồng hành của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Ông Phạm Văn Thiều đề xuất lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sớm phối hợp với các Bộ, ngành liên quan kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính tăng cường đầu tư hạ tầng kinh tế-xã hội cho Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để tạo điều kiện phát triển kinh tế du lịch Vùng. Đồng thời, trong quá trình lập Đề án Quy hoạch du lịch quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần chú trọng đưa các khu vực có tiềm năng phát triển du lịch của Đồng bằng sông Cửu Long vào tổng thể quy hoạch, để có định hướng và dành nguồn lực đầu tư phát triển.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long Lê Thanh Phong, các địa phương cần đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, trong đó tập trung khôi phục sản phẩm du lịch đường sông, du lịch gắn với khai thác hoạt động nông nghiệp, sinh thái; du lịch văn hóa miệt vườn; các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng và giải trí ven sông, nghỉ dưỡng biển đảo… Các địa phương cũng cần phát huy vai trò của các công ty lữ hành trong việc kết nối các điểm tham quan đơn lẻ trong khu vực thành chương trình tổng thể khám phá cả vùng nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu du lịch, mang đến những trải nghiệm dài ngày, đa dạng hơn cho du khách.
Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu của khách, các địa phương cần chú ý đến cơ sở hạ tầng, năng lực đáp ứng phục vụ của cơ sở vật chất (khách sạn, nhà hàng), cũng như nguồn nhân lực phục vụ du lịch (hướng dẫn viên, nhân viên phục vụ) của mỗi địa phương, điểm đến. Không chỉ phối hợp tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng, các địa phương có thể trao đổi, hỗ trợ nhân lực, lao động liên vùng trong các dịp tổ chức sự kiện, lễ hội lớn, thu hút số lượng lớn khách du lịch. Căn cứ theo tình hình mới và dự báo nhu cầu thị trường, các doanh nghiệp chủ động tuyển dụng và đào tạo, bồi dưỡng nhân lực nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ kịp thời đáp ứng mở cửa lại du lịch.
Cải thiện năng lực cạnh tranh, nâng cao sức hấp dẫn điểm đến
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng cho biết thời gian tới sẽ tăng cường phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về du lịch với các nội dung định kỳ như tổ chức Diễn đàn liên kết hợp tác phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long lần 2 tại Đồng Tháp; các hội nghị, hội thảo, tọa đàm chuyên đề về phát triển du lịch nhằm tháo gỡ các khó khăn, hạn chế về hạ tầng giao thông, cơ chế chính sách phát triển du lịch của liên kết vùng (14 tỉnh, thành đồng chủ trì).
Đồng thời, các bên liên quan triển khai ứng dụng bộ nhận diện thương hiệu du lịch vùng Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long đã được công bố trong các hoạt động du lịch tại các địa phương, truyền thông điểm đến.
Bên cạnh việc cải thiện năng lực cạnh tranh, nâng cao sức hấp dẫn điểm đến qua việc xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch an toàn, chất lượng, đa dạng, hấp dẫn, ngành du lịch cần phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành liên quan trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động du lịch nhất là vào mùa cao điểm du lịch nội địa. Các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm trường hợp vi phạm quy định của pháp luật, góp phần nâng cao các nhóm chỉ số về y tế và vệ sinh, môi trường kinh doanh du lịch của điểm đến.
Các địa phương cần chủ động chuyển đổi số các nền tảng dữ liệu du lịch, xây dựng hệ thống điều hành du lịch hiệu quả như cổng thông tin điện tử, ứng dụng du lịch, mô hình quản lý điểm đến thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch. Bên cạnh đó là việc nâng cao năng lực tiếp cận, khai thác công nghệ thông tin phục vụ phát triển du lịch; đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, ủng hộ các sáng kiến ứng dụng công nghệ mới để phát triển những sản phẩm du lịch độc đáo nhằm tăng trải nghiệm du lịch cho du khách.
Ngoài ra, các địa phương xác định cơ chế, chính sách thu hút đầu tư du lịch đặc thù mang tính đột phá, tập trung triển khai vào các địa bàn trọng điểm, có sản phẩm du lịch đặc thù, có tiềm năng phát triển du lịch. Việc đẩy mạnh triển khai các dự án cải thiện hạ tầng giao thông (đường bộ, đường thủy và đường không) sẽ giúp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mở rộng khả năng tiếp cận thị trường khách nội địa và quốc tế.
Về đường bay, bên cạnh khai thác nguồn khách từ Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh thành, thành phố cần chú trọng khai thác khách đến sân bay quốc tế Cần Thơ bao gồm đường bay nội địa và các đường bay quốc tế (kết nối trực tiếp với Bangkok, Kuala Lumpur, Seoul và Đài Bắc).
Để nắm bắt được thời cơ, bứt phá và gia tăng lợi thế cạnh tranh trong khu vực cũng như trên thế giới, ngành Du lịch của Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng Sông Cửu Long nói riêng, ngành du lịch của Việt Nam nói chung đang rất cần sự ủng hộ, phối hợp đồng bộ của cả hệ thống chính quyền, các bộ ngành, cộng đồng doanh nghiệp cũng như toàn thể người dân./.