Đồng bằng sông Cửu Long: Đưa mô hình sinh kế đến với đồng bào Khmer

Tại thành phố Cần Thơ, nhờ sự hỗ trợ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, đồng bào Khmer đã được tham gia tập huấn, tiếp cận mô hình sinh kế hiệu quả với chi phí ban đầu rất thấp.
Buổi tập huấn mô hình sinh kế cho hội viên phụ nữ Khmer ở ấp Thới Hòa 2, thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)

Theo thống kê, đến cuối năm 2022, Đồng bằng sông Cửu Long còn hơn 277.000 hộ nghèo và cận nghèo, trong đó nhiều hộ là đồng bào dân tộc thiểu số. Làm thế nào để tạo sinh kế bền vững cho người dân luôn là nỗi trăn trở của cấp ủy, chính quyền các cấp. Tại thành phố Cần Thơ, nhờ sự hỗ trợ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, đồng bào Khmer đã được tham gia tập huấn, tiếp cận mô hình sinh kế hiệu quả với chi phí ban đầu rất thấp.

Biến rác thải hữu cơ thành chế phẩm sinh học

Một ngày trung tuần tháng 9/2023, chúng tôi có dịp tham gia buổi tập huấn mô hình sinh kế cho đồng bào Khmer ở ấp Thới Hòa B, thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ, do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố phối hợp với Viện Friedrich Naumann Foundation tại Việt Nam (Viện FNF Việt Nam) tổ chức.

Tại buổi tập huấn, các hội viên phụ nữ đã được chị Trịnh Thị Hồng, người sáng lập Công ty Minh Hồng Biotech hướng dẫn sử dụng các nguyên liệu hữu cơ có sẵn ở địa phương như lục bình, phế phẩm rau củ quả để tạo ra chế phẩm sinh học có thể dùng làm nước rửa bát, tẩy quần áo, lau nhà…, gần như không tốn chi phí lại an toàn cho sức khỏe người dùng.

Theo chị Trịnh Thị Hồng, người sáng tạo công thức biến rác thải hữu cơ thành chế phẩm sinh học, công thức cơ bản là 3 kg rác thải thực vật kết hợp với 10 lít nước sạch và 300 gram đường ủ trong thùng nhựa đậy kín sẽ cho ra 5 lít sản phẩm sinh học dùng để tẩy rửa.

Các sản phẩm nước rửa bát, nước giặt, nước lau nhà, dầu gội, nước rửa tay… hoàn toàn được chế tạo với nguyên liệu từ 100% rác thải hữu cơ như rau, củ quả, các loại thực vật chưa hư hỏng của hộ gia đình,  góp phần bảo vệ môi trường. Đặc biệt, nước này sau khi dùng để lau dọn nhà cửa có thể tưới cho cây nhằm tăng độ mùn của đất.

Chị Trịnh Thị Hồng chia sẻ, ban đầu người dân có thể làm sản phẩm để sử dụng trong gia đình rồi hướng đến cung cấp nguyên liệu cho các doanh nghiệp sản xuất. Để đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, bên cạnh tính an toàn sản phẩm cần được phối trộn với chất khác đảm bảo các tiêu chí như mùi thơm, độ tạo bọt, đậm đặc… nhưng vẫn an toàn cho sức khỏe khách hàng cũng như môi trường.

[Kiên Giang: Đồng bào dân tộc Khmer nỗ lực vươn lên thoát nghèo]

Theo chị Trịnh Thị Hồng, địa phương đã thành lập được hợp tác xã với hàng chục thành viên, trong tương lai, hợp tác xã có thể tìm đầu ra cho sản phẩm của bà con.

Nhận 3kg rác hữu cơ là cây lục bình, vỏ bưởi được làm sạch cùng bộ dụng cụ để về nhà ủ chế phẩm sinh học sau khi tập huấn, bà Thạch Thị Đầm, Chi hội trưởng phụ nữ ấp Thới Hòa 2, thị trấn Cờ Đỏ cho biết, bà rất tâm đắc với cách làm này. Từ trước đến nay, các loại rau củ thừa ở nhà nhiều nhưng chỉ bỏ đi, bây giờ có thể tận dụng làm ra nước tẩy rửa, vừa giảm chi phí lại được sử dụng chính sản phẩm do mình làm ra.

Cùng xem chuyên gia hướng dẫn người dân cách tạo ra chế phẩm sinh học, bà Nguyễn Ngọc Thẩm, Phó trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Cờ Đỏ nhận xét, việc xử lý các loại rác hữu cơ để tạo ra những sản phẩm như nước rửa chén, nước rửa tay, lau nhà bằng phương pháp của chị Trịnh Thị Hồng rất thiết thực và hiệu quả. Phụ phẩm sau khi ủ lại có thể tiếp tục trộn với các nguyên liệu khác làm phân bón hữu cơ để bón cho cây trồng.

Người dân xem sản phẩm tẩy rửa sinh học từ rác thải hữu cơ tại buổi tập huấn mô hình sinh kế. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)

Từng là Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Cờ Đỏ, bà Nguyễn Ngọc Thẩm cho biết, bà luôn trăn trở làm sao giúp hội viên, trong đó có hội viên phụ nữ Khmer thoát nghèo. Từ năm 2020, bà đã đứng ra thành lập Hợp tác xã làng nghề Cờ Đỏ với 38 thành viên, tham gia đan các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cây lục bình và làm dưa chua từ ngó lục bình. Đến nay, bình quân mỗi thành viên Hợp tác xã thu nhập từ 3-5 triệu đồng/tháng, chị em có điều kiện tích cóp, xây dựng nhà cửa khang trang hơn, mua sắm đồ dùng sinh hoạt tiện nghi, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của quê hương.

Với mô hình vừa được tập huấn, bà Nguyễn Ngọc Thẩm cho biết, thời gian tới, người dân sẽ có thêm điều kiện phát triển kinh tế, sinh kế, vừa đảm bảo môi trường, phù hợp triển khai trong cộng đồng dân cư, đặc biệt là đối với bà con Khmer trên địa bàn.

Tạo thu nhập ổn định để giảm nghèo bền vững

Tại Hội thảo “Giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, tạo sinh kế bền vững cho người nghèo và đồng bào Khmer vùng Đồng bằng sông Cửu Long” diễn ra ngày 19/9, tại Học viện Phật giáo Nam tông Khmer (quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ), ông Nguyễn Trung Nhân, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Cần Thơ thông tin, đồng bào Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 314.600 hộ với 1,2 triệu người, chiếm 6,7% dân số toàn vùng, cư trú nhiều nhất tại các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, An Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang…, trong đó hộ nghèo chiếm hơn 23%.

Buổi tập huấn mô hình sinh kế cho hội viên phụ nữ Khmer ở ấp Thới Hòa 2, thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)

Theo ông Nguyễn Trung Nhân, do xuất phát điểm thấp, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ chưa mang tính hàng hóa, đời sống của đồng bào chưa thực sự đảm bảo và thiếu tính bền vững, chưa có nhiều cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội. Với trách nhiệm của mình, chúng ta cần triển khai nhiều giải pháp hiệu quả để giảm hộ nghèo đa chiều, hạn chế tái nghèo và phát sinh hộ nghèo, giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tiến sỹ Phạm Hùng Tiến, Phó Giám đốc Viện FNF Việt Nam cho biết, nguyên nhân dẫn tới nghèo đa chiều phần nhiều xuất phát từ lý do thiếu sinh kế bền vững. Tại Cần Thơ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Cần Thơ và Viện FNF Việt Nam thường xuyên trao đổi, đi đến thống nhất là năm 2023 và các năm tiếp theo tập trung hoàn thiện các mô hình sinh kế cho đồng bào khó khăn ở Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là đồng bào Khmer. Với tư cách nhà tài trợ, Viện FNF Việt Nam xác định nhiệm vụ của mình là đưa ra các mô hình sinh kế để cải thiện và tăng thu nhập cho người dân.

Ông Phạm Hùng Tiến cũng chia sẻ: Các mô hình sinh kế đưa ra phải phù hợp với đặc trưng, đặc điểm của từng vùng. Nguồn lực là có hạn nhưng nếu có sự phối hợp, kết hợp hiệu quả giữa các nhà khoa học, chuyên gia, người dân, chính quyền và Viện FNF Việt Nam thì chúng ta sẽ tìm ra được những mô hình sinh kế phù hợp tại từng địa phương.

Tại lớp tập huấn ở ấp Thới Hòa B, thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ, các chuyên gia đã trình diễn hai mô hình gồm: Tái chế các nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương như lục bình, cây xanh, rau củ quả, qua đó tạo ra những chất sinh học và mô hình sản xuất phân bón hữu cơ bà con có thể ứng dụng được trong đời sống sinh hoạt cũng như tạo ra giá trị gia tăng thích hợp với yêu cầu của thị trường.

Đại diện Viện FNF Việt Nam cho biết, năm 2023 và các năm tiếp theo, đơn vị phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng tổ chức đoàn thể ở các địa phương tập trung hoàn thiện mô hình sinh kế cho đồng bào khó khăn ở Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là đồng bào Khmer.

Qua đó hướng đến mục tiêu hàng năm giảm số hộ nghèo, cận nghèo bằng việc tạo ra nguồn thu nhập ổn định, bền vững, trung bình khoảng từ 4-5 triệu đồng/tháng cho hộ nghèo, những người yếu thế trong xã hội, đặc biệt là chị em vì các lý do họ không đi ra khỏi địa phương nhiều, thiếu thông tin trên thị trường.

Tạo sinh kế cho đồng bào các vùng khó khăn, đặc biệt là đồng bào Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long được xác định là công việc lâu dài và cần có sự tham gia của rất nhiều chủ thể. Trong bối cảnh các nguồn lực có giới hạn, nếu biết cách kết hợp hiệu quả giữa nhà khoa học, chuyên gia, người dân, chính quyền cùng đối tác tài trợ, những mô hình sinh kế phù hợp với từng địa phương sẽ giúp bà con không chỉ thoát nghèo mà còn có cơ hội vươn lên, nâng cao đời sống gia đình, đóng góp cho sự phát triển của địa phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục