Đồng bằng sông Cửu Long: Hạn mặn khốc liệt, lại ngóng mưa nhân tạo?

Trong bối cảnh Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với đợt hạn và mặn lịch sử trong vòng 100 năm qua, liệu Việt Nam có thể làm mưa nhân tạo để chủ động cứu hạn, chống mặn cho “vựa lúa của đất nước”?
Khô hạn và xâm nhập mặn tàn phá Kiên Giang. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với đợt hạn và mặn lịch sử trong vòng 100 năm qua. Tình trạng thiếu nước được dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp. Trong bối cảnh ấy, liệu chúng ta có thể làm mưa nhân tạo để chủ động cứu hạn, chống mặn cho “vựa lúa của đất nước”?

Giấc mơ “mưa nhân tạo”

Để giảm nhẹ thiên tai khô hạn, cuối năm 1998, đề tài “Đánh giá khả năng làm mưa nhân tạo...” đã được Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nghiên cứu và đề xuất thử nghiệm, song không được triển khai.

Đến năm 2002,Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu lại tiếp tục được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao nghiên cứu về việc triển khai thực hiện dự án mưa nhân tạo, với nhiều hứa hẹn đến năm 2010 có thể làm mưa nhân phục vụ nhu cầu kinh tế xã hội cho vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ, sau đó sẽ mở rộng ra phạm vi cả nước.

Tuy nhiên đến nay, mặc cho hạn hán tại nhiều vùng, đặc biệt là xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long đang ngày càng khốc liệt thì người dân ở các vùng đại hạn cũng chỉ biết “hóng” mưa nhân tạo qua những lời đồn thổi.

Về việc dự án không được triển khai, lý do từng được Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra là, để làm được mưa nhân tạo sẽ phải đầu tư một lượng kinh phí rất lớn, công nghệ cũng khá phức tạp và đòi hỏi nhiều ngành cùng tham gia, trong khi chưa khẳng định được hiệu quả.

Và cũng chính vì thế, kể từ khi dự án “mưa nhân tạo” được nghiên cứu đến nay đã trải qua hơn 10 năm, thế nhưng mưa nhân tạo vẫn chỉ là giấc mơ xa vời.

Trong khi đó, theo nghiên cứu của các chuyên gia quốc tế, mưa nhân tạo là một trong những giải pháp giúp các nước giảm thiểu hạn hán cho những vùng đất đang khô héo vì nắng nóng. Theo tính toán, hiệu quản kinh tế có thể gấp 10 đến 20 lần số kinh phí bỏ ra nếu tiến hành tốt. Hiện nay trên thế giới, rất nhiều nước đã làm thành công mưa nhân tạo như Nga, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia…

Tại Việt Nam, cuối năm 1959, với sự giúp đỡ của các chuyên gia Trung Quốc, chúng ta đã tiến hành thử nghiệm làm mưa bằng cách dùng máy bay rải các chất tác động lên vùng trời ở hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên. Thử nghiệm này đã tạo ra mưa, tuy nhiên kết quả cuối cùng không được kiểm nghiệm cụ thể.

Chia sẻ từ góc độ cơ quan khí tượng, ông Trần Hồng Thái, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, vấn đề mưa nhân tạo thực tế đã từng được đưa ra bàn rất nhiều lần, tuy nhiên chưa thực hiện được, bởi để tạo được mưa thì cần phải có nghiên cứu rõ ràng hơn.

Vị chuyên gia này cũng lưu ý rằng, nếu muốn làm mưa nhân tạo thì độ ẩm, mây và nhiều kỹ thuật cần phải có. “Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt hiện nay, chúng ta cũng phải có nghiên cứu trực tiếp tại các vùng bị ảnh hưởng, và cân nhắc việc làm mưa nhân tạo có phải là giải pháp duy nhất hay không?” ông Thái nói.

Phó giáo sư tiến sỹ Vũ Thanh Ca, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam), từng là trưởng nhóm nghiên cứu về đề tài gây mưa nhân tạo ở Việt Nam cũng cho biết, làm mưa nhân tạo theo nguyên tắc tác động tích cực vào đám mây để bắt đầu quá trình mưa hoặc tăng cường quá trình mưa trong mây tùy thuộc vào công nghệ của mỗi nước.

Theo đó, các chất thường dùng để tác động vào mây tạo mưa nhân tạo là các khí nitơ lỏng, muối ăn, carbonic lỏng. Tuy nhiên, bất cập lớn nhất hiện nay về kỹ thuật là, vào mùa khô, các đám mây hội tụ đầy đủ các yếu tố cần và đủ ấy để tạo ra mưa lại không nhiều, điều nay gây khó khăn nhất định cho việc làm mưa nhân tạo, nhất là các vùng khô hạn.

Cơ chế hình thành mưa nhân tạo. (Nguồn ảnh: hoahocngaynay.com)

Hạn hán, xâm nhập mặn tiếp tục khốc liệt

Về tình hình khí tượng trong những tháng tới, ông Lê Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, hiện nay El Nino đang là hiện tượng nóng kỷ lục mà đỉnh của nó lên tới 3,1 độ C, cao hơn so với hiện tượng này trong năm 1997-1998.

“Đợt hạn hán vừa qua là kỷ lục trong vòng 100 năm trở lại đây, nhưng đã được dự báo và cảnh báo từ rất sớm. Theo những dự báo mới nhất, hiện tượng El Nino còn kéo dài đến tận nửa đầu 2016, mùa mưa đến muộn, nên hạn hán sẽ khốc liệt hơn năm trước, đặc biệt ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ,” ông Hải nói.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, mùa mưa năm nay có xu hướng đến muộn hơn so với trung bình nhiều năm ở hầu hết các khu vực trên toàn quốc. Tổng lượng mưa từ tháng 3 đến tháng 5 phổ biến thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 15-30% ở Bắc bộ, Bắc và Trung Trung bộ.

Đặc biệt khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ, lượng mưa thiếu hụt phổ biến từ 40-60% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Do vậy, tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn ở Tây Nguyên và Nam bộ có khả năng đến đầu tháng 6 và tại Trung và Nam Trung bộ có khả năng đến cuối tháng 8 đầu tháng 9/2016 mới được cải thiện.

Cũng theo dự báo, từ nay đến cuối tháng 6, dòng chảy trên các sông Trung bộ và khu vực Tây Nguyên tiếp tục giảm dần. Do thiếu hụt dòng chảy trên các sông và hồ chứa ở khu vực Trung bộ, Tây Nguyên nên trong các tháng tiếp theo của mùa khô năm 2016 tình trạng khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn có khả năng sẽ xảy ra trên diện rộng và khốc liệt hơn so với năm 2015.

Riêng với Nam Bộ, hiện dòng chảy từ thượng lưu sông Mekong về vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang ở mức thấp và diễn biến phức tạp do có sự chi phối của các hồ chứa thượng lưu. Do vậy, hạn hán và xâm nhập mặn dự báo cũng sẽ hết sức nghiêm trọng. Khả năng xâm nhập mặn tiếp tục sâu hơn và cao hơn cùng kỳ, độ mặn cao nhất năm khả năng xuất hiện vào cuối tháng 3./.

Theo nghiên cứu, điều kiện để có mưa là phải có mây và muốn làm mưa nhân tạo điều kiện đầu tiên là phải tạo ra mây. Trên lý thuyết quá trình làm mưa nhân tạo gồm 3 giai đoạn. Đầu tiên người ta dùng máy bay hoặc tên lửa để phun hoặc bắn hóa chất (CaCl2, CaC2, CaO, hợp chất của muối và urê, anlonium nitrat) kích thích khối không khí đi lên và tạo thành mây.

Tiếp theo là giai đoạn tích lũy. Trong giai đoạn này số lượng hạt nhân ngưng kết và mật độ hạt mát tăng lên trong những đám mây. Trong giai đoạn cuối, máy bay phun vào các khối mây các loại hoá chất chậm đông gồm iốt bạc (AgI) và băng khô (CO2 đóng băng). Chúng gây nên tình trạng mất cân bằng ở mức cao nhất, tạo ra nhiều hạt nước. Khi kích thước hạt nước đủ lớn chúng sẽ rơi xuống đất.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục