Đồng bằng sông Cửu Long khôi phục sau giãn cách: Tiếp sức doanh nghiệp

Ngoài sự nỗ lực của bản thân mỗi doanh nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long, thì sự “tiếp sức” từ các địa phương cũng như của Trung ương là rất quan trọng, nhất là về các nguồn lực vốn, chính sách thuế.
Vận chuyển tôm nguyên liệu vào nhà máy chế biến sản phẩm tôm xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú tỉnh Cà Mau. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Trải qua một giai đoạn "mệt mỏi," kiệt quệ do dịch COVID-19 gây ra, cộng đồng doanh nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long gặp rất nhiều khó khăn chung như bao doanh nghiệp trong cả nước hiện nay.

Trong bối cảnh đó, ngoài sự nỗ lực của bản thân mỗi doanh nghiệp, thì sự “tiếp sức” từ các địa phương cũng như của Trung ương là rất quan trọng, nhất là về các nguồn lực vốn, chính sách thuế...

Ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người lao động

Để nhanh chóng khôi phục sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp do ảnh hưởng dịch COVID-19, tỉnh An Giang đã ban hành “Kế hoạch đảm bảo sản xuất ổn định trong tình hình dịch COVID-19 tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu, các doanh nghiệp trong và ngoài cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.”

Kế hoạch nhằm đảm bảo không bị đứt gãy chuỗi sản xuất và sản xuất an toàn, thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân. Đồng thời duy trì hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh ổn định, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế-xã hội gắn với phòng, chống, kiểm soát dịch COVID-19.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang Trần Anh Thư, hiện nay, mối quan tâm lớn nhất của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang là việc hỗ trợ, tạo thuận lợi trong lưu thông, vận chuyển hàng hóa và hỗ trợ tiêm vaccine cho công nhân người lao động.

Hiện nay, độ bao phủ vaccine của tỉnh An Giang đang rất thấp, số người dân đã được tiêm 1 mũi vaccine chỉ mới đạt 21,09% và mũi 2 chỉ mới đạt 7,55%. Do đó, thời gian tới, tỉnh sẽ ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân, người lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

“An Giang vừa được phân bổ 1 triệu liều vaccine, dự kiến trong 1 đến 2 tuần tới, hơn 62.000 công nhân, người lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cùng các tiểu thương, tài xế sẽ được tiêm vaccine mũi 1, sau đó 3 tuần sẽ tiêm mũi 2. Như vậy, trong khoảng 5 tuần tới, 100% công nhân, lái xe, tiêu thương sẽ được tiêm vaccine. Lúc đó các doanh nghiệp cũng sẽ hoạt động trở lại bình thường,” Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang Trần Anh Thư thông tin.

[Doanh nghiệp chuyển sang “3 xanh” để thích ứng tình hình mới]

Hiện nay, đã có 16/19 doanh nghiệp chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh An Giang đã hoạt động trở lại. Đối với doanh nghiệp đang tạm dừng hoạt động, trước khi hoạt động trở lại, Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang yêu cầu phải hoàn thiện kế hoạch phòng, chống dịch trong cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp.

Sau khi thực hiện đầy đủ các nội dung phòng, chống dịch bệnh, các doanh nghiệp đăng ký phương án hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp theo quy định với cơ quan chức năng để được tổ chức thẩm định phương án, đảm bảo hoạt động trở lại ổn định, an toàn và hiệu quả.

Với doanh nghiệp hoạt động trong thời gian bình thường mới, tùy theo đơn hàng, hợp đồng đã ký với đối tác và nguồn lao động doanh nghiệp quyết định tổ chức sản xuất với quy mô phù hợp.

Tuy nhiên, 100% người lao động phải được xét nghiệm đầu vào âm tính với SARS-CoV-2 và có kế hoạch sàng lọc tối thiểu 20% tổng số lao động của doanh nghiệp cho mỗi đợt sàng lọc. Người lao động được quyền lựa chọn phương tiện di chuyển và nơi lưu trú trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố nơi doanh nghiệp hoạt động.

Để triển khai kế hoạch, Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang yêu cầu các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh việc tiêm vaccine nhằm tăng độ phủ và tạo miễn dịch cho lực lượng lao động của doanh nghiệp; hướng dẫn doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp, khu kinh tế thực hiện các phương án sản xuất.

Các đơn vị tổ chức thẩm định các phương án, yêu cầu của doanh nghiệp về tổ chức lại sản xuất và tham mưu báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh đối với phương án ngoài phương án “3 tại chỗ.”

Xác định tiêm vaccine phòng COVID-19 là yêu cầu cấp thiết hiện nay, nhiều tỉnh thành ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã chủ động, xây dựng kế hoạch tiêm vaccine cho đội ngũ công nhân, người lao động trực triếp tham gia sản xuất, kinh doanh, vận chuyển… Qua đó, góp phần khôi phục và phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Trước kiến nghị của đa số các doanh nghiệp ở Cần Thơ trông chờ vào vaccine, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ cho biết khi vaccine được phân bổ về Cần Thơ nhiều sẽ ưu tiên tiêm cho công nhân cùng với lực lượng tuyến đầu y tế, thanh niên tình nguyện, lực lượng vũ trang.

Vaccine sẽ được ưu tiên tập trung tiêm cho người lao động, công nhân và các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp có chuỗi sản xuất xuất khẩu.

Dự kiến thời gian tới, thành phố sẽ tiêm vaccine cho công nhân, người lao động từ nhà máy đến vùng nguyên liệu nhằm tạo ra "cung đường xanh" để đảm bảo chuỗi sản xuất không bị đứt gãy.

Chính quyền “đồng hành” cùng doanh nghiệp

Trước những khó khăn vừa lo tập trung phòng, chống dịch, vừa triển khai khôi phục kinh tế, nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã có những “hành động” thiết thực, kịp thời.

Sản xuất hàng dệt may. (Nguồn: TTXVN)

Ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau nhận định dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng đến thời điểm hiện nay Cà Mau là một trong số những tỉnh kiểm soát tốt dịch COVID-19 theo đánh giá của Bộ Y tế.

Dù vậy, các ngành, lĩnh vực thế mạnh của tỉnh như xuất khẩu, sản xuất công nghiệp, du lịch, thương mại, thu ngân sách Nhà nước vẫn chịu những tác động rất lớn của dịch bệnh. Các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực thuỷ sản gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải thu hẹp hoặc dừng sản xuất kinh doanh…

Ðể kịp thời tháo gỡ khó khăn, từng bước khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, tỉnh đã ban hành Kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế tỉnh Cà Mau trong những tháng cuối năm 2021 với những nội dung, việc làm cụ thể, trên tinh thần quyết tâm hành động cao nhất.

Có 4 nhóm vấn đề trọng tâm được tỉnh tập trung, đó là thúc đẩy phục hồi kinh tế trong bối cảnh tỉnh Cà Mau và cả nước dần kiểm soát được ảnh hưởng của dịch COVID-19; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân khôi phục dần các hoạt động sản xuất kinh doanh đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh khi dịch COVID-19 được kiểm soát; đảm bảo an sinh xã hội, việc làm, chăm lo sức khoẻ và đời sống người dân; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Mục tiêu của tỉnh là bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19, chủ động phát hiện sớm, cách ly, điều trị kịp thời, không để dịch COVID-19 lan rộng. Mở rộng vùng xanh, thu hẹp vùng vàng và xóa vùng cam, vùng đỏ, tiến tới xanh hóa toàn địa bàn tỉnh gắn với việc khôi phục kinh tế, giải quyết việc làm và an sinh xã hội.

Tỉnh đề ra nhiệm vụ tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế-xã hội” trong tình hình mới; tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo chuyển biến thực chất trong việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh cải cách hành chính, chú trọng ứng dụng công nghệ số, Chính phủ điện tử...

Tỉnh huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; huy động tối đa mọi nguồn lực để ưu tiên phục vụ việc bảo đảm sức khoẻ nhân dân, an sinh xã hội.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh cho rằng đây vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả đầu tư công, góp phần giữ gìn an ninh trật tự và ổn định xã hội.

Tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn để sản xuất, kinh doanh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường cho biết, cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành cùng doanh nghiệp cố gắng thực hiện tốt mục tiêu kép vừa duy trì các điểm sản xuất vừa đảm bảo phòng, chống dịch.

Mặc dù, đến thời điểm này dịch bệnh còn phức tạp nhưng thành phố cơ bản kiểm soát được. Các ý kiến của doanh nghiệp thể hiện quyết tâm phục hồi, mở rộng và phát triển sản xuất.

Đối với việc phòng, chống dịch vừa đảm bảo sản xuất phải làm sao sản xuất an toàn và an toàn trong sản xuất. An toàn cho công nhân nơi ở, trên đường đi và nơi sản xuất; an toàn cho doanh nghiệp; an toàn cho khu vực sản xuất.

Hiện nay, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp thì những định hướng, chính sách của Chính phủ cũng cho phép các địa phương dần mở cửa, nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất.

Với những giải pháp "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh" thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” từ Trung ương đến địa phương cho thấy một những "tia sáng" trong các tháng cuối năm 2021 cho doanh nghiệp, kinh tế các địa phương, khu vực và cả nước.

Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fullbrigh cho rằng nếu nới lỏng giãn cách ở một mức độ nào đó, các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh có thể hoạt động trở lại được thì khả năng phục hồi trở lại rất đáng kể.

"Nếu như 3 tháng cuối năm mở cửa, các tỉnh quyết liệt giải ngân đầu tư công thì sẽ giúp kinh tế của từng địa phương và cả nước khôi phục lại," chuyên gia Nguyễn Xuân Thành nhận định./.

(TTXVN/ Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục